Chuyến bay Virgin Australia VA-319 vừa cất cánh từ Melbourne tới Brisbane thì hệ thống báo cáo “rung động quá mức” đối với động cơ bên trái và phi hành đoàn đã quyết định quay trở lại sân bay.
Cơ trưởng thông báo với các nhân viên kiểm soát không lưu rằng khi máy bay đang bay ổn định ở độ cao 5000 feet, động cơ số một của Boeing 737 đã va chạm với một con đại bàng và một con thỏ đang bị giữ chặt bởi móng vuốt của đại bàng.
Chuyến bay chứa khoảng 174 hành khách đã hạ cánh an toàn sau 17 phút cất cánh. Dữ liệu từ FlightRadar24.com cho thấy máy bay đã ở độ cao 4500 feet và đang lên cao trước khi nó thực hiện một cú quay đầu gọn gàng và trở lại Melbourne.
FlightRadar24 cho biết chuyến bay này đã bị hủy. Chúng tôi đang chờ hãng Virgin Australia giải thích cho vụ việc này.
Sự kiện hiếm hoi này đã được đăng trên tạp chí Aviation Herald và có người bình luận đùa rằng đó phải là một “trải nghiệm quý báu” cho phi hành đoàn.
Mặc dù kỳ quặc, nhưng đây không phải là loài động vật đặc biệt nhất đã đụng trúng một chiếc máy bay đang bay.
Năm 1987, tờ New York Times đưa tin về vụ va chạm giữa máy bay Alaska Airlines và một con cá.
“Họ phát hiện ra một vết dính mỡ với một số vảy nhưng không có thiệt hại nào khác”. Paul Bowers, giám đốc sân bay Juneau, đã nói với tờ báo sau khi kiểm tra chiếc máy bay.
Theo phi công của chuyến bay này, va chạm xảy ra vào khoảng độ cao 400 feet khi chiếc Boeing 737 cất cánh ra khỏi sân bay Alaska và chạm trán một con đại bàng đầu trắng lớn quắp theo một con cá trong móng của nó. Con đại bàng đã không bị thương.
Ông Bowers nói: “Quy luật của thiên nhiên đã gây ra tác động này.” Ông Bowers cho biết: “Khi con chim lớn” tiến lại gần, chim nhỏ hơn đã hoảng sợ và thả con mồi của nó. Con cá rơi trúng cửa sổ nhỏ ở đầu buồng lái”.
Theo Hiệp hội Hàng không Anh quốc (BALPA), các sự kiện như vậy hiếm khi nguy hiểm - trừ khi bạn là một con chim.
Chuyên gia an ninh máy bay BALPA, Stephen Landells, nói: “Máy bay được thiết kế và chế tạo có thể chống đỡ với các cuộc “tấn công” của chim và phi công được huấn luyện nghiêm ngặt để giúp họ đối phó với các tình huống va chạm có thể xảy ra”.
“Trong sự nghiệp của mình, tôi đã trải qua 10 cuộc chạm trán với chim trong các chuyến bay, nhưng đều không có thiệt hại đáng kể nào. Trên thực tế, có một vài lần, do kích thước của chúng quá nhỏ, tôi đã không biết rằng tôi đã đụng trúng chúng cho đến khi kiểm tra máy bay sau khi hạ cánh”.
Khi một con chim bay trúng hoặc bị hút vào động cơ của một chiếc máy bay, con vật đáng thương thường bị phân huỷ. Tuy nhiên, các sự cố với những con chim to hơn có thể có thiệt hại nặng hơn cho động cơ.