Hiện nay, ẩm thực Sài Gòn là sự trù phú và hội nhập của biết bao hương vị khắp mọi miền. Những quán ăn, nhà hàng đến từ các nền văn hoá ẩm thực khác nhau mọc lên như nấm sau mưa, làm phong phú cho bữa ăn của thực khách. Tuy nhiên, thấp thoáng ở các con đường vẫn tồn tại những quán ăn đã có mặt ở Sài Gòn từ thuở sơ khai và đồng hành với nơi đây qua bao thăng trầm.
Bánh mì đã có mặt trông bản đồ ẩm thực của Sài Gòn từ lâu đời, vì thế, những quán ăn phục vụ thức bánh đơn sơ mộc mạc này cũng có mặt tại nơi đây từ thuở xa xưa. Một minh chứng rõ ràng nhất chính là tiệm bánh mì Hoà Mã, nơi lưu giữ kí ức của Sài thành từ những hàng chục năm trước.
Sẽ có nhiều người cho rằng, bánh mì chỉ là một thức lót dạ ăn vội cho những buổi sáng trễ giờ, nhưng đến với bánh mì Hoà Mã, bạn sẽ được thong thả chậm rãi cùng thời gian để thưởng thức trọn vẹn bữa sáng khởi đầu cho ngày mới.
Cửa tiệm chỉ là căn nhà nhỏ, bảng hiệu đã nhuốm màu thời gian nhưng những phần bánh mì vẫn còn y hương vị như thuở ban đầu. Thành phần của một chảo bánh mì cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài ốp la, chả lụa, thịt nguội, pate, đồ chua,… nhưng thay vì cho vào trong ổ bánh mì thì tất cả được chiên vàng trên một chiếc chảo nhỏ nên luôn đảm bảo độ nóng giòn và thơm ngon cho thực khách.
Đã hơn 50 năm kể từ ngày bắt đầu phục vụ những phần bánh mì chảo đầu tiên, bảng hiệu Hoà Mã cũng đã phai cùng sương khói, bà chủ dù ngoài 80 tuổi nhưng ngày ngày vẫn thái chả, chiên trứng,… những công việc đã cũ nhưng lại là kí ức một thời của ẩm thực Sài Gòn.
Những người yêu thích các món bánh truyền thống thì sẽ không thể không biết đến hàng bánh đúc nức tiếng trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu. Từ những năm 70 của thế kỉ trước, những bát bánh đúc nóng hổi đã toả khói thơm phức phục vụ thực khách.
Không phải là một quán ăn có bàn ghế tươm tất, đến với hàng bánh đúc này, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức bát bánh đúc theo cách mộc mạc và đơn giản nhất. Gọi một phần bánh nóng hổi vừa mới lấy từ nồi ra, người bán sẽ cho vào nào là hành phi thơm lừng, nước mắm chua chua mằn mặn ăn chan đều bên trên. Bạn chỉ cần một chiếc ghế nhựa để ngồi và múc những muỗng bánh đầy ắp nhân mà thưởng thức ngon lành.
Quán tuy nhỏ nhưng lại nức tiếng bởi chất lượng của chén bánh đúc. Màu bánh vàng mơ, đúc nóng được múc vào chén, cho vào một ít nhân thịt băm xào với mộc nhĩ, hành tây và hành phi giòn thơm. Như vậy thôi cũng đã đánh thức bao tử của bạn rồi. Bánh mềm, nhân thơm và nước mắm ngon, tất cả hòa quyện thật nhuần nhuyễn mang lại vị ngon khó tả và không cảm thấy ngán.
Mỗi ngày, ước tính hàng trăm phần bánh đúc được ra lò để phục vụ thực khách, người bán cũng không bao giờ ngơi tay. Mấy chục năm qua, hàng bánh đúc nhỏ này vẫn luôn là điểm đến quen thuộc của mọi người dân.
Cho đến nay, đã được hơn 40 năm tồn tại của tiệm phở nổi tiếng Sài thành, Phở Hoà Pasteur. Người dân đúng gốc thành phố đều một lần đến nơi đây để thưởng thức hương vị của món phở thuần tuý Việt Nam.
Dù đã trải qua ngần ấy năm nhưng không lúc nào quán ăn lại vơi khách, cứ tấp nập người vào kẻ ra. Bước vào quán, cảm giác đầu tiên bạn cảm nhận được sẽ là hương vị thơm lừng xộc thẳng vào mũi, rất đặc trưng. Phở Hoà mang một nét riêng trong từng tô phở mà khó có nơi đâu có được, nước dùng vừa trong vừa ngọt, cái ngọt nhẹ thanh của xương ống ninh kỹ, gia vị nêm nếm vừa miệng.
Một tô phở to ụ ngập tràn những sợi bánh phở cán mỏng, dai dai, thịt thì tươi ngon xếp bên trên và đĩa rau thơm đúng chuẩn. Tất cả hoà quyện tạo nên một nét tinh tuý của món ăn nổi tiếng của nền ẩm thực Việt Nam.
Điều khiến Phở Hoà níu chân thực khách chính là sự tỉ mỉ, tinh tế của người đầu bếp từ khâu chọn nguyên liệu đến việc thêm thắt gia vị theo bí quyết từ lâu đời. Bạn đừng ngạc nhiên nếu bắt gặp hình ảnh của những thực khách nước ngoài đang say sưa thưởng thức tô phở nghi ngút khói tại đây. Bởi Phở Hoà chính là nơi lưu giữ trọn vẹn nhất hương vị của phở Việt Nam.
Ra đời từ những năm 30 của thế kỷ trước, quán chè Châu Giang còn có tên gọi bình dân khác là chè “nhà đèn”, địa chỉ quen thuộc của những người mê chè người Hoa. Lọt thỏm trong khu thương xá Đồng Khánh sầm uất với các cửa hàng thời trang, quán chè Châu Giang vẫn lặng lẽ tồn tại cùng thờii gian như thách thức trước những đổi thay của Sài Gòn.
Trải qua bốn thế hệ nhưng hương vị của những chén chè vẫn nguyên vẹn như 70 năm về trước. Đều đặn gần suốt một thế kỉ, quán chè Châu Giang vẫn ngày ngày phục vụ thực khách từ 4 giờ chiều cho đến tận 12 giờ khuya.
Nơi đây là điểm đến quen thuộc của tín đồ các loại chè Hoa. Ở quán có hơn 20 món mang hương vị đặc trưng. Từ những loại nước quen thuộc như sâm bổ lượng, chè mè đen, chè trôi nước,… đến những cái tên tráng miệng truyền thống của người Hoa như quy linh cao, hột gà trà, chè hạnh nhân,… Tất cả đều thơm ngon và mang đúng hương vị cội nguồn của chúng.
Dù cho thời gian có trôi, chè “nhà đèn” vẫn âm thầm len lói ánh sáng trong bản đồ tráng miệng của ẩm thực Sài thành. Với giá rẻ, cộng thêm hương vị thơm ngon dễ ăn, quán chè vẫn song hành cùng thời gian để tồn tại trong lòng thực khách.
Dù hiện nay đầy rẫy những nhà hàng, quán xá sang trọng, nhưng thật quí gia biết bao khi đâu đó Sài Gòn nhộn nhịp vẫn còn những hương vị xưa cũ như lưu giữ kí ức ẩm thực đặc trưng của “hòn ngọc phương Đông” nức tiếng một thời.