Nếu là người yêu thích văn hóa Nhật Bản, hay xem manga và phim ảnh Nhật, hẳn là bạn đã từng không ít lần trầm trồ trước thú vui tắm onsen (suối nước nóng) của người dân xứ sở Phù Tang.
Đối với người Nhật, tắm onsen vừa là để thư giãn vừa là một phương pháp chăm sóc sức khỏe và nhan sắc. Tắm onsen có những nguyên tắc riêng, điển hình như người tắm không phân biệt nam nữ đều khỏa thân và tắm chung với nhau. Còn gì tuyệt vời hơn sau những ngày làm việc mệt mỏi, có thể rời xa chốn thị thành đông đúc để thả mình thư giãn giữa thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp và dòng nước ấm áp trong trạng thái “như vừa sinh ra”.
Ít ai biết rằng, chẳng cần phải du hí tận xứ hoa anh đào xa xôi, đắt đỏ, chúng ta cũng có thể trải nghiệm cảm giác tắm onsen ngay tại Việt Nam. Điểm du lịch đặc biệt này nằm ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Nói đến Tú Lệ, mọi người đều nghĩ ngay đến những thung lũng lúa vàng, món xôi nếp nương thơm ngào ngạt và cảnh sắc Tây Bắc mùa xuân đẹp ngây ngất lòng người. Tuy nhiên, nét độc đáo có một không hai của Tú Lệ lại nằm ở tục “tắm tiên” ở suối nước nóng, một tục lệ đã đi vào sách vở như một nét văn hóa kỳ thú của đồng bào dân tộc nơi đây.
Sau những buổi làm đồng mệt mỏi, người dân Tú Lệ, bất kể già trẻ trai gái, nam thanh nữ tú đều thích thú hòa mình vào dòng suối nóng như một cách để thư giãn, sinh hoạt cộng đồng. Bể tắm không phân biệt nam nữ nhưng cũng không hề dung tục. Mọi sinh hoạt đều rất trong sáng, tự nhiên như chính tính cách của những người dân vùng sơn cước.
Những chàng trai dạn dĩ, hồn nhiên trút bỏ quần áo. Còn các cô gái cẩn thận hơn, kéo tấm váy lên cao che ngực, từ từ trầm mình xuống nước rồi mới cởi ra. Các sơn nữ vẫn đỏ mặt khi bị con trai nhìn ngó, tán tỉnh nhưng khi tắm cùng nhau lại rất tự nhiên, thoải mái, chẳng ngại ngùng gì.
Vào mùa đông, khi nhiệt độ miền cao xuống đến dưới 10 độ, nhiệt độ suối nước nóng vẫn giữ ở mức 38 đến 40 độ. Khói bốc lên nghi ngút cùng với những tấm lưng trần của các cô sơn nữ Thái vốn nổi tiếng bởi vẻ đẹp trong trẻo và đầy sức sống khiến cho cảnh núi rừng càng thêm thơ mộng, trông giống như tiên động.
Du khách đến đây cũng có thể tham gia tắm suối khoáng nóng như người bản địa nhưng cần lưu ý tránh cư xử khiếm nhã. Nếu không thì vừa bị “phạt vạ” của bản làng vừa làm hỏng nét văn hóa “tắm tiên” trong sáng và hồn hậu của Tú Lệ.
Hãy thả mình trong dòng nước ấm để thưởng thức cảm giác tắm onsen kiểu Nhật ngay giữa núi rừng Tây Bắc, để thấy rằng đất nước xinh đẹp của chúng ta cũng chẳng kém cạnh gì.
Bí kíp du lịch Tú Lệ: - Nếu đi phượt, bạn có thể đến Tú Lệ bằng đường 32 qua Nghĩa Lộ (hướng lên Mù Cang Chải). Nếu đi xe khách, bạn có thể ra bến xe Mỹ Đình để “nhảy xe” Hà Nội - Lai Châu (đi qua Mù Cang Chải). Có khá nhiều hãng xe giường nằm chạy tuyến này. Chặng đường dài khoảng 250km. - Đến đây, bạn có thể thăm các bản Lìm Thái, Lìm Mông cách đó 3km nhưng không nên đi vào mùa mưa vì đường khá xấu, bẩn và trơn trượt. - Tú Lệ có hai bể tắm nóng và ấm nên bạn thích tắm nóng nhiều hay ít đều được đáp ứng nhu cầu. Nhiệt độ trung bình suối nóng vào khoảng 45 độ C rất tốt cho sức khỏe. - Đến Tú Lệ phải thưởng thức xôi nếp nương, gà đen, cốm dẹp là những đặc sản nổi tiếng nhất. Tháng 7 và 8 còn có táo mèo rất ngon, thường được bán ven đường. - Một số nhà nghỉ uy tín ở Tú Lệ có thể kể đến như Chuyền Dung, Phố Núi, Hoàng Quân, Kiều Nga, Khau Phạ… có giá khoảng 150-250 nghìn đồng/đêm. Thông thường, các nhà nghỉ địa phương đều nấu ăn luôn cho khách. - Chi phí nếu đi theo tour vào khoảng 2,5 triệu đồng, còn đi tự túc sẽ rẻ hơn nhiều. Một chuyến phượt Tú Lệ trong 2 ngày 1 đêm sẽ tốn khoảng 1 triệu đồng, bao gồm các chi phí xăng xe, ăn uống và nghỉ ngơi. - Nếu đến Tú Lệ để tắm nước suối khoáng, bạn nên tránh mùa mưa lũ (tháng 7 và 8) vì suối Lừng sẽ tràn lên ngập bể, rất nguy hiểm. Tháng 9 và 10 là mùa lúa chín, lúc này Tú Lệ sẽ vàng rực một màu lúa, thời tiết đẹp, thuận lợi cho việc tham quan, khám phá. Hoặc vào tháng 12, bạn có thể tận hưởng cảm giác mạnh khi tắm suối nóng ngay giữa mùa đông lạnh giá rất thú vị. |