Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Ăn ngon - chơi đã

Dù đi nhiều lần nhưng thật ra bạn không hiểu gì về ẩm thực Vũng Tàu đâu!

Ẩm thực Vũng Tàu: người nếm thì nhiều, kẻ yêu không ít nhưng lượng người thiết tha và hiểu biết về ẩm thực vùng đất này lại là một ẩn số bé nhỏ.

Nói về ẩm thực Vũng Tàu: đừng làm một nghệ sĩ nửa mùa

Vài người cho rằng chỉ cần nếm thử tất cả những món ăn mà người khác bảo “nhất định thử một lần khi ghé Vũng Tàu” sẽ trở thành người rành rọt về nơi này. Mỗi năm có ngàn người ghé đến Vũng Tàu, họ khám phá ẩm thực bằng cách gõ mấy con chữ vô hồn lên internet để nhận lại những món ăn quen thuộc được cho là nổi tiếng: bánh khọt, bánh canh Long Hương, bánh bông lan trứng muối, lẩu cá đuối,…

Thật ra cho dù bạn có thuộc tròn vành địa chỉ tên đường hay giá cả của những món ăn kể trên: bạn cũng mới trở thành một nghệ sĩ nửa mùa khi tiệm cận một nửa nổi tiếng ở ẩm thực Vũng Tàu. Nửa còn lại, như tâm hồn của chính ẩm thực nơi đây, chắc chỉ có người dân yêu Vũng Tàu bằng trái tim mới hiểu được.

Không chỉ có biển, Vũng Tàu còn có những thức quà từ đất

Vũng Tàu gồm một nửa huyện là biển, một nửa còn lại hầu hết là đồi núi và đồng bằng. Ở Vũng Tàu ngoài đánh bắt thủy hải sản người ta còn trồng lúa gạo, cây ăn quả, tiêu, điều và trồng nấm. Vậy là, ở miền Nam ngoài Đồng Bằng Sông Cửu Long, Vũng Tàu cũng là một nơi sản xuất gạo nổi tiếng. Gạo làm nên cả ối thứ ngon lành cho người dân nơi đây. Tuy nhiên có một thức quà làm thổn thức những đứa con đất này khi nhớ về không thể không nhắc: bún nóng.

Bún nóng đúng như cái tên của nó là loại bún được mang lên làm thức quà sáng khi còn nóng hôi hổi trong xưởng. Không phải ai ở Vũng Tàu cũng được một lần được thử bởi lẽ món ăn này chỉ được bán ở quanh làng bún Long Kiên (Thành phố Bà Rịa).

Đây là một trong những nơi sản xuất bún cho cả tỉnh cũng như cung cấp cho các tỉnh lân cận. Mỗi sáng, thường là rất sớm, khi những xưởng bún bắt đầu làm việc để đóng gói gửi đi các nơi, một ít bún tươi vừa ra lò sẽ được giữ lại, cắt ra bán liền cho người dân nơi đây ăn sáng.

Cả xóm chỉ được một hay vài quán như thế. Gọi là quán cho sang chứ cảnh vật chẳng có gì ngoài một tủ bỏ đồ ăn, vài bộ bàn ghế nhựa đủ cho mười mấy người. Tất nhiên người ta không ăn bún một mình.

Cô chủ nhẹ nhàng cắt nhỏ những thớ bún tươi, rót thêm chén nước mắm cá cắt chút ớt và cuối cùng là một rổ rau sống nhỏ có húng quế, kinh giới và dắp cá: ba thứ đơn giản làm nên thức ăn sáng ngon lành. Cô cũng kĩ lưỡng chuẩn bị cả thức ăn kèm như chả giò hoặc thịt luộc, thịt nướng cho ai muốn ăn thêm.

Bún nóng đã ngon, có thêm thức ăn dặm vị thì khỏi bàn. Cảm giác được thưởng thức sợi bún mới ra lò còn nóng và thơm mùi gạo, một lần ăn mà nhớ mãi.

Gạo ở Vũng Này còn làm ra ối thứ hay ho khác, trong đó có một món ăn tưởng quen mà lạ mang tên: Bánh tráng. Đừng cười khi cái tên này quá phổ biến, ở Vũng Tàu có nhiều loại bánh tráng khác nhau. Phổ biến nhất là bánh tráng chuối.

