Do được bạn thân truyền cho kinh nghiệm lại một số người quen ở Hàn Quốc cũng như đã nghiên cứu kĩ về kinh nghiệm được người đi trước chia sẻ trên mạng nên Hồng Thái (25 tuổi) quyết định đến Seoul một mình theo dạng du lịch tự túc. Chuyến đi 9 ngày 8 đêm của cô tốn tất cả 19 triệu cho mọi chi phí.
1. Vé máy bay
Từ Hà Nội đến Seoul chỉ mất 4 tiếng nên theo mình không cần đầu tư quá nhiều vào giá vé. Do không đặt vé từ sớm nên vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Seoul đã ngốn của mình hơn 6 triệu. Nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể đặt vé sớm hoặc săn vé máy bay giá rẻ để mua được vé với giá khoảng 4 đến 5 triệu, hoặc rẻ hơn nữa.
Sân bay Incheon khá sạch sẽ và hiện đại với nhiều phương tiện giao thông công cộng để vào thành phố như tàu điện, xe bus, giá tính ra tiền Việt 25 ngàn đến 80 ngàn/ lượt. Nếu muốn riêng tư và không phải chờ đợi, bạn có thể chọn taxi. Bản thân mình vì hành lý không nhiều và muốn tiết kiệm tiền nên mình chọn di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Do không cần liên hệ với ai ở Hàn Quốc mà chỉ cần giữ liên lạc với gia đình nên mình mua sim trả trước, được khuyến mại 100% ở Việt Nam và đăng ký roamming chứ không mua sim Hàn vì sim Hàn giá đắt hơn, khi gọi điện ấn nhiều mã rắc rối. Ngoài ra ở Seoul, wifi có ở khắp mọi nơi nên bạn hoàn toàn có thể liên lạc bằng facebook, viber…
2. Phương tiện đi lại
Trước khi đi chơi, cô bạn thân hướng dẫn mình khá nhiều về bản đồ Seoul, cách đi lại theo sơ đồ tàu điện. Bạn cho mình mượn một thẻ Tmoney để tiện cho việc sử dụng các phương tiện công cộng. Có thể nạp tiền vào thẻ dưới ga tàu hoặc các cửa hàng treo biển Tmoney như 24/7, Seveneleven… Mỗi lần quẹt thẻ Tmoney thì máy đều hiện số tiền còn lại trong thẻ nên rất dễ kiểm soát số tiền. Nếu không có sẵn thẻ, bạn có thể mua thẻ mới với giá chỉ khoảng 50 ngàn đồng.
Tàu điện là phương tiện rẻ và an toàn và không lo sợ lạc ở Seoul. Còn nếu bạn muốn ngắm cảnh đường phố thì xe bus là một lựá chọn tốt, tuy nhiên hãy nhớ để ý tiếng thông báo các trạm dừng để biết mình đang ở đâu nhé. Các trạm dừng xe bus thông báo bằng 4 thứ tiếng Hàn, Anh, Trung, Nhật nên chỉ cần để ý một chút là sẽ không lo lạc. Do sử dụng phương tiện công cộng nên chi phí đi lại suốt chuyến đi của mình chỉ khoảng 1 triệu đồng.
Kinh nghiệm du lịch Seoul một mình của mình là nên lên 1 lịch trình chi tiết về những nơi dự định tới. Mình có tải bản đồn tàu điện ở Seoul, google maps (hoặc bản đồ Naver hoặc Daum nếu bạn có thể đọc được tiếng Hàn). Mặc dù ở Seoul wifi phủ sóng hầu hết mọi nơi nhưng bạn vẫn nên có 1 bản đồ giấy hoặc chụp hình bản đồ trên điện thoại trước khi ra khỏi nhà, ghi tên các địa điểm cần đến (tốt nhất là bằng tiếng Hàn) để tiện hỏi đường, và đừng quên card visit của nhà nghỉ.
Những ngày đầu mình đi những nơi gần nhau trước cho quen đường và cách sử dụng phương tiện công cộng, về sau mới đi xa. Nhưng mình luôn về nhà trước 11 giờ đêm để tránh hết tàu. Sau đó lại đi dạo, ăn uống ở Hongdae, con phố không ngủ vì có chợ đêm và các quán bar mở 24/7.
Đa số người dân đều rất thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ khi bạn lạc đường hoặc cần hỏi địa chỉ. Điện thoại của họ luôn cài sẵn bản đồ để chỉ dẫn cho bạn. Bạn nên hỏi những người trẻ vì họ biết tiếng Anh và đừng quên nói cảm ơn sau khi được giúp đỡ nhé!
