Cà na, cái tên nghe khá ngộ nghĩnh. Có lẽ chúng biết rằng, trẻ con vùng quê chúng tôi làm gì có nhiều tiền để mua quà vặt. Cà na lớn nhanh lắm, ban tặng cho chúng tôi những mùa cà na say quả. Mấy cây sau hè nhà ngoại tôi ngày nào trái chỉ bằng ngón tay út, vài ba ngày sau, nó lớn nhanh lên, vừa ú nụ, vừa mũm mĩm. Trông thật đáng yêu! Cà na quê tôi có khắp nơi, lênh đênh trên chiếc ba lá đi xuôi trên con kênh sau hè, bạn sẽ được tha hồ hái ăn. Cà na nhiều đến nỗi, hồi đó, chúng tôi cứ gặp là hái, không hề sợ bị người lớn rầy.
Đối với lũ trẻ chúng tôi, cà na tựa như người bạn thâm giao. Mỗi mùa cà na đến rồi đi lại cho chúng tôi thêm những kỉ niệm của một thời ấu thơ.
Tôi nhớ ngoại tôi bảo, cây nào càng mọc xa ra sông, trái nó càng say, càng to và ít chát hơn. Cứ mấy buổi trưa hè, bọn trẻ con chúng tôi lại lén leo lên mấy nhánh cây cà na già dưới bờ sông nhà ngoại tôi để hái. Hai đứa leo, năm đứa leo… rồi cả bọn cùng leo lên vừa hái vừa ăn đến nỗi nặng quá … gãy cành té xuống sông. Nhờ vậy bọn con nít dưới quê, ai cũng biết lội từ nhỏ.
Không chỉ vậy, có đứa liền trèo lên, rung cây, cho trái rụng xuống, còn mấy đứa dưới sông thi nhau xem đứa nào nhặt nhiều cà na hơn. Cứ thế mà chúng tôi đùa giỡn, bật lên những tiếng cười giòn tan giữa mênh mông sông nước, xé tan đi cái nóng oi bức của trưa hè. Dù biết chiều về, đứa nào cũng sẽ được mẹ cho “ăn một trận” no nê, nhưng chúng tôi vẫn rũ rê cuối tuần đi bẻ cà na.
Có lần sợ chúng tôi bị bệnh, má tôi kêu lũ trẻ ngồi trên chiếc ba lá, đợi tía tôi đi đồng về, rồi rung mấy cây cà na già. Còn chúng tôi cứ tha hồ ngồi trên xuồng vớt trái mà ăn. Nói về ăn chua, tôi là đứa dở nhất trong đám. Nói ăn cay, đứa nào cũng sợ đến xanh mặt. Nhưng nhìn chén muối ớt dằm của má tôi mới làm xong, đứa nào mặt cũng hớn hở. Chỉ cần nhìn thôi là cảm nhận được vị chua chát cùng tí cay trực trào trong miệng. Nhưng tụi bạn tôi đâu có cho ăn liền, phải chơi oẳn tù tì với nhau. Đứa nào thắng mới được ăn. Chấm một trái, cho vào miệng, ngon tê đầu lưỡi, sừng sực trong miệng.
Tuổi thơ ngày ấy của bọn trẻ quê tôi là vậy. Được đắm mình với bao kỉ niệm và được thưởng thức những món quà quê dân dã.
Đến bây giờ, tôi vẫn thích và thèm món cà na ngào đường của má và ngoại tôi làm. Cái hình ảnh ngoại tôi mặc kệ nắng mưa, ngồi lặt từng trái cà na do cậu tôi bẻ, đem về làm món này món kia cho con cháu ăn. Ngoại tôi bảo: “Làm cà na ngào đường không khó nhưng phải tỉ mỉ và mất thời gian”.
Dù ngoại tôi lớn tuổi nhưng vẫn ngồi cặm cụi khía từng trái để má tôi ngào đường. Cả đám chúng tôi ngồi chăm chú nhìn má tôi làm. Nào là má tôi chà nhẹ cà na với nước cho bớt chua, rồi ngồi xơi đều đặn chảo cà na, nếu không sẽ bị khét. Cả lũ ngồi đợi lâu quá, bèn làm “một trận” trước. Lấy đống cà na dư của ngoại tôi, trái già, trái non đều ăn 'láng' hết. Vậy mà vẫn không ngán.
Chúng tôi vẫn thưởng thức ngon lành dĩa cà na ngào đường nóng hổi mới làm. Con nít mà, hảo ngọt là vậy! Vị cà na bây giờ ngọt ngào chứ không còn chua chát. Đó cũng chính là tình cảm mà người lớn dành cho bọn trẻ quê chúng tôi. Luôn mang lại những gì ngọt ngào nhất, thấm đượm tình mẹ, đong đầy tình của bà.
Dân quê tôi thương cây cà na lắm. Thời đó, nhà ai có có cà na thì đem ra chợ bán để kiếm được đồng ra đồng vô. Tôi nhớ những lúc rãnh, má tôi hái mấy trái sau hè đem lên chợ bán. Cứ một bọc nhỏ là 5.000 đồng, bọc lớn là 8.000 đồng. Sau vài tiếng, má tôi cũng kiếm được mấy chục ngàn. Nhờ đó tôi mới có tiền đi học.
Sáng nay, dắt xe chạy quanh Sài Gòn, tôi vô tình nhìn thấy những gánh cà na ngào đường của các cô chú hàng rong. Thế mới nói, một loài cây hoang dại, ngày nào mọc ven sông quê, giờ đã trở thành món ăn quà vặt lí thú, có mặt ở mọi nơi.
Trong kí ức của tôi, trái cà na tuy nhỏ bé nhưng mang bao kỉ niệm. Trái cà na tuy có vị chua chát nhưng đối với tôi, nó mang vị ngọt của tình cảm gia đình, quê hương. Biết bao tháng năm trôi qua, cây cà na vẫn đứng đó, nhìn chúng tôi lớn dần từng ngày và dần rời xa nó.
Ai đó từng nói rằng: Thời gian sẽ phủ lớp bụi lên những kỉ niệm. Mọi thứ sẽ dần rơi vào quên lãng. Nhưng đối với tôi, những kỉ niệm một thời ấu thơ sẽ không mất đi, mà nó chỉ lẩn khuất vào sâu thẳm giữa bộn bề cuộc sống. Để rồi, có dịp, những kỉ niệm sẽ tuôn trào theo dòng nỗi nhớ về một thời…với những trái cà na vùng quê nghèo.