1 ngày là thời gian vừa đủ để tôi có thể “nhâm nhi” hết những điểm đến chính của thành phố hiền hòa, xinh đẹp này.
Bảo tàng Musei Vaticani
Với những chỉ dẫn ấn tượng trong sách du lịch, tôi hăm hở chọn bảo tàng Musei Vaticani là điểm dừng chân đầu tiên ở Roma. Mới hơn 8h30 sáng, dòng người xếp hàng ngoài bảo tàng đã lên hàng cây số. Sau hai tiếng đồng hồ phơi mình dưới nắng, cuối cùng tôi cũng vào được bên trong bảo tàng.
Bỏ qua các tác phẩm hội họa, điêu khắc, các bộ sưu tập cổ vật với dấu ấn tôn giáo rõ nét đang được trưng bày ở đây, thứ duy nhất hút lấy tầm mắt của tôi chính là cầu thang của bảo tàng.
Từ trên cao nhìn xuống, cầu thang tạo thành một hình xoắn ốc hoàn hảo. Du khách cứ bước xuống, người nhỏ dần, nhỏ dần đến khi chỉ còn là một chấm màu trên nền đá xám. Trong ánh nắng rọi xuống cầu thang qua giếng trời khổng lồ bằng kính, hình ảnh đơn giản ấy khoác lên mình một màu sắc ảo diệu, khiến tôi liên tưởng đến những con người đang cuồng điên trong vòng xoay của cuộc đời.
Đền Patheon có bị dột hay không?
Đền Pantheon còn được gọi là “Ngôi đền của mọi vị thần”, được xây dựng vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Ngày nay, Pantheon là một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Công trình này bao gồm một tiền sảnh ở phía ngoài, xây theo kiến trúc Hy Lạp với 16 cây cột đá hoa cương kiểu Corinthian cao 13m, nặng khoảng 100 tấn.
Tiếp sau hàng cột là một phòng hình trụ, được “chụp” một trần nhà hình vòm bên trên. Mái vòm này được làm bằng bê-tông được trộn với đá nham thạch. Trên đỉnh của mái vòm có một lỗ hổng đường kính 8,92m, phần cũng để giảm trọng lượng của mái vòm, phần nữa nó là chỗ duy nhất đưa ánh sáng vào phía trong đền.
Thực ra, Pantheon không đơn thuần là một ngôi đền mà chính là một chiếc đồng hồ tính năm khổng lồ của người La Mã cổ đại. Mỗi năm, vào ngày Xuân phân và Thu phân ở Bắc bán cầu, ánh sáng mặt trời chiếu qua lỗ hổng sẽ đến đúng chỗ nối giữa tường và mái vòm ở cửa lớn phía Bắc của ngôi đền. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy phần mái vòm của đền được xây theo dạng mắt (oculus). Chúng có nhiệm vụ thông gió và làm mát cho đền. Những khi trời mưa, nước mưa sẽ theo những “con mắt” ấy chảy xuống hệ thống rãnh thoát nước dưới nền nhà.
Roma của một thời đã xa
Bỏ mặc bản đồ và những tấm bảng hướng dẫn lối đi gắn đầy những cây cột ở ngã tư, tôi để mình lạc lối giữa những con hẻm nhỏ ngoằn nghoèo trong lòng Roma náo nhiệt. Hai bên hẻm là những ngôi nhà sơn cam vàng kiểu Địa Trung Hải với ban công sắt đen treo đầy những chậu phong lữ tím hồng.
Tôi tiếp tục đi bộ đến Piazza di Spagna, nơi chàng nhà báo đào hoa và cô công chúa đã từng ngồi nhâm nhi cây kem Ý mát lạnh trong bộ phim Kỳ nghỉ ở Roma. Quả thực, ngoài những biểu tượng gắn liền với hình ảnh nước Ý như đấu trường Colosseo, Đại giáo đường Milano, tháp nghiêng Pisa thì gelato - kem Ý - là một đại sứ du lịch xuất sắc của đất nước hình chiếc ủng.
Đừng nói dối với Bocca della Verità
Cuối ngày, khi nắng bắt đầu nhạt dần trên phố, tôi đón chuyến xe buýt đến thăm Bocca della Verità - Cái miệng của sự thật. Vào thời Trung cổ, người ta tin rằng nếu muốn kiểm chứng xem liệu lời nói là thật, người nói sẽ phải cho tay vào trong “Cái miệng” và nói điều mình đang nghĩ. “Cái miệng” sẽ cắn mất bàn tay của kẻ nói dối.
Khi đến nơi, tôi thất vọng nhận ra rằng “Cái miệng” hiện đang bị “nhốt” vào trong khuôn viên của nhà thờ Basilica di Santa Maria in Cosmedin. Nếu muốn, người ta chỉ có thể đứng bên ngoài và chụp hình mà thôi. Nếu có thể, tôi sẽ không ngần ngại mà cho tay vào “Cái miệng của sự thật” và nói rằng tôi đã phải lòng Roma mất rồi!
Và còn nhiều những khoảnh khắc Roma tôi ghi lại trên chuyến hành trình của mình…