Cơm tấm
Sài Gòn là nơi giao thoa và hội nhập nhiều nền ẩm thực đặc sắc, bởi thế, nếu chọn ra một món mang cái tinh tuý và chất riêng của Sài Gòn cũng rất khó. Những món cơm tấm đã thể hiện đầy đủ những yếu tố đó.
Người Sài Gòn phóng khoáng nên dĩa cơm mang ra lúc nào cũng đầy vung thức ăn. Một đĩa cơm tấm truyền thống và cũng được gọi tên nhiều nhất trong các quán ăn là bộ tam “Sườn - bì - chả”. Sườn là linh hồn không thể thiếu cho một món cơm tấm đúng nghĩa, được tẩm gia vị thấm đậm hương thơm của tỏi, tiêu và ngũ vị hương,… Tuỳ quán mà có một công thức ướp sườn riêng để níu chân thực khách. Đi ngang một hàng cơm tấm, mùi thơm của những chiếc sườn toả ra từ bếp than khiến những cánh mũi phải hít hà phát thèm.
Không chỉ duy nhất có sườn tạo nên chất Sài Gòn cho mỗi dĩa cơm. Còn bì được làm từ da heo cắt sợi rồi trộn với thính, cái dai dai và giòn giòn của những sợi bì khi ăn kèm với một miếng chả bùi bùi thơm mùi trứng thì không sự kết hợp nào tuyệt vời hơn.
Một đĩa cơm tấm sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vị chua ngọt của những lát dưa chua ngâm vừa tay, mỡ hành óng ánh chan hoà trên bề mặt món ăn. Và cái đặc biệt, khiến thực khách xác định một quán cơm ngon lại chính là sự hài hoà hương vị của chén nước mắm tỏi ớt đặc trưng.
Có thể nói, cơm tấm mang đến sự thuần tuý và đậm đà hương vị của một Sài Gòn bình dị và dân dã.
Phá lấu
Sài Gòn có những buổi chiều se lạnh hay mưa lâm thâm, không khí man mát khiến cả lũ bạn muốn rủ nhau chui vào một góc quán nào đó ăn một món ấm nóng, ăn nhẹ thỏa cơn đói chắc hẳn không thể bỏ qua được món phá lấu, món ăn rất Sài Gòn.
Phá lấu theo kiểu Sài Gòn không chỉ có phá lấu heo (lỗ tai, ruột, phèo, bao tử, lá lách…) mà còn hấp dẫn bởi những nồi phá lấu bò gồm những bộ phận nội tạng được làm sạch sẽ như lá sách, lòng, lách,…
Để món phá lấu thêm thơm béo, người ta cho vào nước cốt dừa. Khi ăn, người ta thường cho cả phần nước và phần thịt cho vào chén rồi chấm với bánh mì hoặc cho ra đĩa ăn với mì gói. Món này khá là quen thuộc với mọi người dân Sài Gòn, từ công nhân viên chức đi làm đến các em học sinh, sinh viên. Và món phá lấu còn là món trong danh sách những món ăn vỉa hè nổi tiếng của Sài Gòn.
Ốc
Nếu nói Ốc chỉ là một món ăn thôi thì cũng chưa thể hiện hết trọn vẹn tinh thần của món. Ở Sài Gòn, Ốc lại trở thành một biểu tượng văn hoá ẩm thực.
Người Sài Gòn đôi lúc không xem ốc như món quà vặt, ăn chơi mà có thể ăn thay cho cơm trưa, cơm chiều. Kéo nhau vào quán ốc, hiếm khi ai gọi một hai đĩa, ít nhất thì cũng phải “khám phá” gần hết thực đơn, ai cũng chọn cho mình một món ốc “ruột”.
Cái sự trù phú, đa dạng của ốc là chỗ khiến thực khách phải ngất ngây trước một bảng tên dài của hằng hà sa số loại ốc. Tất cả các món ốc từ bình dân đến đặc sản của cả ba miền đều “di cư” vào, cứ ngỡ nơi này là thiên đường ốc. Chỉ tính riêng theo tên gọi thông thường thì có cả chục loại ốc khác nhau, nào là ốc hương, ốc nhảy, ốc giác, ốc mỡ, ốc bông, ốc dừa, ốc bưu,…
Rồi đến các chế biến cũng đủ mùi đủ vị cho từng loại ốc riêng biệt. Từ hấp, luộc, xào, chiên, rang đến nướng, đút lò… với đủ thứ gia vị như tỏi, hành, tiêu, ớt, rau răm, sả, gừng, húng quế, phô mai, trứng cút, rau muống. Mỗi kiểu mang lại một xúc cảm nơi vị giác
Thật lạ là dù không phải là một thành phố biển, nhưng khi nhắc đến Sài Gòn thì nhất định bạn phải một lần nếm thử những đĩa ốc đại diện cho sự trù phú của ẩm thực Sài Gòn.
Hủ tiếu Nam Vang
Nghe cái tên thoáng qua cứ nghĩa món ăn này không năm trong danh sách ẩm thực Sài Gòn. Tuy nhiên, Hủ tiếu Nam Vang ở đất Sài thành lại trở thành đặc sản không thể bỏ qua khi có dịp ghé thăm.
Xuất xứ từ vùng đất Campuchia xa xôi, nhưng từ khi du nhập vào đất Nam Bộ nước ta, đặc biệt là Sài Gòn thì những tô hủ tiếu lại khoác lên một màu áo mới.
Tô hủ tiếu múc ra đầy đặn khiến thực khách phải no mắt. Ẩn mình trong làn nước súp trong veo là những sợi hủ tiếu gạo trắng phau, những lát thịt nạc, gan, tim được xếp đều đặn bên trên và điểm tô thêm màu đỏ quyến rũ của con tôm tươi. Điểm bên trên là những lát hành xanh mướt cùng cái thơm thoang thoảng của hành phi tỏi theo công thức riêng độc đáo. Một tô hủ tiếu hài hoà màu sắc đã tạo nên một hương vị tinh tế của món ăn tuy không phải của Sài Gòn nhưng chỉ ngon khi ăn ở nơi đây.
Có hai cách thưởng thức hủ tiếu theo người Sài Gòn, hủ tiếu khô và hủ tiếu nước. Sự hài hoà giữa cái ngọt tự nhiên từ xương hầm hoà cùng các loại thức ăn kèm , những tô hủ tiếu nước sẽ giúp bạn cảm nhận được cái nhã nhặn của món ăn. Còn hủ tiếu khô thì dành cho những ai muốn tìm vị đậm đà trong từng loại gia vị được trộn thấm đậm. Cách nào cũng ngon, cũng tạo một hương vị độc đáo riêng biệt.
Sài Gòn luôn biết tiếp đãi thực khách bằng chính hương vị độc đáo của mình để rồi khi lỡ xa Sài Gòn thì lại thấy nhớ những món ăn bình dị mà thân thương.
Nguồn ảnh internet