3. Lưu trú
Do đã tìm hiểu từ trước nên mình chọn ở nhà trọ (guesthouse) thay vì khách sạn bởi giá hợp túi tiền. Nhà trọ mình ở là Cocoon stay hongik Uni. station ở khu Hongdae, rất tiện để đi chơi và mua sắm ăn uống.
Dù là nhà trọ nhưng nơi ở khá sạch sẽ, có CCTV (camera giám sát), wifi 5, có phục vụ bữa sáng miễn phí với bánh mì, trứng, cafe, bơ, mứt dâu… Ngoài ra ai muốn tự nấu ăn có thể dùng bếp chung… Nhà được dọn hàng ngày từ 11h đến 2h chiều. Chủ nhà thân thiện, biết tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật. Vì đi 1 mình nên mình chọn phòng tập thể 4 nữ với giá khoảng 500 ngàn đồng/ đêm.
Đa số các nhà nghỉ bên Hàn bên ngoài đều giống trong ảnh trên web, có điều diện tích sẽ nhỏ hơn thực tế một chút nên các bạn nhớ đọc thông tin diện tích và các tiện dụng của nhà nghỉ trước khi đặt nhé. Hơn nữa cũng không nên đặt phòng rẻ quá vì đó thường là nơi xa trung tâm, bến tàu và có thể là phòng tập thể cho 6 đến 8 người.
4. Khám phá Seoul
Ngày đầu tiên, mình lang thang tìm hiểu khu phố Hongdae và làm quen với các chuyến tàu điện. Hai ngày tiếp theo mình thực hiện ước mơ của một fan girl sau 10 năm chờ đợi, đó là tìm đến buổi họp fanmeeting của ca sỹ Se7en và mua vé xem nhạc kịch Elissabeth mà thần tượng tham gia. “Sự nghiệp fan girl” ngốn của mình gần 3 triệu đồng tiền vé nhạc kịch nhưng khiến mình rất thỏa mãn. Vở nhạc kịch quá đỗi tuyệt vời và gặp được thần tượng rõ ràng là mơ ươc của nhiều người.
Sau 3 ngày, dần quen với bản đồ tàu, mình đi chơi chăm chỉ hơn. Mình dành thời gian đến các khu làng cổ như Bukchon Hanok, Ehwa… Những ngôi lành cổ nằm ngay giữa lòng Seoul, từ trung tâm đi tàu chỉ mất 15 phút và khoản 10 phút đi bộ từ điểm dừng vào làng. Các ngôi làng cổ này đều rất đẹp, không mất phí vào cửa, nhưng đều yêu cầu du khách giữ gìn sự yên tĩnh.
Vì đi một mình nên khi muốn chụp ảnh, mình thường nhờ người đi đường hoặc để máy chụp tự động. Yên tâm là không có ai giật điện thoại của bạn đâu, vì CCTV có ở mọi nơi. Mình đến Seoul đúng đợt triển lãm nhân kỷ niệm 9 trung tâm mua sắm Ipark Mall Yongsan tròn 9 năm hoạt động. Có 100 bạn Doraemon cùng các bảo bối đứng xếp hàng chờ khách chụp ảnh.
5. Ăn uống
Các quán ăn vỉa hè, xe đồ ăn như trong phim Hàn xuất hiện khắp nơi, giá dao động từ 20 ngàn đến 100 ngàn đồng.
Nếu đã ngán các món chiên bột bạn có thể tự thưởng cho mình suất thịt nướng tại các nhà hàng bình dân, các quán ăn trong chợ Myeongdong, Dongdaemun, giá cho 1 suất ăn khoảng 9000 won ~15000won (từ 180 ngàn đến 300 ngàn đồng).
Do mải đi chơi nên mình cũng quên cả ăn uống, thường chỉ đầu tư ăn ngon vào buổi tối sau khi về nhà trọ, còn ban ngày mua vài đồ ăn nhẹ mang theo người. Tóm lại chi phí cho ăn uống của mình trong suốt chuyến đi của mình chỉ hơn 3 triệu một chút.
6. Mua sắm
Chuyến đi này mình chỉ đổi một ít tiền won, còn lại đa số đều dùng thẻ visa vì ở đây quán ăn vỉa hè cũng có thể quẹt thẻ. Thẻ của ngân hàng tính tỷ giá thấp hơn là các bạn đi đổi tiền ở ngoài, đồng thời dùng thẻ, còn giúp bạn dễ quản lý chi tiêu của mình hơn qua sao kê của ngân hàng gửi về.
