Sydney
Cứ đến ngày 31/12 hằng năm, thế giới lại đổ dồn sự quan tâm về thành phố cảng Sydney, bởi đây là thành phố chào đón năm mới sớm nhất và cũng là nơi diễn ra lễ bắn pháo hoa lớn nhất hành tinh. Hàng triệu người dân tập trung tại cảng Sydney để chờ đợi khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng, khi 7 tấn pháo hoa được bắn lên thắp sáng cả bầu trời đêm đầy rực rỡ.
Ediburgh
Thành phố Ediburgh (Scotland) nổi tiếng với lễ hội năm mới truyền thống Hogmanay. Vào ngày 30/12, người dân sẽ tham gia vào lễ hội rước đèn. Đến đêm giao thừa, đường phố sẽ biến thành bữa đại tiệc khi tất cả mọi người cùng nhảy múa và hát vang giai điệu truyền thống Auld Lang Syne. Sau thời khắc giao thừa, nhiều người còn đắm mình bơi lội trong làn nước lạnh giá của sông Forth để gây quỹ từ thiện đầu năm.
Rio de Janeiro
Nếu như bạn đang tìm kiếm địa điểm du lịch mừng năm mới, Rio de Janeiro sẽ không khiến bạn thất vọng. Vào ngày cuối năm, khoảng hai triệu người dân đổ về bãi biển Copacabana để tham gia lễ hội Réveillon, trong không gian hân hoan của âm nhạc và pháo hoa. Những người tham gia sẽ mặc đồ trắng (để mang lại may mắn), và hạn chế đồ đen (biểu tượng của vận xui) và tiến hành nghi lễ thả hoa để tỏ lòng tôn kính với nữ thần biển cả - Yemanjá.
New York
Tiệc đón Giao thừa ở New York được xem là một trong những bữa tiệc mừng năm mới lớn nhất hành tinh. Đám đông cùng tụ họp tại Manhattan để chứng kiến quả cầu pha lê có đường kính 4 mét, nặng gần 5.300kg được hạ xuống từ nóc của tòa nhà trên Quảng trường Thời Đại. Đây là truyền thống của thành phố New York được duy trì trừ năm 1907.
Hong Kong
Hong Kong là địa điểm lý tưởng cho những du khách muốn quan sát cận cảnh pháo hoa năm mới, vì thành phố này có rất nhiều tòa nhà cao tầng. Chỉ cần đứng trên tầng cao của những tòa nhà, du khách có thể ngắm nhìn một cách rõ nét nhất khung cảnh pháo hoa được bắn lên bầu trời.
Paris
Vốn được mệnh danh là “Thành phố Ánh sáng”, nên không có gì bất ngờ khi Paris là một trong những thành phố đón năm mới hoành tráng nhất thế giới. Khắp đường phố Paris đều chìm trong “biển” champagne, người dân trao cho nhau những nụ hôn trên má và những viên kẹo chocolate dành riêng do dịp lễ. Đặc biệt nhất chính là màn trình diễn ánh sáng và bắn pháo hoa ở tháp Eiffel, cùng với đại tiệc trên đại lộ Champs-Elysées.
Berlin
Không gian lễ hội đón Giao thừa ở Berlin sẽ được thiết kế kéo dài 2km từ Tượng Đài Chiến Thắng đến Cổng Brandenburg, kèm theo đó là những màn trình diễn của ban nhạc, DJ, phục vụ ẩm thực và lễ hội ánh sáng. Khi thời khắc Giao thừa đã qua, người dân sẽ cùng nhau đi đến câu lạc bộ đêm.
Dubai
Tại Dubai, mọi thứ đều trở nên quy mô và hào nhoáng, bao gồm lễ mừng năm mới. Năm 2014, thành phố này từng phá vỡ kỉ lục màn bắn pháo hoa lớn nhất thế giới, với gần nửa tấn pháo được bắn lên bầu trời chỉ trong vòng 6 phút. Các tòa cao ốc chọc trời như Burj Khalifa, Burj Al Arab và cả đảo nhân tạo The Palm Jumeirah đều tổ chức những sự kiện hoành tráng để mừng năm mới, chưa kể đến đêm gala “sang chảnh” tại khách sạn Atlantis The Palm.
Reykjavik
Vào ngày 31/12 hằng năm, cả thành phố Reykjavik sẽ được thắp sáng bởi những “ngọn lửa” khổng lồ tạm biệt năm cũ. Sau đó người dân sẽ tụ tập cùng nhau bắn pháo bông mừng năm mới tại nhà thờ Hallgrímskirkja và tòa nhà Perlan trên đồi Öskjuhlíð.
Cape Town
Bến cảng Victoria & Alfred là nơi tổ chức tiệc mừng năm mới hoành tráng nhất Nam Phi, trong khi tại khu vực Núi Bàn, người dân lại đón năm mới trong không khí yên bình, không nhộn nhịp đông đúc. Lễ mừng năm mới ở Cape Town không chỉ dừng lại lúc nửa đêm, mà còn kéo dài qua 2 ngày đầu năm mới với lễ hội hóa trang, ca hát và nhảy múa Kaapse Klopse.
Hawaii
Hawaii là một trong những nơi đón năm mới trễ nhất thế giới, chậm hơn nơi sớm nhất là Sydney đến 21 tiếng. Tuy nhiên điều đó cũng không làm giảm tinh thần cùng sự háo hức của những người dân ở thành phố Honolulu. Pháo hoa được bắn tại bãi biển Waikiki, cùng với những buổi tiệc tùng ở tháp Aloha tạo nên không khí năm mới hân hoan.