Những quần đảo mất vài tuần mới đến được, ngôi làng ẩn mình giữa núi cao và mây, trạm nghiên cứu khoa học xây trên đất đóng băng… là những nơi khó lòng tham quan được bởi du khách bình thường.
Dưới đây là 10 địa điểm xa xôi, cách trở và khó tiếp cận nhất trên thế giới chỉ dành cho những ai thích khám phá và phiêu lưu mạo hiểm:
Làng Gasadalur (quần đảo Faroe)
Làng Gasadalur là ngôi làng nhỏ với dân số 18 người (cập nhật năm 2002). Năm 2004, du khách mới có thể đến được làng bằng đường bộ dành cho xe hơi thay vì con đường núi cao 400 mét. Cách đó không xa là thác nước Bøsdalafossur đổ xuống Đại Tây Dương từ độ cao 30 mét.
Ngư dân địa phương phải sử dụng đường hầm đi bộ hay băng qua đèo để xuống thuyền để đi đánh cá.
La Rinconada (Peru)
La Rinconada là một thị trấn nhỏ ở vùng Andes và được coi là thị trấn cao nhất trên Trái đất. Nó chỉ có thể đến bằng xe tải lớn hoặc đi bộ dọc theo con đường núi hẹp. La Rinconada hiện đang trong “cơn sốt vàng” khi có tận 250 mỏ quặng mà cung cấp việc làm cho cư dân thị trấn.
Sống ở La Rinconada, con người phải đối phó với tình trạng không khí loãng, nhiệt độ thấp và điều kiện vệ sinh kém. Thị trấn nổi tiếng như điểm đến dành cho những người thích mạo hiểm.
Trạm McMurdo (Nam Cực)
Trạm McMurdo là trạm nghiên cứu khoa học quốc tế, thủ đô không chính thức của Nam Cực. Khoảng 1.300 nhà khoa học và người tình nguyện làm việc ở đó thời gian dài. Bất chấp khí hậu khắc nghiệt, McMurdo vẫn có đủ cơ sở vật chất gồm phòng thể thao, sân golf chín lỗ và thậm chí cả một nhà kính trồng các loại rau tươi và hoa quả.
Trong quá khứ, trạm McMurdo chỉ có thể đến được bằng tàu. Cuộc hành trình được cho là cự kỳ nguy hiểm và mất nhiều tháng mới đến được đây. Hiện đã có sân bay nên thông tin liên lạc với đất liền thông suốt hơn.
Ngôi nhà trên đảo Ellidaey (Vestmannaeyjar Archipelago, Iceland)
Ngôi nhà trên đảo Ellidaey đang nắm giữ danh hiệu căn nhà ở nơi hẻo lánh nhất trên Trái đất. Không có ngôi nhà nào khác trên hòn đảo xa xôi này. Khoảng 300 năm trước, nơi đây từng là nơi ở của năm gia đình, sống bằng nghề đánh bắt, săn bắn và chăn nuôi.
Năm 1930, người thường trú cuối cùng đã rời đảo Ellidaey. Ngôi nhà cuối cùng còn lại trên đảo hiện nay phục vụ cho những người đi săn.
Làng Illoqortormiut
Illoqortormiut là làng săn bắn và đánh cá nằm trên bờ biển phía đông của Greenland. Tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới bởi lãnh nguyên (vùng Bắc cực trơ trụi bằng phẳng rộng lớn nơi tầng đất đã bị đóng băng vĩnh cửu). Nơi này được coi là một trong những khu định cư ở cực Bắc thế giới. Ngôi làng có thể đến bằng máy bay (2 lần/tuần), trực thăng hay tàu thuyền vài lần/năm.
Illoqortormiut tự hào có 450 cư dân được phục vụ bởi một cửa hàng thực phẩm địa phương và một bảo tàng lịch sử. Dân làng kiếm sống từ săn bắn gấu Bắc cực, đánh bắt cá voi, cá bơn và gần đây còn làm thêm du lịch.
Đảo Kerguelen (Pháp và vùng Nam cực)
Đảo Kerguelen còn có tên là quần đảo Desolation. Mất khoảng một tháng mới có thể đến đây bằng đường biển. Trước thế kỷ 20, đảo được sử dụng làm căn cứ săn cá voi và hải cẩu.
Từ năm 1949, quần đảo này đã trở thành địa điểm nghiên cứu khoa học và phóng tên lửa khí tượng. Hiện nay, đảo Kerguelen là thiên đường của chim cánh cụt, chim biển và hải cẩu.
Quần đảo Pitcairn (lãnh thổ hải ngoại của Anh)
Năm 1789, một cuộc nổi loạn đã xảy ra trên tàu HMS Bounty, một số thuyền viên đã lánh nạn vào bờ trên quần đảo Pitcairn. Hiện nay, quần đảo có khoảng 50.000 cư dân, nhiều người trong số họ là hậu duệ của các thành viên HMS Bounty năm xưa.
Cuộc hành trình đến quần đảo Pitcairn mất khoảng 10 ngày và chỉ có thể được thực hiện bằng đường biển.
Alert (Canada)
Alert là một ngôi làng nằm cách Bắc cực 800 km. Đây là nơi sinh sống dành cho người muốn định cư Cực bắc vĩnh viễn. Năm 2005, làng có 5 dân thường và 70 binh sĩ.
Mùa đông kéo dài hầu như quanh năm ở Alert. Có một sân bay ở đó nhưng vì điều kiện thời tiết xấu nên không thể bay thường xuyên được.
Hạt Motuo (khu tự trị Tây Tạng)
Hạt Motuo là một trong những nơi khó tiếp cận nhất của cao nguyên Tây Tạng. Để đến đây, du khách phải vượt qua 9 con sông, leo thêm vài đỉnh núi phủ đầy tuyết và đi qua nhiều khu rừng trước khi phải đối mặt với thử thách cuối cùng - đi bộ trên cầu treo 200 m.
Khu vực hạt Motuo này từ lâu đã là điểm đến yêu thích của các Phật tử Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần nỗ lực kết nối với khu vực miền núi khó khăn này nhưng đều thất bại.
Tristan da Cunha (vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh)
Tristan da Cunha là một trong những quần đảo xa xôi nhất hành tinh. Dân cư tổng cộng khoảng 300 người. Tất cả đều là con cháu của 8 người đàn ông và 7 phụ nữ đã định cư trên quần đảo này trong những năm đầu thế kỷ 19. Hòn đảo còn có cả một trường học, bệnh viện, bảo tàng và một văn phòng du lịch.
Do không có đường truyền thông tin giữa các hòn đảo Tristan da Cunha, du khách phải chờ đợi để quá giang một chiếc tàu cá hoặc các tàu thám hiểm khoa học. Cuộc hành trình mệt mỏi trên vùng biển nhiều bão tố có thể mất từ một đến ba tuần.
Phải chăng thứ gì càng khó chinh phục càng mang lại cảm giác chiến thắng và thỏa mãn? Bạn có dám thử một lần đặt chân đến những ngóc ngách hiểm trở này của Trái đất không?
Một chàng trai tại Trung Quốc suýt mất mạng vì ăn mật cá chép sống, thứ được nhiều người coi là 'đại bổ' nhưng lại chứa chất độc nguy hiểm hơn cả thạch tín.
Apple đang đối diện với nhiều thách thức kỹ thuật lớn trong quá trình phát triển màn hình không viền, điều đó có thể khiến iPhone 18 chưa thể ra mắt với thiết kế đột phá này.