Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Ăn ngon - chơi đã

11 nghi thức ở Nhật Bản chắc chắn sẽ khiến du khách 'phát điên'

Nhật Bản luôn là quốc gia nổi tiếng với nhiều nghi lễ phức tạp. Dưới đây là 11 nghi lễ phổ biến ở Nhật, nhưng có thể bạn sẽ “phát điên” vì chúng đấy.

11. Cách xưng hô

Trong văn hóa giao tiếp Nhật Bản, nếu bạn chỉ gọi tên một người không thì vẫn chưa đủ. Hậu tố “-san” phải được đi kèm theo sau tên để thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Ngoài “-san”, vẫn còn nhiều loại kính ngữ khác được sử dụng trong tiếng Nhật tùy theo hoàn cảnh giao tiếp:

“-kun”: Thường dùng để gọi trẻ em trai, hoặc bạn bè con trai với nhau.

“-chan”: Thường dùng để gọi trẻ em gái, thành viên nữ trong gia đình, người yêu hay bạn thân.

“-sama”: Kính ngữ trang trọng nhất, thường dùng trong trường hợp thể hiện sự tôn kính, mang ý nghĩa là “quý”, “ngài”.

“-senpai”: Dùng để gọi những bậc tiền bối.

“-kohai”: Trái nghĩa với “-senpai”, nghĩa là hậu bối.

“-sensei”: Dùng khi xưng hô với những người có địa vị như bác sĩ, nhà giáo, chính trị gia, nhà khoa học.

“-shi”: Dùng trong văn viết.

10. Trao đổi danh thiếp

Việc trao đổi danh thiếp tưởng chừng như đơn giản, nhưng trong văn hóa Nhật thì nó là cả một nghi thức trang trọng:

Đầu tiên, phải đưa mặt trước danh thiếp trước mặt đối phương.

Trao đổi danh thiếp bằng hai tay.

Nếu địa vị của bạn thấp hơn đối phương, hãy cầm danh thiếp thấp hơn họ.

Nếu như bạn được đưa danh thiếp kinh doanh, hãy bỏ nó vào chỗ để card trong ví, và đọc sơ qua vài giây.

Đừng quên cúi người.

Nếu như bạn không có chỗ để card, thì đó thật sự là thảm họa!

9. Trong thang máy

Khi đi thang máy, tất nhiên bạn không phải làm gì quá trang trọng. Thế nhưng, thang máy cũng có những luật lệ rõ ràng. Nếu như bạn là người đầu tiên bước vào thang máy, thì bạn nên đứng gần bảng điều khiển. Và hãy ấn nút giữ chỗ để chờ đến khi mọi người đã vào hết. Lặp lại điều này mỗi khi cửa thang máy mở ra. Và hãy nhớ, là người cuối cùng rời khỏi thang.

8. Trên tàu điện ngầm 

Khi đi tàu điện ngầm, có một số quy định bắt buộc mọi người tuân thủ: không được nói chuyện (kể cả nghe điện thoại), và nhìn chằm chằm người khác sẽ bị cho là thô lỗ.

Không nên nhường chỗ cho người già, dù họ có đứng không vững. Chỗ ngồi riêng cho phụ nữ mang thai và người khuyết tật sẽ được đánh dấu. Và chắc chắn bạn sẽ không được ngồi vào nếu bạn không thuộc những trường hợp được ưu tiên này.

7. Động chạm

Ở Nhật Bản, nhìn vào mắt người khác, đụng chạm cơ thể sẽ bị cho là thô lỗ. Nhật Bản là một đất nước có diện tích nhỏ, nên người Nhật rất tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Vậy nên, nếu du lịch Nhật Bản, bạn hãy nhớ đừng động chạm vào người khác nhé.

Ngoài ra, hôn nhau ở nơi công cộng cũng là điều không nên. Trước năm 1945, đây là hành vi vi phạm luật nơi công cộng.

