Từ vụ nữ công an gây rối ở sân bay Tân Sơn Nhất, cần nắm rõ những quy định xử phạt hành khách vi phạm an ninh trật tự tại sân bay
Ngành hàng không luôn đặt sự an toàn và tính bảo mật lên hàng đầu, vì vậy các hãng bay trên thế giới đã đặt ra những quy định chặt chẽ giúp bảo vệ khách hàng và sự an toàn cho chuyến bay. Nếu là một tín đồ du lịch hay là người thường xuyên di chuyển bằng máy bay đến các quốc gia trên thế giới, hành khách cần lưu ý những quy định sau đây và hợp tác với hãng hàng không để giữ được an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) định nghĩa một hành khách gây rối là khi người đó không tôn trọng các quy tắc ứng xử tại sân bay, trên máy bay hoặc không làm theo hướng dẫn của nhân viên sân bay, thành viên phi hành đoàn; những điều này khiến xáo trộn trật tự tại sân bay hoặc trên máy bay, gây ảnh hưởng đến hành khách khác.
Ngoài ra, ICAO cũng xây dựng một danh sách dài những hành vi được xem là gây rối và gây ảnh hưởng đến trật tự tại sân bay, trên máy bay, chẳng hạn như: không tuân thủ hướng dẫn an toàn bay (không thắt dây an toàn, không tắt thiết bị điện tử, hút thuốc,…), đe dọa hành khách hoặc phi hành đoàn, lạm dụng hay quấy rối tình dục,…
Tại các nước trên thế giới, nếu hành khách vi phạm những điều sau đây sẽ bị xử phạt nặng hay thậm chí là cấm bay. Là tín đồ du lịch, hãy bỏ túi ngay những điều sau đây để tránh phiền phức không đáng có.
Hàn Quốc
Năm 2016 trên chuyến bay của hãng Korean Air từ Hà Nội đến Seoul, một người đàn ông say rượu đã lao vào xô xát với những hành khách khác khiến ca sĩ Richard Marx phải đích thân đứng ra can thiệp.
Sự việc tuy không để lại thương tích hay hậu quả đáng kể, nhưng nhân chứng cho biết phi hành đoàn chưa được huấn luyện qua tình huống tương tự, khiến tiếp viên không xử lý vụ việc kịp thời.
Sau sự cố đó, hãng hàng không Hàn Quốc đã trang bị súng điện Taser cũng như tuyển thêm tiếp viên nam để khống chế hành khách có hành vi bạo lực. Người khách 34 tuổi thực hiện hành vi gây rối đã bị bắt giữ ngay khi máy bay hạ cánh và sau đó bị phạt 1.700 USD cho hành động này.
Hành vi ẩu đả và xô xát với hành khách khác trên máy bay tại Hàn Quốc có thể khiến bạn bị phạt từ 6 triệu won đến 24 triệu won tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc. Ngoài ra, la hét, hành vi gây phiền nhiễu, đá và đập vào lưng ghế hoặc bàn, khay, tài sản trên máy bay cũng bị xếp vào tội danh tương tự.
Nhật Bản
Tháng 7 vừa qua, một người phụ nữ Nhật đã bị phạt 105.000 USD sau khi có hành vi đe dọa an toàn hành khách và phi hành đoàn, kết quả khiến chuyến bay bị thay đổi lộ trình và cần sự hỗ trợ từ quân đội.
Ngay sau khi máy bay hạ cánh, người phụ nữ đó đã bị bắt giữ và bị tuyên mức phạt ngay lập tức vì hành động nguy hiểm. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng có quy định nhiều cấp độ nguy hiểm cho hành vi tương tự, mà hành động của người phụ nữ này là ở mức cao nhất.
Với mức độ của hành vi này tại Nhật Bản, bạn có thể bị phạt đến 2 triệu yen (khoảng 460 triệu đồng) và bị cấm bay trọn đời. Cùng mức phạt này còn có các hành vi mang theo hoặc tiêu thụ chất ma túy hoặc chống đối bất hợp pháp yêu cầu của phi hành đoàn gây ảnh hưởng xấu đến chuyến bay.
Anh Quốc
Tại Anh, các hãng hàng không đã cùng thực hiện chiến dịch “One Too Many”, các cảnh báo về hành vi gây rối. Theo chiến dịch này, ngoài việc nhắc nhở hành khách sẽ phải đối mặt với các hình phạt rất nặng vì làm gián đoạn chuyến bay.
Hành khách bị từ chối đối với bất kì chuyến bay nào nếu tiêu thụ quá nhiều rượu. Phạt tiền 5.000 bảng với bất kì ai trì hoãn chuyến bay. Phạt tiền 80.000 bảng (khoảng 2,27 tỉ đồng) đối với bất kì ai làm gián đoạn chuyến bay khi đang ở trên không.
Thậm chí, hành khách có thể phải đối mặt với hai năm tù vì làm gián đoạn chuyến bay. Áp dụng lệnh cấm bay suốt đời từ hãng hàng không nếu hành khách khiến chuyến bay bị hủy.
Việt Nam
Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167 quy định người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi gây mất trật tự ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác cũng bị phạt mức tương tự.
Đối với hành khách có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau tại cảng hàng không, sân bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quy định có ghi rõ mức phạt cao nhất lên đến từ 3 đến 5 triệu đồng.
Ngoài ra, Khoản 1, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội gây rối trật tự công cộng cũng ghi rõ người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.