Tôi "nghiện" phở
Chúng tôi ghé thăm Manuel Sponton (47 tuổi) khi anh đang hì hục với nồi nước dùng nghi ngút khói. Anh thoăn thoắt trụng bánh phở, thái hành. Rồi từng mớ thịt bỏ đỏ au chín dần trong phần nước dùng sôi sục. Một tô phở thơm phức, nồng nàn hương vị Việt Nam đã được đặt trên bàn.
Người đàn ông vừa thực hiện tô phở lại là một người Ý. Anh từng đặt chân đến nhiều quốc gia, là người trực tiếp đứng bếp ở các nhà hàng nổi tiếng như Lido, Raffles, Motiava beach (Penang)... Manuel từng vinh dự nấu ăn cho vui Tây Ban Nha, công nương Diana và các diễn viên quốc tế nổi tiếng.
Cách đây 8 năm, anh đến Việt Nam và quyết định sống ở đây chỉ vì một lý do: Yêu phở. Anh còn nhớ, lần đầu thưởng thức món ăn truyền thống của Việt Nam, anh đã phải thốt lên rằng: "Tuyệt vời". Vị ngọt thanh của nước dùng, từng sợi phở mềm, thớ thịt tươi... Tất cả đã để lại cho anh những ấn tượng không quên.
Rồi anh gặp Thu Trang, một cô gái gốc Quảng Ngãi, cũng dành tình yêu đặc biệt với phở. Nhiều năm trước, Trang học lái ô tô và tình cờ ghé vào một tiệm phở rất ngon. Cô dùng hết phần nước súp và vô tình mở lời với chủ quán: "Phở ngon quá, anh có thể dạy em nấu được không?". Chính cô cũng không ngờ, vị chủ quán kia lại gật đầu đồng ý.
Khi cả hai bắt đầu hẹn hò, Trang và Manuel dành nhiều thời gian ở bếp. Tại đây, người đàn ông gốc Ý viết lên tấm bảng đen hàng chục loại gia vị: đinh hương, thảo quả, quế cây, hạt ngò... Anh học cách nhận biết rất nhiều loại thịt khác nhau: nạm, tái, bắp bò...
Manuel chia sẻ, anh đã phải "đấu tranh" rất nhiều với Trang để không dùng bột ngọt (mì chính) trong nước dùng. Để tạo vị ngọt tự nhiên, cả hai buộc phải sử dụng 100% thịt bò tươi, rau rủ. Từ đó, những tô phở thơm lừng, đậm đà hương vị Việt Nam của đầu bếp người Ý cũng ra đời.
Tình yêu đặc biệt
Trang kể, lần đầu tiên gặp Manuel cô đã bị ấn tượng bởi sự hiền lành, điềm đạm của anh. "Chúng tôi đến từ hai quốc gia khác nhau, cả nếp sống, nếp nghĩ đều rất độc lập. Ấy vậy mà cả hai lại có thể ở bên cạnh nhau ngần ấy năm, nhờ vào sự san sẻ, chấp nhận. Mỗi tuần, Manuel sẽ dạy tôi nấu đồ Ý. Tôi bị thu hút bởi người đàn ông chịu khó, chẳng bao giờ ngại việc vất vả, thậm chí là cả việc tay chân".
Đều đặn 5h30 mỗi ngày, Manuel đều thức dậy thái hành, lặt rau, thái thịt, chuẩn bị bánh phở.... Khi nồi nước dùng sôi sùng, toả mùi thơm khắp gian bếp cũng là lúc anh đón vị khách đầu tiên.
Đa phần, mọi người đều thích thú với hình ảnh của một ông Tây nấu phở. Một ông Tây đã dành trọn vẹn tình yêu của mình cho Việt Nam, cho món ăn đặc biệt này.
Trước khi làm thành công, anh dành nhiều thời gian để cán bột và cắt bánh phở bằng chiếc máy làm mì Ý. Sợi phở làm ra thì vẫn trắng đẹp, tuy nhiên khi bỏ vào nước thì nó rã, không dai cũng chẳng ngon, rất dễ hư. Ấy vậy mà chỉ vài tháng sau, anh vẫn đang quyết tâm học làm cho bằng được sợi phở đúng nguyên bản Việt Nam.
Theo Trang, khách tìm đến Manuel có khoảng 80% người nước ngoài, chỉ 20% người Việt Nam. Tuy nhiên, cô vẫn vui vì có thể giới thiệu món ăn truyền thống của Việt Nam với bạn bè thế giới.
Gần 10 năm ở Việt Nam, Manuel nhiều lời mời làm việc tại các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore… nhưng anh vẫn chọn ở lại Việt Nam. Đối với anh, dải đất hình chữ S là quê hương thứ 2.
Và tại đây, Manual vẫn miệt mài nấu phở, theo đuổi một cách bền bỉ, lặng thầm như tình yêu anh dành cho Trang.