Một người phụ nữ giấu tên ở Queensland, Australia đã tới Việt Nam du lịch trong tháng 1. Cô dành 3 ngày ở bãi biển An Bàng, Hội An để nghỉ dưỡng. Tiết lộ với ABC, nữ du khách 42 tuổi cho biết cô không ở quá lâu trên cát, mà chỉ đi chân trần từ bãi biển xuống nước để tắm.
Sau khi trở về quê nhà từ Việt Nam khoảng một tuần, người phụ nữ bắt đầu có những biểu hiện lạ ở chân. “Một buổi sáng, tôi tỉnh dậy và nhìn xuống chân mình. Tôi nhận thấy có điều gì đó bất ổn”.
Sau đó, người phụ nữ đã phải trải qua những ngày khó chịu. Chân cô bị sưng tấy, ngứa ngáy. “Chưa bao giờ tôi ngứa đến thế”, cô nhớ lại.
Khi đến phòng khám để chữa trị, bác sĩ của cô thậm chí còn không tìm ra được lý do. Sau đó, cô liền nhớ tới một trường hợp tương tự đã được chia sẻ rầm rộ trên mạng. Đó là cặp đôi người Canada đến Dominica du lịch và cũng bị giun móc làm tổ trên da khi đi chân trần trên cát. Cô liền đề cập với bác sĩ về căn bệnh giun móc này nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Tôi chưa từng chữa trị cho ai bị bệnh đó”.
Do không được hỗ trợ chữa trị, nữ du khách phải bay sang một bang khác để tìm bác sĩ. Tại đây, cô may mắn gặp được bác sĩ biết cách chữa bệnh này và phát thuốc. Khi uống thuốc để tiêu diệt ổ giun móc ra khỏi cơ thể, cô lại phải trải qua một đêm kinh hoàng.
Điều may mắn là những đứa con của cô không có triệu chứng giống mẹ, dù chúng dành phần lớn thời gian để vùi mình trong cát trên bãi biển.
Theo Mark Pearson, nhà nghiên cứu cao cấp đang làm việc tại Viện Y học Nhiệt đới Australia thuộc đại học James Cook, chỉ cần một con giun móc cũng đủ để gây nhiễm trùng.
Ngoài ra, trứng của loài giun này nằm lẫn trong đất, cát. Chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào da người khi đi chân trần. Những ấu trùng này khi chui vào da sẽ “đợi ngày đợi tháng” để nở thành con và ký sinh trong cơ thể người.