Tại Trung Quốc, sách báo khiêu dâm bị cấm, cảnh khỏa thân bị giới hạn nghiêm ngặt trong điện ảnh, người ta cũng hiếm gặp phụ nữ mặc áo khoét cổ sâu ra đường.
Không khó hiểu khi những người tắm tiên tại Trung Quốc thường gây chú ý trong cộng đồng, giới chức trách thường xuyên lệnh đóng cửa nơi họ bơi lội. Song những người theo chủ nghĩa tự nhiên từ mọi vùng miền vẫn sẵn sàng đấu tranh với quy tắc xã hội thông thường, để tụ tập về một bãi tắm gần khu đô thị của quận Phòng Sơn, ngoại ô Bắc Kinh.
Thiên đường cho chủ nghĩa khỏa thân
Dưới làn nước lạnh, hơn chục người đàn ông khỏa thân thư giãn trong một cái ao ngoài trời, tận hưởng chút nắng ấm trong ngày. Nằm cạnh một đường điện cao thế và một tòa nhà đắp bằng gạch bùn, chiếc ao nhỏ này là bãi tắm tiên duy nhất gần thủ đô Bắc Kinh, và cũng là một trong vài nơi ít ỏi trên khắp Trung Quốc.
“Đây là thiên đường của những người khỏa thân”, Zhen, 18 tuổi, vừa nói vừa khoe hình xăm mãnh hổ trên ngực.
“Họ tắm khỏa thân ở đây khoảng 20 năm rồi. Chúng tôi cũng chẳng để ý đến họ nữa”, một bà cụ 84 tuổi trong làng cho hay. Trước đây, người dân nhiều lần khiếu nại với chính quyền, nhưng chiếc ao tới giờ vẫn là một điểm tắm tiên nổi tiếng.
Xiao Li, một người thường xuyên lui tới ao tắm tiên, cho biết ông đến đây để giải tỏa căng thẳng từ công việc bận rộn trong ngành hóa chất.
“Chúng tôi không làm phiền ai, rõ ràng chúng tôi phải tôn trọng người dân chứ”, ông Li nói khi đang gội đầu.
Đằng sau ông là những người đàn ông trạc 50 tuổi, vừa đánh bài vừa hút thuốc, huyên náo cả một góc đặt chiếc bàn gỗ. Trong khi ấy, những người trẻ tuổi thi nhau nhảy từ cầu gỗ xuống làn nước 16 độ.
'Biến thái'
Gần ao nước có đặt một tấm biển với dòng chữ viết bằng phấn trắng “Cấm bơi lội”, đặt cạnh vài chiếc ghế nhựa, một đường dây điện hoen rỉ dùng để phơi quần áo.
Theo luật pháp Trung Quốc, bất kỳ ai bị bắt khi “tự nguyện phô bày cơ thể nơi công cộng” đều có thể bị giam tới 10 ngày.
“Nhưng cảnh sát rất linh hoạt. Họ thường động tay tại những chốn đông người. Còn ở những vùng hẻo lánh, thường họ chỉ yêu cầu những người khỏa thân rời đi”, Zhang Zhigang, một luật sư chuyên về văn hoá vùng miền, cho hay.
Ha, 80 tuổi, là người đến Phòng Sơn hàng ngày, ông đã tắm khỏa thân 30 năm nay.
“Khỏa thân là văn hóa, con người ngày nay đã văn minh. Liệu văn hóa này sẽ phát triển chứ? Tôi không chắc, tâm lý con người vẫn lạc hậu lắm”, ông nhận định.
Trung Quốc có nhiều spa trong nhà hay khu tắm suối nước nóng, nơi người ta có thể khỏa thân trước người đồng giới, tuy nhiên chủ nghĩa khỏa thân nơi công cộng vẫn là điều tối kỵ.
“Phần lớn người Trung Quốc sẽ coi khỏa thân là biến thái, với họ điều đó như hành động quấy rối tình dục hay phô dâm”, nhà nghiên cứu Fang Gang viết trong cuốn sách “Những người khỏa thân” xuất bản năm 2012 - đây cũng là cuốn sách đầu tiên về đề tài này tại Trung Quốc.
Chủ nghĩa khỏa thân trong xã hội Trung Quốc
Bãi biển tắm tiên duy nhất tại Trung Quốc mở cửa vào năm 2000 tại Hải Nam, nhưng phải đóng cửa từ 2014 do du khách phàn nàn nhiều.
“Người bình thường không bơi lội hay tắm nắng khỏa thân chốn đông người”, ông Luo Baoming, chủ tịch tỉnh Hải Nam cho hay.
Năm 2009, chính quyền Trung Quốc cũng phải đóng cửa một bãi tắm tiên ngoài trời gần Hàng Châu một ngày trước hôm khai trương. Vào thời điểm đó, tờ Global Times của chính phủ mở cuộc bỏ phiếu trên mạng. Kết quả là 60% người dùng internet “chấp nhận” chủ nghĩa khỏa thân, trong khi 57% cho rằng Hàng Châu khai trương bãi tắm trên là điều “hoàn toàn bình thường”.
Zheng, 49 tuổi, làm trong ngành marketing, đã tắm tiên tại Phòng Sơn hơn 10 năm. “Chủ nghĩa khỏa thân ngày nay được chấp nhận rộng rãi hơn. Ngay cả bà xã cũng hiểu tôi”, ông Zheng dứt lời rồi tự hào khoe ảnh mình trần trụi ngồi trên rào chắn đường cao tốc trước nhà.
Ông Zheng tiết lộ ông cùng một nhóm người khác quen qua mạng xã hội sẽ tổ chức đi bộ đường dài khỏa thân quanh Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu Fang nhận định: “Nếu không có một nhà lãnh đạo, lời tuyên bố hay công nhận về chủ nghĩa khỏa thân, người Trung Quốc sẽ khó lòng thay đổi quan điểm trước vấn đề này”.