6. Uống rượu

Khi người Nhật uống rượu, những cấp bậc trong xã hội dường như bị phá bỏ hoàn toàn, và họ uống rất nhiều. Một vị giáo sư có thể uống đến say khướt với sinh viên của mình, rồi sau đó phải có người đưa về. Hay một nhân viên văn phòng mẫu mực có thể say bí tỉ ở quán karaoke và nôn mửa lên khắp quần áo của chính anh ta. Và điều này hết sức bình thường.

Một điều thú vị nữa là, khi đã tỉnh dậy, họ sẽ xem như chưa từng có gì xảy ra. Vì người Nhật quan niệm, những gì xảy ra lúc say xỉn sẽ trôi đi theo cơn say.

5. Tiền bạc

Người Nhật có một thái độ khá kì lạ đối với chuyện tiền bạc. Vì lý do nào đó, họ ngại công khai tiền bạc ở nơi công cộng. Vì vậy, tiền sẽ được bỏ vào những phong bì được thiết kế riêng cho từng dịp. Nếu bạn không có phong bì, hãy gói tiền bằng một mẩu giấy trước khi gửi nó cho ai đó.

4. Nghệ thuật “ngồi”

Trong văn hóa Nhật, kiểu ngồi quỳ truyền thống được gọi là “seiza”, và người Nhật có thể ngồi kiểu này trên sàn và vẫn cảm thấy thoải mái như ngồi trên ghế. Nhưng có nhiều người Châu Âu không quen với cách ngồi này và đôi chân sẽ trở nên tê dại chỉ trong vài phút.

Nếu bạn là du khách hoặc là bậc trưởng bối, bạn có thể không ngồi theo cách này và sẽ không ai nói gì. Nhưng đối với người Nhật, không biết cách ngồi là điều không thể chấp nhận được.

3. Vấn đề quà cáp

Ở Nhật, văn hóa quà cáp rất được đặt nặng. Có 2 dịp đặc biệt trong năm để tặng quà là “o-chugen” (vào mùa Hè) và “o-seibo” (vào mùa Đông).

Ở nhiều quốc gia khác, việc mở quà ngay khi vừa được tặng là điều bình thường. Nhưng nếu làm thế ở Nhật, bạn sẽ bị xem là thiếu kiên nhẫn và tham lam. Hơn nữa, người tặng sẽ thấy xấu hổ khi bắt gặp thái độ không hài lòng của bạn nếu món quà đó hơi “khiêm tốn”.

2. Văn hóa cúi người

Nghệ thuật cúi người ở Nhật rất quan trọng và những đứa trẻ ở Nhật phải học điều này từ rất sớm. Có nhiều cách cúi người khác nhau ở Nhật: đứng, ngồi, cúi người ở nam và nữ.

Đây là một số kiểu cúi chào điển hình:

Cúi chào (eshaku) khoảng 15 độ: Dành cho đối tác hay quan hệ xã hội ngang hàng.

Cúi người thể hiện kính trọng (keirei) khoảng 30 độ: Dành cho giáo viên hay cấp trên.

Cúi gập người (saikeirei) khoảng 45 độ: Thường dùng để tạ lỗi hay khi diện kiến Nhật Hoàng.

Quỳ gối cầu xin: Chỉ dùng khi bạn đã làm điều gì rất tồi tệ.

Đối với những người ngoại quốc, việc cúi người là không cần thiết. Nhưng người Nhật sẽ đánh giá cao nếu bạn chịu cúi người lại với họ.

1. Văn hóa tiễn khách

Ở Nhật, khách hàng và đối tác chính là “Thượng Đế” thật sự. Người Nhật luôn đối đãi với hai đối tượng này bằng sự kính trọng tuyệt đối. Và khi đối tác (hoặc khách hàng) rời đi, cả công ty sẽ theo họ đến tận cửa hay thang máy, và không ngừng cúi chào cho đến khi cánh cửa đã hoàn toàn đóng lại.

Nhưng điều này tương đối bất tiện ở những trung tâm thương mại với thang máy luôn chật cứng người. Vả lại, những vị khách nước ngoài có thể sẽ cảm thấy hơi xấu hổ. Nên những thế hệ người Nhật sau này thường bỏ qua nghi thức này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bright Side

Được quan tâm

Tin mới nhất
Thời điểm ra mắt iPhone SE 4