Trung Quốc
Để chống lại cái lạnh, súp thịt cừu hầm là món ngon bổ dưỡng được người dân Trung Quốc rất “tín nhiệm” trong những ngày mùa đông. Theo họ, đây là một cách tuyệt vời để cung cấp chất dinh dưỡng và tăng tuần hoàn máu.
Khi nhà có khách, họ sẽ làm một nồi lẩu cừu cay để vừa chống rét, vừa có thời gian nhâm nhi.
Ngoài ra, theo một giai thoại, vào ngày Đông Chí hàng năm, người dân Trung Quốc còn ăn sủi cảo, vừa để chống rét, vừa để tưởng nhớ Trương Trọng Cảnh, một lương y của đời nhà Đông Hán (150- 215).
Chuyện kể rằng sau khi từ quan, trở về quê nhà, Trương Trọng Cảnh thấy người dân quê ông bị cước tai.
Vậy là ông nghĩ ra cách gói các loại thảo mộc vào vỏ bột mỳ có hình tai người, sau đó luộc lên và gửi cho người nghèo, giúp họ chữa bệnh cước tai. Đó chính là món sủi cảo.
Trong những ngày trời lạnh, còn có một món được người Trung Quốc ưa chuộng nữa, đó là súp trứng gà, với các thành phần như trứng gà, bột bắp, hạt tiêu. Người ta còn có thể cho thêm gừng và cà ri để tăng sức đề kháng.
Với các món tráng miệng, người Trung Quốc sẽ ăn món tàu hũ nước đường, với vị gừng cay nồng không thể thiếu. Đây là món ăn không chỉ phổ biến ở miền Nam Trung Quốc mà còn còn được ưa chuộng ở Đài Loan và các quốc gia Đông Á.
Bên cạnh đó, cũng giống như Việt Nam, khoai lang nướng là thứ người dân ở miền Bắc Trung Quốc không thể bỏ qua trong mùa đông.
Nhiệt độ càng thấp thì những người bán rong trên phố càng bán được nhiều món ăn vừa ngon, vừa giúp giữ ấm này.
Nga
Mùa đông của xứ sở Bạch Dương không thể thiếu một món ăn truyền thống, đó là món súp.
Người Nga ăn nhiều loại súp khác nhau. Trước Giáng sinh thì họ thường ăn các loại súp nhẹ, được chế biến từ nước dùng, rau và các loại ngũ cốc. Còn sau Giáng sinh, họ sẽ ăn các loại súp thịt.
Khi đó, ngoài rau bắp cải, họ sẽ còn cho vào món súp dưa muối với thận bò (Rassolnik) hoặc lợn, súp với ớt, thịt, cá hoặc nấm (súp cay Solyanka).
Tất cả các món ăn này đều rất bổ dưỡng và được ăn khi còn bốc khói, giúp cơ thể nóng lên.
Về đồ uống, người Nga thường không uống trà, mà uống sbiten, với các thành phần là mật ong, bạc hà, quế….rất thơm ngon và cực phù hợp cho những ngày trời lạnh.
Ngoài sbiten, họ còn uống rượu vang nóng, chính là rượu vang đỏ được hâm nóng với các vị cam, quế, hồi, nụ đinh hương…. được cho thêm vào để tăng thêm hương vị và có tác dụng giữ ấm.
Vùng Siberi
Cũng là một trong những vùng băng giá nổi tiếng của Nga, ở đây, người ta ăn không chỉ để thưởng thức, mà còn để chống chọi với cái lạnh khủng khiếp lên tới âm 40 độ, để tồn tại.
Ở Siberi có một món ăn là pelmeni, còn được gọi là “sủi cảo Nga” với các thành phần chính là thịt lợn, thịt cừu hoặc thịt hươu xay nhỏ cùng gia vị là tiêu, tỏi, sau đó được bọc trong vỏ bánh làm từ bột mỳ, trứng rồi đem hấp lên.
Người Siberi còn rất thích ăn cá, đặc biệt là cá hồi Omul vì nó là đặc sản của hồ Baikal ở đây. Họ có món “Cá hồi Omul hun khói” rất nổi tiếng.
Ngoài ra, với người Siberi, trứng cá hồi không phải là một loại đặc sản, mà là thức ăn hàng ngày. Họ có thể chế biến món bánh trứng cá hồi, gồm hỗn hợp trứng cá hồi trộn hành tây, hạt tiêu và một chút bột mỳ rồi rán lên, ăn nóng.
Người dân Siberi còn có một món ăn kèm tên là Sauerkraut (tương tự như món dưa muối của Việt Nam), giúp họ có đủ vitamin, giúp tiêu hóa tốt, tăng cường sức đề kháng và khỏe mạnh hơn trong mùa đông.
Thành phần của món Sauerkraut bao gồm cải bắp, cà rốt, táo, dâu tây, dâu lingon, nam việt quất.
Mông Cổ
Là một thảo nguyên mênh mông bát ngát, Mông Cổ là một trong những nơi lạnh nhất thế giới, nên người dân nơi đây đã trữ sẵn bí quyết chống rét bằng đồ ăn từ bao năm nay.
Do điều kiện khắc nghiệt, rau là một thực phẩm hiếm hoi ở đây, vì thế, người Mông Cổ cho rằng “rau cỏ là để dành cho gia súc, thịt mới dành cho con người”. Vào mùa đông, họ ăn nhiều thịt, đặc biệt là thịt ngựa để có nhiều năng lượng.
Ngoài ra, bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, họ cũng ăn bánh sủi cảo (buuz) và các món lẩu như lẩu cay, với các thành phần như thịt bò, cừu, nước dùng, mỳ, gia vị…. trong những ngày đông giá rét.
Tổng hợp từ các nguồn báo nước ngoài