Bronte Gossling lên kế hoạch từ Sydney, Úc đến Bali để nghỉ lễ, sau khi Indonesia mở cửa trở lại du lịch.
Sau khi chi 4.000 AUD (gần 3.000 USD) cho chi phí chuyến bay, khách sạn, các bài test Covid-19, Bronte háo hức tới sân bay để chuẩn bị lên máy bay của hãng Jetstar.
Tuy nhiên, tại quầy làm thủ tục, cô gái được thông báo không thể lên máy bay vì hộ chiếu quá mốc.
Bronte, người đã tiết lộ câu chuyện của mình trên nine.com.au, nói: "Tôi đưa hộ chiếu của mình và nhân viên bán hàng tại quầy Jetstar nói: 'Tôi không thể để bạn lên chuyến bay' và anh ta chỉ vào trang hộ chiếu có ảnh chân dung tôi bị dính một chút nấm mốc. Do đó, tôi không thể lên máy bay. Tôi bị sốc".
Quy định mới dành cho du khách đến Bali được đưa ra vào năm 2019 với nhiều điểm chặt chẽ hơn về hộ chiếu. Các nhà chức trách Indonesia có thể thực thi khoản tiền phạt lên tới 5.000 USD đối với các hãng hàng không nếu họ đưa hành khách đến đảo với hộ chiếu bị hỏng. Hành khách cũng có thể bị giam giữ tại sân bay Bali và phải bay về nước.
Bronte giải thích rằng hộ chiếu của cô đã bị mốc sau khi cô để trong ngăn kéo ở nhà hơn hai năm, do các hạn chế đi lại liên tục diễn ra ở Úc trong thời kỳ đại dịch. Cô gái tin rằng tấm hộ chiếu đã bị mốc sau trận lũ lụt trên khắp nước Úc có mưa lớn và độ ẩm cao.
Tuy nhiên, dù đã mất đi kỳ nghỉ và số tiền 3.000 USD, Bronte cũng cảm thấy "biết ơn" vì thừa nhận có thể rơi vào tình cảnh "tồi tệ hơn nhiều" nếu bị kẹt ở Bali.
Bronte không phải là người đầu tiên rơi vào tình cảnh này.
Vào năm 2019, cầu thủ bóng đá Úc Sam Kerr đã bị ngăn không cho lên chuyến bay Jetstar sau khi hãng hàng không cho rằng hộ chiếu bị sờn mép. Richard và Ann Lane, đến từ Lincolnshire, buộc phải bỏ lỡ 3 tuần trong kỳ nghỉ kéo dài ba tháng vì không thể nhập cảnh vào Bali và Malaysia do một lỗ hổng nhỏ trên hộ chiếu.