1. Bưởi Đoan Hùng
Một trong những đặc sản có tiếng nhất ở Phú Thọ chính là bưởi Đoan Hùng. Loại bưởi này được trồng ở vùng Đoan Hùng với đặc điểm là thơm, tép bưởi trắng, mềm, ngọt nước, khiến người ta ăn vào là thấy tỉnh người, ăn một lại muốn ăn hai.
Bưởi Đoan Hùng từ lâu đã có một thương hiệu riêng, sánh vai với nhiều loại bưởi quý của Việt Nam. Đây cũng là món đặc sản nhiều người nhắm đến để mua làm quà khi nhỏ gọn, sạch lại phù hợp để biếu mọi đối tượng. Bưởi Đoan Hùng có hai giống là bưởi chua và bưởi ngọt, đều thơm ngon và dễ ăn.
2. Thịt chua Thanh Sơn
Thịt chua Thanh Sơn được làm từ thịt mông, vai, thăn và phải đảm bảo lợn vừa được giết mổ, miếng thịt còn tươi, ngon. Đặc biệt, với các miếng thịt có cả bì, mỡ và thịt nạc thì đòi hỏi người thái phải có kinh nghiệm lâu năm mới đảm bảo sản phẩm đầu ra đẹp mắt. Đối với thịt chua thì thính là nguyên liệu không thể thiếu được.
Thịt chua thường được ăn kèm với lá sung, lá đinh lăng, lá nhội, lá ổi. Khi ăn có vị bùi bùi của thịt, sần sật của bì nướng hòa quyện với vị chua chua của vị thính đã lên men, vị chát ngọt của lá cây rừng hòa vào vị cay của tương ớt.
3. Cọ ỏm
Phú Thọ có thể xem như vùng đất cọ. Nhiều cọ như thế nên người dân ở đây cũng đã tận dụng cây cọ trong cuộc sống của mình. Chẳng hạn như lá cọ để lợp mái nhà, cuống cọ để đan mành, còn quả cọ thì để chế biến những món ăn đặc sản như cọ ỏm chẳng hạn.
Cọ ỏm được chế biến từ quả cọ chín, thịt dày. Cọ được chọn đem xóc trộn để cạo bỏ lớp vỏ ngoài, rửa sạch, rồi đem ỏm. Trong quá trình ỏm, dầu cọ từ quả phôi ra, nổi váng trên mặt nước, bám vào thành nồi, khi ấy cọ đã chín. Cọ ỏm mềm, phía ngoài đen bóng, ở trong vàng ươm như mật ong, cùi dày và thơm. Khi cho vào miệng, mùi thơm lạ, hơi ngái, vị ngậy, bùi, ngọt hấp dẫn. Chấm thêm chút nước mắm hoặc muối vừng, cọ càng dậy lên vị thơm bùi.
4. Cơm nắm lá cọ Phù Ninh
Có một điều thú vị là lá cọ không chỉ dược dùng để lợp mái nhà mà còn có thể dùng để chế biến món ăn, nổi bật nhất là cơm nắm lá cọ Phù Ninh. Lá cọ để nấu cơm phải lá cọ non của những cây cọ mới mọc thấp ngang thắt lưng.
Cơm sau khi nấu chín xới ra, dùng khăn ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn cho kỹ, cho nhuyễn, rồi chia thành nắm to, nắm nhỏ tuỳ ý. Cuối cùng, cho cơm vào tàu cọ, túm lại buộc một đầu, lăn qua lần nữa cho chặt. Cơm nắm lá cọ có vị hơi ngai ngái của lá, rất lạ miệng và hấp dẫn. Món bánh này chấm với muối vừng lạc hay sườn lợn rang muối đều ngon.
5. Bánh tai
Bánh tai hay còn gọi là bánh tai heo được chế biến rất đơn giản nhưng lại mang hương vị đặc biệt, được người dân địa phương và cả du khách yêu thích. Gọi là bánh tai vì hình dáng cong cong như chiếc tai heo.
Chiếc bánh làm từ nhiều nguyên liệu như thịt lợn, gạo tẻ, gia vị nêm nếm khác. Gạo xay mịn, nhào thành bột mềm mịn. Sau đó các nguyên liệu thịt băm nhỏ, gia vị bọc trong gạo rồi đem đi hấp. Bánh tai heo có cái ngọt mềm của bột, của thịt khiến người ăn dễ thương nhớ. Món này vừa có thể ăn ngay khi đến Phú Thọ dự hội, vừa có thể mua về làm quà cho người ở nhà.