Bây giờ đã là năm 2018 rồi nhưng ở Hà Nội vẫn có nhiều hàng quán giữ nguyên phong cách phục vụ như từ mấy chục năm về trước. Ngày ấy, vào thời bao cấp, khi đi mua bất cứ nhu yếu phẩm gì, người ta đều phải mang theo tấm tem phiếu và xếp hàng chờ đợi. Bây giờ hàng hóa đa dạng, nhất là quán ăn, đồ uống mọc lên vô số kể. Thế nhưng vì “quen mùi, nhớ miếng”, người dân đất Kinh kỳ vẫn sẵn lòng xếp số, xếp hàng dài chờ đợi.
Đến nơi - nhận số - ngồi đợi - nghe đọc số và lên gọi đồ… chừng ấy bước mới được thưởng thức một món ăn. Đôi khi cũng chẳng phải là sơn hào hải vị gì cầu kỳ mà thực ra, chỉ là chiếc bánh rán, bánh mỳ ăn vặt lúc xế chiều. Thế nhưng, cách phục vụ khiến thực khách phải “chịu khổ” này vẫn rất được người ta ưa chuộng, dù rằng quá khứ cùng thời bao cấp đầy khó khăn đã lùi xa từ rất lâu rồi!
Nếu cuối tuần này rảnh rang và bạn lại đang muốn thử trải nghiệm cảm giác xếp số theo kiểu “cổ lỗ sĩ” thì hãy thử ghé tới 5 “đại bản doanh” này nhé!
Mì vằn thắn Nguyễn Biểu
Quán mì chỉ bán vào buổi sáng ở phố Nguyễn Biểu này rất đắt khách. Từ cách đây 20 năm, cái ngày chủ quán bắt đầu mở cửa thì thực khách đã phải ngồi chen chúc trong căn nhà chật hẹp và chờ đợi tới lượt gọi đồ. Thấm thoát, 20 năm đã qua. Nhiều người nhận thấy một bát mì vằn thắn tại cửa hàng lâu đời này khá ngon với ba miếng sủi cảo giòn, mềm và nhiều thịt. Họ yêu mến quán ăn đến nỗi, dù rằng theo thời gian, cơ sở vật chất có sập xệ hơn, khách hàng kéo đến ngày càng đông hơn… thì họ vẫn cứ quay lại thật đều đều.
Để phục vụ tốt hơn, quán ăn này liên tục duy trì việc xếp số. Điểm cộng này khiến nhiều người rất yêu thích. Tuy nhiên, việc phát số cũng còn khá bất cập: Khách đến trước ăn xong thì người đến sau lại được phát số của người ăn trước, điều này khiến tình trạng nhầm lẫn xảy ra nên có người ghé sớm mà phải đợi rất lâu.
Bánh gà Hồng Mai
Do chỉ là một quán ăn nhỏ ở gần cổng trường, khách lại tương đối đông theo từng khung giờ nên chủ quán đã in sẵn các phiếu ghi số và phát cho khách hàng. Mỗi buổi chiều khi tan tầm, quán ăn lại vô cùng đông đúc vì chiếm được cảm tình của nhiều bạn học sinh. Món ăn vặt với mùi cà ri thơm ngậy, giòn tan trong miệng mà còn vàng ươm đầy bắt mắt khiến người ta thích thú. Vào những ngày mùa đông, cơn đói thường đến sớm nên những chiếc bánh gà ăn vào lúc chiều tà không chỉ ấm bụng mà còn đem đến cảm giác thơm ngon lạ thường.
Tuy nhiên, điểm trừ của quán là mùi cà ri của bánh thường rất nồng. Nếu bạn không quen việc thưởng thức món ăn chứa loại gia vị này hoặc chẳng mê đồ chiên rán cho lắm thì hãy cân nhắc thêm nhé!
Bánh rán mặn Lạc Long Quân
Trong list đồ ăn vặt nổi tiếng ở Hà Nội, có lẽ không thể bỏ qua bánh rán mặn Lạc Long Quân. Món ăn nóng hổi với nhân thịt, mọc nhĩ cùng lớp vỏ bánh rán rai, giòn thật tuyệt. Những chiều mùa đông mà được ăn một bát bánh rán (khoảng 2 chiếc) thì đủ ấm bụng đến đêm muộn cũng chẳng sợ bị cơn đói hành hạ.
Do quán đông khách, ngày phải bán đến 500 - 600 chiếc, vài tiếng là hết bay nên thực khách phải qua lấy số trước rồi chờ tới lượt gọi đồ. Tuy nhiên, vì quán chủ yếu bán vào buổi chiều nên nếu bạn nào tan học muộn, khi đến nơi sợ là đã hết đồ.
Bánh cuốn nóng Nguyễn Bỉnh Khiêm
Dẫu chỉ là một hàng bánh cuốn vô danh ở con phố Nguyễn Bỉnh Khiêm song nếu bạn không có số trước thì cũng phải ngồi đợi rất lâu. Đa phần thực khách đều vui vẻ xếp số chờ, tranh thủ tán gẫu đôi ba câu chuyện phiếm và ngắm nhìn từng mẻ bánh cuốn nóng hổi vừa tráng xong.
Thấy nhiều người kháo nhau, đĩa bánh cuốn tại đây không được đầy đặn cho lắm nhưng được làm bằng gạo ngon, dẻo còn nước mắm lúc nào cũng nóng hổi. Vì thế, nhiều năm qua dẫu phải đợi chờ, nhiều người vẫn rất mực yêu thích bánh cuốn nóng phố Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Miến trộn cua phố Kim Liên
Nếu ai ở quanh khu Kim Liên - Trung Tự thì chắc đều biết tới quán ăn “thần thánh” này. Tuy giá của một bát miến trộn bò giò là 45k nhưng lại rất đầy đặn, thưởng thức xong là no cả ngày.
Ngoài ra, quán có món dưa chuột muối khá lạ miệng. Nhiều hôm đến vào chiều muộn, đúng khung giờ quán đông khách thì phải đứng xếp số và đợi chờ khá lâu - thậm chí cả nửa tiếng mới đến lượt gọi đồ.
Điểm trừ là cô chủ quán thường trần bánh đa và miến chưa chín hẳn, bạn phải nhắc cô làm kĩ hơn nếu không muốn ăn “sống sượng”.