Thì đúng rồi! Nhưng nhìn từ góc độ chuyên môn, trẻ em đôi khi phải khiến cả các ca sỹ người lớn giật mình. Đó cũng là một yếu tố thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả khi xem các chương trình thi hát trên truyền hình dành cho thiếu nhi mà bài báo này đề cập.
Truyền hình thực tế “trăm hoa đua nở”, trẻ em vì thế mà cũng có nhiều điều kiện, nhiều sân chơi để thể hiện mình, để tham gia học hỏi, để mở rộng tình bạn, để thêm nhiều kiến thức sống. Đó là những điều rất tốt, mà bố mẹ nào cũng nhìn thấy ở các con.
Với những chương trình nghệ thuật, đặc biệt là ca hát. Trẻ con tham gia, không chỉ đơn thuần là sân chơi mang tính chất “vui là chính”, mà nó còn thực sự là một môi trường rèn luyện những yếu tố chuyên môn, để các em hoàn toàn có thể trở thành một nghệ sỹ trong tương lai, thay vì cứ phải vào các trường nghệ thuật như trước đây.
Ngược dòng thời gian quãng hai mươi năm trước, hay như mới gần đây thôi, những năm cuối thập niên 2000, khi truyền hình thực tế mới “mon men” du nhập vào Việt Nam, thì những đứa trẻ thích hát, có khả năng âm nhạc cũng chỉ sinh hoạt trong các Nhà thiếu nhi, cùng lắm là lên chương trình dạng như “Những bông hoa nhỏ”. Các em đơn thuần là sinh hoạt hè, tham gia với ý nghĩa sân chơi là chính. Vô cùng hiếm hoi mới có trường hợp như “bé” Xuân Mai - Con cò bé bé, được gia đình đầu tư thu âm băng đĩa và trở thành “hiện tượng”. Nhưng, Xuân Mai cũng chỉ dừng lại ở sự ngộ nghĩnh, dễ thương với sự trong trẻo, hồn nhiên, đặc biệt là sự tự tin, chững chạc và “chuyên nghiệp” khi đứng trên sân khấu, hay trước máy quay. Còn về giọng hát, cũng không có gì đặc biệt.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các chương trình truyền hình thực tế ra đời, nhiều sân chơi âm nhạc khác cũng được tổ chức cho trẻ em, vì thế, các em được thoả sức vẫy vùng trong khung trời âm nhạc, và thực sự, đã có rất nhiều em thể hiện được tài năng thiên phú của mình. Những em này, không chỉ có giọng hát tốt, có thần thái tốt, phong cách biểu diễn tự tin, chuyên nghiệp mà còn là tư duy âm nhạc và sự đam mê thấy rõ qua cách các em thể hiện mình trên sân khấu. Chính tài năng nổi bật và sự chuyên nghiệp đến bất ngờ của các em đã trở thành “ma lực” hấp dẫn người xem, trong đó quá nửa là người lớn.
Ca khúc Quê em mùa nước lũ do Phương Mỹ Chi thể hiện qua chất giọng ngọt ngào, truyền cảm, chững chạc.
Ít ai có thể tưởng tượng được Phương Mỹ Chi lại có thể hát dân ca hay đến như thế, ngọt đến như thế, “tình” đến như thế khi cô bé mới hơn 10 tuổi. NSND Thanh Hoa từng chia sẻ đại ý, hát dân ca có 2 điều rất quan trọng: Đó là hát vùng miền nào phải ra chất vùng miền đấy, và hát phải thật “ngọt”, thật “tình”. Phương Mỹ Chi đạt được cả 2 yếu tố quan trọng bậc nhất khi hát dân ca mà bậc tiền bối như NSND Thanh Hoa đã đúc kết sau chặng được hơn 50 năm ca hát của bà. Đó là điều khiến nhiều người kinh ngạc. Khi xem Phương Mỹ Chi hát, ca sỹ Thành Lê - Quán quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2007 cũng phải thốt lên trên trang cá nhân, đại ý: “thật sự quá bất ngờ, không nghĩ một cô bé hơn 10 tuổi lại có thể hát dân gian ngọt và tình đến như vậy”. Và không chỉ Thành Lê, hàng triệu khán giả đã từng thổn thức trái tim khi Phương Mỹ Chi cất giọng “rặt” miền Tây với ca khúc Quê em miền nước lũ. Đấy chính là yếu tố chuyên môn vượt trội mà Phương Mỹ Chi khiến nhiều ca sỹ dân gian lớn tuổi phải “tâm phục, khẩu phục”.
