Quần thể sơn thạch khổng lồ hay còn được ví von vui như một "bãi trứng khủng long" này là tuyệt tác mà tạo hóa dành tặng cho Quy Nhơn - "nàng công chúa ngủ quên" của du lịch Việt.
“Bãi Đá Trứng” thuộc khu du lịch Ghềnh Ráng, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3km về phía Đông Nam. Đến đây, chắc chắn bạn sẽ phải “ồ òa” lên thích thú khi nhìn thấy những tảng đá thuôn dài, nhẵn mịn như muôn vàn quả trứng khủng long khổng lồ được thiên nhiên khéo léo xếp đặt, tạo thành một tấm đê chắn sóng trên bãi biển.
“Bãi Đá Trứng” đặc biệt về hình dáng thú vị và kích thước khổng lồ.
Một giai thoại truyền miệng cho rằng, “bãi Đá Trứng” còn có tên gọi khác là “bãi Hoàng Hậu” vì xưa kia, Nam Phương Hoàng Hậu - vợ vua Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn từng chọn nơi đây làm bãi tắm riêng. Dần dà, người dân địa phương quen gọi nơi đây là “bãi Hoàng Hậu” cho đến tận bây giờ.
Để tận mắt chiêm ngưỡng “bãi Đá Trứng”, từ ga Quy Nhơn bạn sẽ mất 10 phút đi ô tô cho quãng đường 4,5km hoặc từ bến xe Quy Nhơn, bạn sẽ chỉ tốn khoảng 3 phút đi ô tô cho chặng đường dài vỏn vẹn 1,6km. Bên cạnh bãi tắm là ngọn đồi Thi Nhân - nơi có mộ phần của nhà thơ đoản mệnh Hàn Mặc Tử.
Buổi sớm bên “bãi Đá Trứng” tựa như chốn… bồng lai.
Liệu bạn có thể dửng dưng trước vẻ đẹp muôn vàn kỳ thú này của tạo hóa?
Ngọn đồi Thi Nhân - nơi có mộ phần của thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm gần “bãi Đá Trứng”. Từ đồi Thi Nhân, phóng tầm mắt về phía “bãi Đá Trứng”, cảnh biển nên thơ hiện ra trước mắt khiến viễn khách không khỏi nao lòng.
Teresa Nguyễn (25 tuổi, nhân viên văn phòng TP HCM) giới thiệu: “Nếu có kế hoạch ghé thăm “bãi Đá Trứng”, bạn nên “bỏ túi” thêm loạt danh thắng khác mà Quy Nhơn đang sở hữu như chùa Long Khánh, chùa Sơn Long, Eo Gió, Cù Lao Xanh, eo biển Vầng Trăng Khuyết, Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít (của người Chăm), bãi Kỳ Co, cầu Thị Nại, hòn Khô, Hầm Hô…”
Teresa Nguyễn thích thú khi lần đầu tiên trải nghiệm “khu du lịch Hầm Hô” - một thung lũng được bao quanh bốn bề là núi. Phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trong đó nổi bật là khúc sông dài khoảng 3km, Hầm Hô nổi bật với những tảng đá hoa cương khổng lồ mang hình thù kỳ thú như: hòn Bóng, hòn Đá Đôi, hòn Chuông, hòn Đá Thành, hòn Gõ, hòn Đá Bàn Cờ… Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó, bãi biển Kỳ Co (thuộc xã đảo Nhơn Lý) nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25km cũng là một điểm nhấn đặc biệt của du lịch Quy Nhơn. Do chưa đưa vào khai thác du lịch nên đa phần du khách đến đây theo hình thức “phượt”. Ảnh: Nhi Nguyễn.
Cảnh đẹp Kỳ Co nổi bật với những ghềnh đá muôn hình vạn trạng in bóng dưới mặt nước biển xanh trong, mát rượi.
