Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông với những truyền thuyết được lưu truyền khác nhau ở mỗi quốc gia. Cùng với những phong tục tập quán riêng, ở mỗi nơi đều có truyền thống ẩm thực đặc biệt cho ngày lễ này. Hãy cùng dạo một vòng quanh các quốc gia châu Á xem những món bánh nào sẽ xuất hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ nhé.
Trung Quốc
Được xem là quốc gia khởi nguồn cho văn hoá Tết Đoan Ngọ của các nước, Trung Quốc tổ chức ngày này để tưởng niệm vị đại thần có công với đất nước tên là Khuất Nguyên. Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều nguồn tin cho rằng tập tục bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ, có người thì cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.
Trung Quốc có diện tích rộng lớn, các địa phương có phong tục ăn Tết Đoan Ngọ khác nhau. Nhưng vào ngày này, dù ở miền nam hay miền bắc, gia đình nào cũng gói bánh chưng, mùi thơm của lá cây ngải cứu và lá gói bánh chưng quyện vào nhau, trở thành mùi thơm đặc trưng của Tết Đoan Ngọ.
Gọi là bánh chưng vì cách làm gần giống bánh chưng của ta, bên ngoài gói lá, bên trong gạo nếp, sau đó được đem đi hấp trong lửa than. Không phải hình vuông vung đầy như bánh chưng của người Việt, bánh chưng của Trung Quốc bé hơn rất nhiều. Bánh có hình củ ấu nho nhỏ cỡ trong lòng bàn tay. Ngày nay nhân bánh có rất nhiều loại, bánh chưng truyền thống nhất là bánh chưng nhân táo đỏ, nhân đậu, nhân thịt và nhân lạc. Tuỳ vào đặc điểm mỗi vùng miền mà chọn ra một loại nhân đại diện. Người miền Bắc Trung Quốc chủ yếu thích ăn loại bánh nhân ngọt như táo đỏ hay long nhãn, còn ở miền Nam thì người ta lại chuộng bánh chưng nhân mặn với thịt hay trứng muối.
Ăn bánh chưng là tập tục quan trọng nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ của người Trung Hoa. Giới trẻ Trung Quốc quan niệm rằng, vào ngày này nếu ăn bánh chưng thì không những được khỏe mạnh hơn, tránh được các dịch bệnh, mà còn thông minh và học giỏi hơn. Đêm trước ngày tết, mỗi nhà đều gói bánh chưng, cho vào nồi nấu, để chuẩn bị cho Tết Đoan Ngọ. Bánh chưng còn làm quà để biếu họ hàng, người thân.
Hàn Quốc
Tết Đoan Ngọ ở xứ Hàn có tên là Dano. Trong ngày lễ này, mọi người cùng chia sẻ với nhau những món ăn truyền thống với mục đích giữ sức khỏe và vóc dáng cho mùa hè và cầu mùa màng bội thu. Cùng với Tết Nguyên Đán (Seol) và Tết Trung Thu (Chuseok), Dano là một trong ba ngày lễ lớn nhất của Hàn Quốc.
Cũng như Việt Nam chúng ta có bánh Trôi, bánh Chay thì Hàn Quốc có Suritteok và Yaktteok là hai loại bánh truyền thống làm từ gạo.
Để làm món bánh Suritteok, người ta đem loại gạo không dính đi nấu chín cùng với lá ngải cứu để tạo ra loại bánh dẻo dẻo có màu xanh. Sau đó, những bàn tay khéo léo của người Hàn Quốc sẽ dùng nguyên liệu đó làm nên nhưng chiếc bánh Suritteok có hình bánh xe xinh xắn.
Được coi là một đặc sản của vùng phía Nam tỉnh Jeolla, bánh Yaktteok cũng là món ăn truyền thống của ngày lễ Dano tại Hàn Quốc. Nếu như bánh Suritteok chỉ đơn giản là chiếc bánh ngải cứu hình bánh xe thì những chiếc bánh Yaktteok đa dạng hơn khá nhiều. Cũng được làm từ gạo không dính nấu chín nhưng không phải với lá ngải cứu mà với các loại hạt khác nhau. Hình dáng của bánh phong phú và được nặn tuỳ thuộc vào sở thích của người làm.
Việt Nam
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được được coi là Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Sở dĩ gọi như thế là vì đây là thời điểm trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh nên người dân phát động những hoạt động để tránh côn trùng, sâu bọ. Đối với người Việt, Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp đầm ấm.
Trải dài ba miền đất nước sẽ có những phong tục hay những món ăn tiêu biểu để tổ chức ngày Tết này. Tuy nhiên, trên bàn thờ của mỗi gia đình đều sẽ không thể thiếu những chiếc bánh tro nhỏ xinh.
Bánh tro có nhiều tên khác nhau như banh ú, bánh gio và bánh âm và có vài biến thể khác nhau theo địa phương. Người ta làm bánh bằng gạo nếp đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm.
Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Nếp làm bánh phải lựa loại đều hạt, thơm và nhất định không được lẫn với gạo tẻ. Nước tro nấu bánh được gạn từ nước tro đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, được gạn sạch kĩ lưỡng. Bánh được gói trong lá chuối xanh rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng cho mọi người thưởng thức. Vị thanh mát của bánh tro hòa quyện với vị ngọt ngào của đường mật khiến bất kỳ ai ăn một lần cũng phải luyến lưu thứ bánh giản dị mà dân dã này.
Chiếc bánh nhỏ xíu hình chóp dẻo dai từ lớp bột bên ngoài hoà cùng phần nhân đặc sắc đã trở thành hình ảnh truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ của nước ta. Bánh gio của người miền Bắc thường không có nhân và được chấm với đường hoặc mật ong, mật mía. Còn bánh ú tro của người miền Nam Trung Bộ trở vào thi có nhân ngọt vơi thường là đậu đỗ trộn đường nặn tròn hoặc nhân mặn có thêm thịt heo phía trong.
Tết Đoan Ngọ là một trong những lễ hội mang đậm bản sắc Á Đông, vì thế những món bánh sẽ là đại diện tiêu biểu cho văn hoá mỗi nước. Dù cho có đơn giản hay cầu kì, thì những món ăn truyền thống đã phần nào thể hiện văn hoá và phong tục từ xa xưa của các quốc gia.
Nguồn ảnh internet