Để chế biến được món bánh ngải, đồng bào Tày dùng hai nguyên liệu chính là gạo nếp nương dẻo thơm và rau ngải. Ngải vốn là loại rau được người Tày trồng nhiều trong vườn nhà hoặc mọc hoang nhiều ở ven suối nên lúc nào cũng sẵn có. Người Tày thường lựa loại gạo nếp trồng trên nương rẫy, dẻo, trắng và thơm ngon để làm bánh.
Công đoạn chế biến bánh ngải khá cầu kỳ. Rau ngải sẽ là nguyên liệu quyết định làm nên món bánh ngải. Người Tày hái ngọn non của rau ngải, rửa sạch, cho vào nồi đun với nước tro khoảng một giờ.
Sở dĩ ninh lá ngải với tro của cây nứa hoặc vỏ đỗ xanh vì như thế lá ngải sẽ nhanh nhừ, giữ được màu xanh tươi chứ không bị vàng úa. Sau khi ninh, lá ngải được vớt ra, rửa sạch với nước lã cho sạch tro rồi giã nhuyễn, vo thành từng viên lá ngải màu xanh đậm.
Đối với gạo, phải vo sạch, ngâm nước ấm từ 4-8 giờ, sau đó đem đi đồ xôi. Khi đồ xong, cho xôi vào cối giã cùng lá ngải đã giã nhuyễn trước đó. Cần lưu ý là sau khi được xôi phải đem giã ngay thì mới cho mẻ bánh mềm, mịn và dẻo. Khi bánh đã nhuyễn, chuyển sang màu xanh sẫm khá bắt mắt, người ta dùng tay nặn thành từng chiếc bánh tròn. Muốn bánh không dính tay, người nặn bánh sẽ thoa ít dầu ăn lên lòng bàn tay.
Bánh ngải được chia làm 2 loại, loại có nhân và loại không nhân. Nếu làm bánh có nhân thì việc chuẩn bị nhân bánh có tính quyết định. Nhân bánh ngải thường được làm từ đỗ xanh hay lạc. Trộn đều đỗ xanh với đường phèn, sau đó đồ cho chín đỗ. Còn nếu dùng lạc thì sẽ băm nhỏ lạc rồi chưng cùng với đường, vừng để phần nhân thêm đậm đà và cuốn hút. Cũng có nơi, nhân bánh ngải được làm từ hạt vừng rang giã nhỏ trộn lẫn đường phên, sau đó đảo qua lửa cho đường chảy ra rồi để nguội để có độ sánh đặc.
Bánh ngải của người Tày có hương vị rất đặc biệt tưởng chừng như khó ăn mà thực sự không phải như vậy. Đó là sự kết hợp giữa thơm dẻo của bột nếp, vị mát, hơi tê tê không hề đắng của ngải cứu, dễ ăn và không ngấy; nhân đường và vừng ngọt đậm đà. Vị hăng hăng, thơm thơm rất lạ của lá ngải dung hòa cái dẻo, ngọt, thơm của nếp đường.
Miếng bánh làm ta liên tưởng đến sự tươi non của đồi nương, sự hoang dã của núi rừng, như gói cả mùa xuân mát trong. Nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không thể nào quên mùi vị của loại bánh dân dã này.
Trước đây, loại bánh này chỉ được người Tày làm trong những dịp lễ tết quan trọng, nay với sự ưa thích của thực khách trong nước, đặc biệt là khách du lịch, món bánh này đã được làm phổ biến, trở thành quà tặng rất có ý nghĩa.