Những năm gần đây, các công ty giải trí lớn tại Hàn Quốc manh nha kế hoạch cho đàn “gà cưng” mở rộng thị trường thông qua những tour diễn thế giới với quy mô hàng chục concert. Nhiều ngôi sao Kpop nổi tiếng từng có đôi lần tổ chức World Tour đi qua hàng chục quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, không biết vô tình hay hữu ý, hầu hết trong số họ đều loại bỏ châu Âu ra khỏi tấm bản đồ hành trình của mình. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến một thị trường âm nhạc rộng lớn và đầy tiềm năng luôn chịu sự ghẻ lạnh và “ngó lơ” của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng châu Á đến vậy?
Thay vì sự thờ ơ, có thể nói các sao Kpop đang có phần sợ hãi và “dè chừng” thị trường âm nhạc châu Âu. Bởi nhiều lý do, cả nghệ sĩ và công ty quản ý đều không chấp nhận mạo hiểm bỏ ra một khoản tiền lớn để thu về những lợi ích không được đảm bảo. Những lý do đó là gì?
Châu Âu - Thị trường âm nhạc rộng lớn nhưng đầy rủi ro
Rủi ro được nhắc tới ở đây chính là sự quan tâm từ phía những người hâm mộ. Một ngôi sao hạng A ở thị trường châu Á, với hàng chục ngàn người tham dự concert, hàng triệu follower ở mạng xã hội hay hàng trăm triệu lượt xem MV trên youtube, ngôi sao ấy chưa chắc đã thực sự nổi tiếng tại châu Âu. Mặt khác, sự ủng hộ của một phần cộng đồng fan Kpop tại châu Âu có thể sẽ giết chết người nghệ sĩ nếu ảo tưởng sự nổi tiếng quá mức của mình ở chính các quốc gia đó. Để rồi đến cuối cùng, khi concert mở ra, nghệ sĩ lại rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” bởi có quá ít khán giả quan tâm và tới xem biểu diễn.
Nếu điều đó xảy đến, danh tiếng của chính người nghệ sĩ cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, không chỉ ở thị trường hướng tới mà còn ở chính quê nhà. Chưa kể, tổn thất về tài chính mà công ty quản lý và nghệ sĩ phải chịu không hề nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp tới những bước tiến mới trong tương lai.
Được biết, để có thể tổ chức một buổi concert với quy mô lớn tại châu Âu, công ty tổ chức phải trả cho chính quyền tại đây một khoản tiền lớn (phụ thuộc vào độ nổi tiếng của nghệ sĩ). Ngoài ra, chi phí thuê địa điểm tổ chức, chi phí đi lại, ăn ở cho cả ekip và nghệ sĩ,… tạo áp lực lớn cho nhà đầu tư vào dự án, đặc biệt khi không thể đảm bảo được thành công chắc chắn cho concert.
Áp lực cạnh tranh
Sẽ không thành vấn đề nếu như một nghệ sĩ Kpop đình đám lựa chọn tổ chức concert tại quê nhà, thế nhưng để chinh chiến tại đấu trường châu Âu - nơi có nền công nghiệp âm nhạc phát triển bật nhất thế giới lại là điều không hề đơn giản. Lẽ dĩ nhiên nghệ sĩ sẽ phải chịu một áp lực cạnh tranh vô cùng lớn từ các đồng nghiệp tại nước chủ nhà - những ngôi sao tầm cỡ thế giới.
Hằng năm, có vô số các buổi trình diễn, concert âm nhạc diễn ra tại châu Âu. Và sẽ ra sao nếu một ca sĩ phải chịu áp lực lớn khi lo sợ tên tuổi của mình không đủ sức hút so với một nghệ sĩ khác tổ chức biểu diễn cùng ngày? Mặc dù điều này không thường xuyên xảy ra, nhưng trong một khoảng thời gian ngắn trước hoặc sau concert của một nghệ sĩ nổi tiếng châu Âu, thật khó để một nghệ sĩ Kpop khác thu hút đủ lượng khán giả đến tham dự buổi trình diễn của mình như mong đợi.