Chùa Long Khánh là một ngôi Tổ Đình được xây dựng năm 1700, do hoà thượng Đức Sơn lập nên. Trải qua hơn 300 năm, chùa đã truyền thừa được 14 đời chủ trì. Hiện chùa còn lưu giữ hai vật quý có từ hơn 200 năm trước, gồm: Thái Bình hồng chung (chuông Hồng Thái) được đúc vàp năm 1805 triều vua Gia Long và tấm dấu biểu trưng Long Khánh Tự được in vào năm 1813 triều vua Gia Long.
Eo Gió nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km (thuộc xã Nhơn Lý). Đến với Eo Gió, những rặng núi đá chập chùng “đâm toạc” ra biển như muốn ôm trọn lấy cả một vùng nước xanh trong.
Cảnh đẹp mê hồn ở Eo Gió là một sự thật không ai có thể chối cãi!
Bãi biển “Vầng trăng khuyết” kéo dài từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng. Tọa lạc tại khu vực trung tâm thành phố, đây là bãi biển thu hút du khách bậc nhất của Quy Nhơn.
Tháp Đôi Quy Nhơn là một công trình tôn giáo mà người Chăm xây dựng từ thế kỉ X đến XV bằng kỹ thuật xây dựng độc đáo, không cần sử dụng đến vôi, vữa mà vẫn có thể gắn kết tất cả các viên đá khít lại với nhau.
Bên cạnh cảnh đẹp mê hồn, Quy Nhơn còn có rất nhiều đặc sản hấp dẫn, đủ sức “mê hoặc” những ai có… tâm hồn ăn uống. Từ tré, bánh hỏi lòng heo, nem nướng, bánh bèo, đến bún cá, bún sứa hay bánh xèo… đều có những nét đặc sắc riêng, bắt buộc bạn phải thử qua, để nhận được một… “giấy xác nhận đã đến Quy Nhơn”.
Tré là đặc sản không thể bỏ qua khi đến Quy Nhơn.
Người Quy Nhơn thường có thói quen ăn bánh hỏi với cháo và lòng lợn luộc, có kèm rau sống ở bất kỳ buổi nào trong ngày. Quán Mẫn (76A Trần Phú) và quán Cô Năm (41 Nguyễn Chánh) là hai địa chỉ quen thuộc của người dân địa phương mỗi khi tìm đến món ăn này.
Bánh bèo Cây Mận là một địa chỉ được nhiều “thổ địa” mách nhỏ cho du khách phương xa. Thế nhưng, quán có vị trí khá khiêm tốn khi tọa lạc tại một con hẻm nhỏ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn. Người dân địa phương ở đây rất mến khách nên đừng ngại hỏi nếu bạn chưa tìm ra.
Bún sứa…
… và bún chả cá cũng là món ăn không thể bỏ qua khi đến thành phố biển này.
Clip ghi lại những hình ảnh đẹp của Quy Nhơn:
Từ TP HCM, bạn có thể đến Quy Nhơn qua 3 ngả đường:
- Đường bộ: Phương Trang và The Sinh Tourist là hai hãng xe có uy tín nhất cho tuyến đi Sài Gòn - Quy Nhơn. Hành trình dài 650km sẽ khiến bạn tốn khoảng 12-17 giờ đồng hồ (tùy xe), giá vé từ 250 nghìn đồng/vé.
- Đường sắt: có giá vé từ 250 nghìn đồng/vé.
- Đường hàng không: Giá vé khứ hồi cho chặng bay Tân Sơn Nhất - Phù Cát vào khoảng 2 triệu đồng trở lại. Từ sân bay Phù Cát, bạn dễ dàng đón taxi để vào trung tâm thành phố Quy Nhơn, cách đó khoảng 20km.
Trong một cuộc trò chuyện với SAOstar, Hoa hậu Thanh Thủy tiết lộ chuyện được Kỳ Duyên hỏi thăm và động viên mỗi ngày khi thi quốc tế dù cả hai trái múi giờ.