Mới chỉ 12 tuổi, nhưng Thiện Nhân thể hiện chất giọng cao vút, kỹ thuật, khả năng cảm nhạc tốt trong ca khúc Cô đôi thượng ngàn.
Hay như Thiện Nhân ở cuộc thi Giọng hát Việt nhí mùa 2, đúng là chú “tắc kè hoa” khi mà biến hoá trong nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác nhau, đặc biệt là “hầu văn” - một loại hình văn hoá tín ngưỡng đậm chất dân gian cổ truyền, cực kỳ khó hát. “Cô bé Thượng Ngàn” là một trong 36 giá Hầu văn khá phổ biến được nhiều người đặc biệt yêu thích.
Vậy nhưng Thiện Nhân, cũng tầm tuổi Phương Mỹ Chi đã chinh phục khán giả bằng giọng hát tương đối chuẩn kỹ thuật “vang, rền, nền, nảy” của loại hình này - một trong những yếu tố kỹ thuật vô cùng khó đối với các ca sỹ theo đuổi các dòng nhạc dân gian Bắc Bộ. Rồi như Quang Anh - Quán quân Giọng hát Việt nhí mùa 1 cũng thực sự là một tài năng, khi thể hiện những ca khúc mang âm hưởng ca trù đậm đặc một cách đầy bản lĩnh. Ở đây, không đơn thuần là việc “làm màu”, mà nó thực sự là một cuộc lột xác ngoạn mục, đối với lứa tuổi đang ngấp nghé “ngưỡng” dậy thì. Hay như Hồ Văn Cường đang trở thành “tiêu điểm” của cuộc thi Thần tượng âm nhạc nhí, với giọng hát dân ca miền Tây Nam Bộ rất ngọt ngào và đầy cảm xúc cũng chiếm được tình cảm và sự ngưỡng mộ của biết bao người lớn.
Ca khúc Giấc mơ mong manh (Ngọc Lễ) được thể hiện bằng chất giọng cảm xúc của cô bé Nguyễn Ngọc Hoà An trong vòng sơ tuyển online Giọng hát Việt nhí 2016.
Ở cuộc thi Giọng hát Việt nhí Online do Saostar tổ chức, đồng hành cùng với chương trình Giọng hát Việt nhí mùa 4 cũng xuất hiện nhiều giọng hát khiến người lớn ngạc nhiên. Một cô bé 13 tuổi, một cậu bé 14 tuổi hát không thua kém gì những ca sỹ chuyên nghiệp, dù chỉ hát “mộc” mà không qua bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào để “trau chuốt” giọng. Những cô bé, cậu bé này hát một cách đầy say mê, trong trẻo, hồn nhiên nhưng lại vô cùng chuyên nghiệp và tràn đầy cảm xúc. Thứ nhạc cảm được nảy sinh từ trái tim đa cảm và tâm hồn phong phú bởi cuộc sống của chính những đứa trẻ này.
Sự tiếp cận mạnh mẽ của các show ca hát trên truyền hình, trên mạng xã hội đã khiến các em sớm tự thu nạp cho mình những kỹ năng trình diễn, sự bản lĩnh tự tin và những yếu tố thuộc về chuyên môn như cách cảm nhận bài hát, cách thể hiện ca khúc, kỹ thuật “hát nhỏ” hay việc sáng tạo trong việc “làm mới” những ca khúc quen thuộc. Vì thế, khi xem và nghe các em hát, người lớn không chỉ thấy vui, mà còn thực sự có cảm xúc, hoà mình vào không gian âm nhạc các em tạo ra. Đó chính là lý do, các show truyền hình thực tế dành cho trẻ em luôn có lượng xem cao nhất hiện nay.