Trình độ kỹ thuật, tổ chức
Hàn Quốc được coi là quốc gia có trình độ sản xuất các concert âm nhạc đầu tư và chất lượng bậc nhất châu Á. Từ hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ,… đều được các chuyên gia tỉ mỉ “đo ni đóng giày” sao cho phù hợp nhất với một buổi trình diễn hoàn hảo của nghệ sĩ. Tuy nhiên, chính vì hình thức và quy mô các buổi biểu diễn ở châu Á khác khá nhiều so với châu Âu, điều này vô hình chung tạo ra vấn đề mới cho nhà sản xuất.
Mỗi concert tại châu Âu đều được tổ chức tại các khán đài, sân vận động lớn, thậm chí lớn hơn rất nhiều so với tại châu Á. Vì thế, hệ thống âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật,… cũng yêu cầu đặc biệt cao hơn. Trong khi các công ty tổ chức Hàn Quốc phải vận chuyển đạo cụ từ một khoảng cách xa đến, gây khó khăn và thậm chí không đủ các trang thiết bị cần thiết để phục vụ tốt nhất cho buổi trình diễn. Thay vào đó, một buổi off fan hay showcase nho nhỏ với quy mô 2000 - 2100 người tổ chức tại các phòng trà, rạp chiếu phim,… lại trở thành lựa chọn tối ưu hơn cho các nghệ sĩ Kpop và nhà sản xuất.
Khả năng của chính người nghệ sĩ
Nghệ sĩ Kpop muốn xuất hiện trên đấu trường âm nhạc thế giới, đặc biệt là châu Âu buộc phải có độ nổi tiếng và phủ sóng mạnh mẽ đủ để thu hút khán giả và khiến các công ty quản lý thực sự tin tưởng. Không những vậy, ngay chính bản thân người nghệ sĩ luôn phải nỗ lực, cố gắng hết mình để theo đuổi quá trình diễn ra concert. Bởi quy mô và thời gian chuẩn bị kéo dài, thông thường khi một tour tổ chức sẽ bao gồm nhiều đêm diễn liên tiếp trong khoảng thời gian ngắn. Khi đó, nghệ sĩ phải đảm bảo sức khỏe, tâm trạng tốt nhất, sẵn sàng biểu diễn và cháy hết mình cùng khán giả trên sân khấu.
Hơn ai hết, các nghệ sĩ đều hiểu sự thành công của một tour diễn qua các quốc gia châu Âu sẽ là một bước tiến vượt bậc trên con đường sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, để với tới ước mơ tươi đẹp đó luôn là điều khó khăn mà không phải ai cũng có đủ niềm tin và khả năng để biến điều đó thành sự thực. Trên thực tế, đã có không ít ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc mạo hiểm tổ chức concert tại châu Âu, một vài trong số họ gặp phải thất bại, nhưng cũng có không ít nghệ sĩ thu được kết quả thực sự khả quan.
Trong quá khứ, người hâm mộ nhiều lần nhìn thấy gà cưng nhà YG - BigBang công chiến thị trường châu Âu bởi các tour diễn lớn và kéo dài theo quy mô toàn thế giới. Sự thành công của MADE Tour 2015 - 2016 thậm chí còn được ghi nhận trên BXH Billboard thế giới. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ lẻ của YG như Psy, G-Dragon, CL cũng không dưới một lần dũng cảm thực hiện ước mơ đặt chân đến miền đất hứa.
Kết
Ngoài gà nhà YG, những chiến binh SM như TVXQ, SNSD, EXO,… hay boygroup đình đám của Big Hit - BTS cũng nhăm nhe gia nhập thị trường âm nhạc khó tính nhưng đầy tiềm năng này. Không nói tới những concert thất bại của dàn sao nhỏ chưa đủ thực lực, sự cố gắng, nỗ lực của nhiều nghệ sĩ Kpop đã đủ để khiến người hâm mộ tự hào và tin tưởng vào khả năng phát triển, đưa tới một nền âm nhạc châu Á lớn mạnh, sánh ngang với tầm cỡ quốc tế trong tương lai.