Sau Tết, bánh tổ chiên là được ưa chuộng nhất, trở thành lộc đầu năm của người dân sau khi hạ xuống bàn thờ gia tiên, vì theo quan niệm của người dân Việt Nam, sử dụng đồ ăn sau khi cúng được xem như một lộc lành nhận được từ ông bà tổ tiên, vậy nên việc bỏ đi là một điều cấm kỵ
Bánh có vị ngọt, dẻo dẻo, dai dai, thơm vị vừng khi còn “sống”, qua tháng giêng, muốn đổi khẩu vị thì đem bánh cát lát chiên giòn trong chảo nóng, ăn kèm một chút bánh đa nướng thì ngon phải biết.
Bánh tổ nguyên gốc trong tiếng Trung phiên âm ra là Nian Gao, trong tiếng Trung Quốc, ký tự "gao" được phát âm giống như từ "cao" có nghĩa là "ngày càng cao hơn qua từng năm" tượng trưng cho mong muốn mỗi năm sẽ "cao hơn" và tốt hơn năm ngoái, vậy nên bánh tổ cũng tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới.
Chiếc bánh tổ được làm nên từ nguyên liệu vốn có của vùng quê Quảng Nam như nếp, đường bát, gừng, mè. Trong đó việc chọn lựa được hạt nếp ngon, dẻo, thơm là điều quan trọng để tạo nên một chiếc bánh tổ chất lượng.
Xay và trộn bột nếp với nước đường bát, gừng nhuyễn theo một tỷ lệ nhất định để cho ra hỗn hợp không quá đặc hoặc quá lỏng. Tiếp tục đổ ra khuôn và cho vào nồi hấp chín trong 4 tiếng. Người ta hay ví von chiếc bánh tổ nhìn như một tổ chim, vì bánh được đổ trong khuôn tre đan hình tròn, bên trong lót 2 lớp lá chuối. Khi hấp bánh thì lá chuối tươi chuyển sang màu xanh đen, giúp bánh tổ có hương thơm nhẹ nhàng. Đồng thời khi hấp bánh phải luôn giữ lửa to, đỏ đều để bánh tổ chín tới, không bị sượng.
Khi bánh tổ vừa mới ra lò sẽ được rắc lên một lớp mè trắng, để nguội đến khi bánh khô lại là dùng được. Nếu để càng lâu thì độ dẻo ngọt của bánh tổ càng đậm đà hơn, đặc biệt khi đem bánh phơi nắng hoặc bảo quản trong tủ lạnh sẽ giúp kéo dài thời hạn sử dụng.
Chiếc bánh tổ ngon là phải mềm dẻo, không bị cứng hoặc nhão, có vị ngọt bùi. Bánh ăn “sống” được, nhưng ngon hơn khi chiên và ăn cùng với bánh tráng nướng, Cách làm bánh tổ tuy đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được một sản phẩm thơm ngon đạt chuẩn.
Ngày nay, ẩm thực ngày càng phong phú và đa dạng, những món ăn truyền thống dần bị lãng quên, nhưng với người dân xứ Quảng nó vẫn là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm thờ cúng gia tiên ngày tết, tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng trong năm mới.