Không giống loại chuối đổ bột rồi tán ra như các nơi khác. Ở Vũng Tàu, người ta bào cho thật mỏng những quả cuối chín thành nhiều lát, sau đó dàn đều trên lớp bánh tráng gạo trắng, nướng qua lò cho khi nào miếng chuối se lại, hết nước nhưng vẫn còn dẻo, lớp bánh thì phồng giòn, vậy mà đúng chuẩn.

Bánh tráng chuối giữ được lâu, dùng làm món ăn vặt, vui miệng mà cũng khỏe người do không nhiều đường. Không ăn bánh tráng chuối thì người ta làm bánh tráng ớt nhưng không phải loại đỏ lè như phẩm màu.

Bánh tráng ớt được tráng từ loại bột bỏ ớt tươi xay, cho chút gia vị để người ăn không thấy chán. Thành phẩm có màu hồng nhẹ và còn thấy xác ớt hay hạt ớt trên đó. Dùng để ăn vặt với nước mắm me, bơ, đậu phộng và hành phi thì hết sẩy.

Và cuối cùng, nếu bạn chưa biết đến món ăn đắt giá này thì thực là thiếu sót: nấm mối. Gọi vậy là vì nấm được mọc lên sau mưa tại trên tổ mối.

Người ta thường thấy nấm mối ở các tỉnh miền Tây, nhưng ở Vũng Tàu còn có loại nấm mối đặc biệt hơn cả: nấm mối đất đỏ. Nấm mối đất đỏ giòn và ngọt hơn ở đất đen, ăn vào không bị sượng mà rất mềm.

Người Vũng Tàu xào nấm mối với gà thả vườn hoặc đôi lúc đem đổ bánh xèo thì ngon hết sẩy. Nấm mối không trồng được vì nó được mọc lên từ tổ mối, mùa của loại nấm này là cỡ tháng 6 đến tháng 8, lúc mưa dạt dào nhất.

Người nông dân trúng mùa vào rừng cao su đào đất hên lắm thì được cả rổ nhưng không bao giờ quá 10 kí. Người ta không dám ăn vì bán rất được giá, lên tới cả triệu thậm chí hai triệu một ký lúc hiếm. Vậy nên nấm mối thường được làm quà biếu hoặc nhà nào dư giả quá sẽ mua để ăn dần. Cũng bởi nó hiếm, lại ngọt và ngon nên có đắt xắt ra miếng người ta cũng háo hức mong chờ đến mùa mưa mà thưởng thức.

Và hơn thế, món ăn là cả một thế giới để nhớ

Người Vũng Tàu không chỉ ăn để ngon miệng, đôi khi ăn còn để nhớ nhung về quê hương mình. Như đã nói, mỗi huyện nhỏ sẽ có một tính cách nhất định như quê gốc của họ. Giống người Châu Đức thì nhiều là quê Huế - Quảng Trị - Quảng Ngãi - Nghệ An; người Vũng Tàu thì lại gốc Bắc nên mỗi lúc di cư họ lại mang một chút văn hóa ẩm thực cũ quê nhà rồi phối lại cho hợp tự nhiên nơi đây.

Ăn là để nhớ thương nên, nên nếu một lần bạn dành đủ thời gian để hiểu về ẩm thực Vũng Tàu, đừng mãi ngồi ở thành phố để chỉ nếm những món ăn người khác khuyên bạn thử. Sâu hơn một tí, xa hơn một tí, ở những huyện nhỏ có những thức quà mà bạn chưa từng nghĩ mình sẽ chọn nó là “must - have foods in Vung Tau”, nhưng nó vẫn âm ỉ sống và tồn tại như một nghệ thuật chờ người thẩm thấu.

Vậy nên, đừng cho rằng mình hiểu Vũng Tàu, cũng đừng tự biến mình thành những “nghệ sĩ nửa mùa” khi chỉ yêu một điều gì đó, bằng số đông.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Quỳnh Hữu

Được quan tâm

Tin mới nhất