Mình đến Hàn không nhằm mục đích shopping nên không có nhu cầu ghé các trung tâm thương mại lớn như COEX Malls, Famille Station, Lotte. Các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang thì đầy trên phố Hongdae, MyongDong, Gangnam với giá sale 50~80% hoặc mua 1 tặng 1. Dưới các ga tàu ngầm cũng có nhiều shop thời trang quần áo, nếu là người thích shopping thì có thể bạn sẽ không muốn “ngoi lên mặt đất” chỉ vì mê mẩn ngắm đồ. Tuy nhiên cũng đừng ham đồ rẻ nhé, vì có thể nó là hàng kém chất lượng.
Nếu muốn mua quà cho bạn bè, bạn có thể ghé các cửa hàng miễn thuế như Dong Hwa, hay Lotte. Đồ ở đây bán với số lượng lớn lại miễn thuế nên giá đồ giảm khoảng 60~70%. Với hàng trong nước bạn chỉ cần đưa ra hộ chiếu và vé máy bay là họ sẽ bán cho bạn. Còn hàng nhập khẩu thì bạn sẽ nhận khi ra sân bay.
“Tổng thiệt hại” cho chuyến đi lần này của mình chưa đến 19 triệu đồng, đã bao gồm cả vé xem nhạc kịch. Nếu tính toán hợp lý, bạn hoàn toàn có thể đi Hàn với mức chi phí thấp hơn, và tất nhiên là đi cùng 1 nhóm bạn thì chi phí ăn ở của bạn lại càng rẻ hơn rồi.
7. Kinh nghiệm xin visa của bản thân
Để du lịch Hàn Quốc tự túc, bạn phải xin được visa. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, hộ chiếu của bạn cần còn hạn ít nhất 6 tháng. Ngoài ra bạn cũng phải chứng minh tài chính bằng sổ tiết kiệm (bản gốc) của ngân hàng (có khoảng 100 triệu và 1 tờ xác nhận của ngân hàng là đã gửi tiết kiệm được 3 tháng tính đến thời điểm nộp xin visa). Nói chung càng nhiều tiền và càng gửi lâu càng có lợi.
Ngoài ra bạn phải chuẩn bị hợp đồng lao động và giấy xin nghỉ phép bằng tiếng Anh. Mình dùng mẫu hợp đồng tiếng Anh tải trên mạng về, chỉnh sửa theo thông tin công ty mình và xin dấu xác nhận của công ty, chữ ký của sếp. Không cần phải công chứng gì cả vì với người Hàn, họ coi trọng bản gốc hơn bản công chứng. Nhưng bạn nên photo lại 1 bản, chỉ mang bản gốc đi cho họ đối chiếu thôi, nhớ mang bản gốc về vì có lúc sẽ cần tiếp. Nếu có thời gian, hoặc công ty khó khăn trong việc xin dấu, bạn có thể mang hợp đồng qua mấy bên công chứng dịch thuật.
Mình không đặt trước vé máy bay, khi đi nộp hồ sơ cũng không bị đòi cái đó, nhưng nếu cẩn thận các bạn có thể book vé trên các hãng hàng không, chưa cần thanh toán, chỉ cần in mail xác nhận của hãng máy bay là được. Khách sạn có thể đặt trên booking.com, chọn khách sạn phù hợp rồi book phòng theo khoảng thời gian định lưu trú tại Hàn để lấy email xác nhận đặt phòng thành công. Nếu phỏng vấn không thành công, bạn có thể hủy phòng mà không hề mất khoảng phí nào cả, vì tất cả hotel, khách sạn đều miễn phí hủy phòng trong thời gian quy định.
Giờ nộp hồ sơ ở đại sứ quán Hàn từ 2 giờ đến 4 giờ chiều hàng ngày. Nếu hồ sơ thuận lợi, bạn chỉ cần nộp phí làm visa du lịch tự túc (20$ = 420.000VND) và chờ đến ngày lấy visa (7~10 ngày không tính ngày nghỉ). Một số trường hợp sẽ được gọi phỏng vấn hoặc bổ sung giấy tờ (thường là người du lịch lần đầu, thanh niên trẻ nhất là nữ giới).
Các câu mình được hỏi chủ yếu xoay quanh hồ sơ mình nộp (về công việc, lý do muốn sang Hàn…) Trả lời càng khớp càng tốt. Nếu không đủ tự tin tự làm visa thì các bạn có thể nhờ các bên tổ chức tour. Với cách này, bạn sẽ mất phí cao hơn nhưng việc xin visa cũng đảm bảo hơn.