Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Ăn ngon - chơi đã

Tiệm bánh bèo trứ danh chợ Bến Thành, 22 năm ngày nào cũng bán hơn ngàn đĩa mà khách vẫn xếp hàng dài chờ mua

Nếu đi vào chợ Bến Thành từ hướng cửa Tây, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hàng dài người đứng xếp hàng chờ mua bánh bèo của cô Ánh với giá rẻ bất ngờ.

Bánh bèo là một món ăn dân dã nhưng cũng không kém phần ngon miệng. Mỗi vùng sẽ có sự biến tấu, gia giảm nguyên liệu để cho ra vị bánh bèo khác nhau, phù hợp với phong vị riêng của địa phương. Nếu ở miền Nam, người ta đổ bánh bèo trong chén dẹt, sau đó băm thịt với tôm phi thành nhân thì ở xứ Huế, bánh bèo có phần nho nhỏ, xinh xinh hơn hẳn.

Bánh bèo xứ Huế mộng mơ thường chỉ to bằng khoảng đồng xu. Thay vì dùng thịt như miền Nam, người Huế giã tôm rắc lên mặt bánh, cho ra vị ngọt tự nhiên ăn rồi còn vương vấn nơi đầu lưỡi đến cả buổi sau.

Thế nhưng, để tìm được đúng bánh bèo chất Huế nơi phố thị Sài Gòn không phải điều dễ dàng, dù ít dù nhiều đã bị biến tấu đôi chút. Nhưng nếu có dịp đến chơi ở chợ Bến Thành, bạn đừng quên ghé thăm quầy bánh bèo Huế cô Ánh, nằm ở cửa số 7, hướng Tây để thử ngay 1 dĩa bèo Huế rất đặc trưng và ngon miệng.

Cô Ánh chô biết, quầy bánh bèo này đã hơn 22 năm tuổi. Trước đây cô bán một mình, giờ thì nhân viên lên tới gần chục người. Tuy không gian quầy bán bánh không được cơi nới rộng ra, nhưng khách ngày càng đông hơn nên cô phải huy động người nhà ra bán phụ để khách không phải chờ lâu.

Một dĩa bánh đầy đủ gồm có bánh bèo, bánh bột lọc bánh ít trần và 1 cây chả. Mọi thứ được xếp đầy đặn lên 1 chiếc dĩa sâu lòng, sau đó, cô chủ sẽ phủ lên mặt chút tôm giã mịn, chút hành lá phi, ít bánh mì vụn chiên giòn rôm rốp và kết thúc bằng 1 giá nước mắm đặc sắc chan đều lên dĩa bánh.

Cô Ánh hay còn được gọi là cô Ba bánh bèo luôn niềm nở với khách đến ăn.

Một dĩa bánh đầy đủ có giá 20 nghìn.

Điểm cộng thứ nhất khiến dĩa bánh đặc sắc chính là phần bột đổ của từng loại. Người đổ bánh đã gia giảm lượng bột khiến chiếc bánh bèo không quá khô cũng không quá ướt khiến người ăn nhanh ngán. Bên cạnh đó, việc đổ bánh bằng khuôn nhỏ cho tất cả các loại cũng khiến thực khách được thưởng thức trọn vẹn nhiều loại bánh hơn mà vẫn cảm thấy vừa vặn, không thừa mứa.

Điểm cộng thứ hai của dĩa bánh 22 năm tuổi này là ở phần nước mắm chan ăn cùng. Nước mắm pha rất thanh, thơm, không quá ngọt như nước mắm của người miền Tây, cũng không quá mặn như nước mắm gốc ở Huế. Nước mắm của cô Ánh là sự phối hợp vừa đủ giữa 3 vị mặn ngọt chua, chan lên dĩa bánh xăm xắp và vừa đủ tròn vị, không quá thừa không quá thiếu.

Điểm cộng cuối cùng của hàng bánh này chính là giá “bèo” như tên bánh. Chỉ với 20 nghìn bạn đã có thể lấp đầy bao tử giữa ngôi chợ nổi tiếng đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn.

Bên cạnh món bánh mặn lẫy lừng, cô Ánh còn bán thêm bánh ngọt, cụ thể là bánh bò lá dứa để phục vụ nhu cầu thích ăn vặt của người miền Nam. Bánh bò của cô cũng được đổ theo tiêu chí nhỏ nhỏ, xinh xinh vừa vặn không ngán. Màu bánh xanh ngà, mùi bánh thơm phức do được tạo màu hoàn toàn tự nhiên từ lá dứa.

Chả và nem cũng được gia đình cô tự làm, một cây chả hay nem đều đồng giá 5 nghìn đồng. Khách có thể kêu thêm vào phần bánh nếu vẫn còn thèm.

Khi được hỏi vì sao cô vẫn giữ giá rẻ dù bán hàng trong ngôi chợ nổi tiếng đắt đỏ này, cô Ánh thật thà chia sẻ: “Hồi lúc cô mới bán, giá 1 dĩa bánh chỉ có 2 nghìn thôi, trải qua 22 năm cô tăng lên tới 20 nghìn là phù hợp rồi. Cô không muốn làm giá đồ ăn, cô muốn mọi người đều được thưởng thức món bánh quê hương mình. Lời ít chút nhưng thấy thực khách ăn ngon và quay lại ủng hộ thì cô thấy mình đã lời không ai sánh bằng rồi”.

Bánh bèo, bột lọc, ít trần ở quầy cô Ánh đều được đổ nhỏ vừa.

Cô Ánh cho thêm ngò rí thay vì hành phi để dĩa bánh dậy hương nhưng vẫn không quá ngấy, mất đi vị ngọt thanh của tôm giã.

Hàng ăn rẻ nhất nhì chợ Bến Thành.

Bánh bò nhỏ xinh thơm lừng mùi lá dứa.

Nem chả cũng do nhà cô Ánh tự làm.

Từ quán bánh chỉ có 1 người, giờ đã tăng lên gần chục người, làm việc luôn tay.

Cô Ánh cho biết mỗi ngày cô bán từ 6h sáng tới 4h chiều và hơn 1000 dĩa bánh được tiêu thụ sạch veo.

Những khách quen lười phải chờ đợi thường điện thoại đặt hàng trước để cô chuẩn bị sẵn.

Đến tầm 11h trưa, khách bắt đầu đông hơn khiến bà chủ và nhân viên tăng tốc phục vụ.

Khi hết chỗ ngồi trên quầy, thực khách cũng không ngần ngại láy ghế làm bàn để thưởng thức món ăn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Trân Trân

tag-icon
Được quan tâm

Tin mới nhất