Bộ tứ sông Hồng - những cái tên gắn liền với khởi đầu của nền nhạc nhẹ Việt Nam: Trần Tiến - Nguyễn Cường - Dương Thụ - Phó Đức Phương - tác phẩm của họ từng là những bản hòa ca của đất nước nhiều thập kỷ, nhưng đây là lần đầu hội ngộ trên một sân khấu. Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng - tên concert thứ 10 của chàng ca sĩ giản dị nhưng chứa đầy thách thức.
Bởi, là 4 đại diện tiêu biểu của nhạc nhẹ Việt Nam, nhưng mỗi cái tên Tiến - Phương - Cường - Thụ là những sắc màu khác biệt. Nếu ca khúc của Trần Tiến là những nốt nhạc vang lên sau nòng súng, viết về những phận người bé nhỏ, bài hát của Dương Thụ là lời tâm sự khẽ khàng của một tâm hồn nhiều tổn thương nhưng luôn hướng về ánh sáng. Trong khi đó Nguyễn Cường “kính phục” nỗi buồn nhưng không bao giờ xài nó, âm nhạc của Phó Đức Phương lại là những bản hiệu triệu của trọng trách. Điểm “quan hệ” dễ nhận thấy trong tác phẩm của bốn nhạc sĩ ấy là - giai điệu đẹp, ca từ giàu tính văn hóa của sự chắt lọc. Nhưng, điều tạo nên tầm vóc của bốn cái tên Trần Tiến - Dương Thụ - Nguyễn Cường - Phó Đức Phương là ở chỗ, âm nhạc của họ chính là “tấm gương phản chiếu thời đại”.
Làm thế nào để một người ở thế hệ sau như Tùng Dương “đánh thức” được tính thời đại ấy trong âm nhạc của mỗi người?
Tự xây dựng kịch bản và tham gia vào quá trình tuyển lựa ca khúc cho liveshow, Tùng Dương quyết định cách mình sẽ “đối thoại” với bốn vị tiền bối. Anh chọn mở đầu live-concert bằng một bản mash-up tổ hợp ca khúc của bốn người với: “Bay vào ngày xanh” - “Trên quê hương quan họ” - “Sắc màu” - “Ly cafe Ban Mê” của Dương Thụ, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường.
Tùng Dương thông minh khi không chia phần riêng biệt cho từng người trong concert. Anh chọn hát theo từng mảng đề tài: tuổi thơ, những giấc mơ và ước vọng. Cũng bằng cách đó, cá tính âm nhạc của mỗi người trong quan sát của Dương được phác thảo. Những bài ca về thân phận của Trần Tiến với những thanh niên mang cả Hà Nội vào trận mạc, để rồi sau đó trở về, đến tận cuối đời vẫn ám ảnh với một tuổi trẻ nhiều thua thiệt: không có thời gian để yêu một mối tình trọn vẹn, không được bên mẹ, bên chị những tháng ngày thanh xuân. Nỗi ám ảnh trong trái tim những chàng thanh niên ra trận ngày đó còn mãi hằn in trong “Sao em nỡ vội lấy chồng” “Chị tôi”, “Mẹ tôi”… của Trần Tiến.
Ngay cả những bài hát Dương Thụ nhất định cho rằng “tôi viết cho tôi, viết về những tổn thương của chính bản thân mình - một chàng trai không được thừa nhận tài năng” thì vẫn chuyên trở tâm lý của thanh niên một thời đại không có thời gian để yêu, để sống và để thừa nhận nhau.
Nhưng những giấc mơ không vì thế biến mất, nó chọn một cách đẹp đẽ hơn “bay vào ngày xanh”. Và mảng ca khúc của Nguyễn Cường, Phó Đức Phương mà Tùng Dương chọn hát đã thể hiện mãnh liệt hơn bao giờ hết những ước vọng của một thế hệ không chịu cúi đầu, không chịu khuất phục. Có thể nói những ca khúc làm nên tên tuổi của Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, và khó hát nhất đã được Tùng Dương mang đến live-concert lần này. “Mái đình làng biển”, “Bi ca Trọng Thủy”, “Hò biển” của Nguyễn Cường. “Bên dòng sông Cái”, “Trên đỉnh Phù Vân”,… của Phó Đức Phương đã tạo ra cú nổ lớn trong đêm diễn với những phần trình diễn mãn nhãn cho người xem.
Nếu ở phần đầu chương trình, cùng với khách mời, Tùng Dương tạo ra cung trầm nhiều lắng đọng cho khán giả, thì ở nửa cuối chương trình, Dương đã “tăng đô” cho người yêu anh.
Nhiều khán giả dõi theo con đường của Tùng Dương đã cho rằng “Tùng Dương nhất định phải có cánh”. Đôi cánh theo nghĩa đen - Tùng Dương luôn muốn mang lên sân khấu, trong những màn trình diễn ma mị của mình, và đôi cánh khác - chính là tiếng hát của Dương, một lần nữa giúp những lời ca vang lên, bay cao, trong tình yêu. Đêm qua Dương đã khóc ở phần cuối chương trình, khi những tràng pháo tay rền vang không dứt.
Trong 15 năm theo con đường chuyên nghiệp, và tròn 10 show diễn cá nhân, Tùng Dương luôn chọn con đường khó, để thách thức chính mình. Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng lần này là một thách thức với riêng anh, trên con đường chinh phục một góc khác trong âm nhạc. Phải nói, đó là một concept nhiều người ấp ủ, ngay cả chính bốn nhạc sĩ cũng từng mong muốn một lần “hội ngộ” mà chưa thể thực hiện, và Dương đã làm thay.
Sẽ thật khó để phác thảo trọn vẹn 4 tầm vóc tiêu biểu tạo nên nền nhạc nhẹ Việt Nam ở thế kỷ 20. Nhưng Tùng Dương phần nào đã tạo ra một cuộc hoan ca với sự đa thanh của những tiếng lòng, phần nào phác thảo được tính thời đại trong âm nhạc của một thế hệ nhất định phải ghi nhớ - không chỉ trong âm nhạc - mà còn là trong lịch sử trường tồn của dân tộc. Thời đại của những con người chấp nhận hi sinh cái tôi cá nhân, tìm một tiếng nói cho đất nước. Trong cuộc tìm kiếm đó, những đớn đau cá nhân trở thành nỗi niềm chung của nhiều người. Nhưng quan trọng, họ đã biến những tổn thương ấy trở thành sức mạnh, tiếp tục vun bồi cho những ước vọng cao đẹp hơn.
Đêm qua, bên dòng sông Cái, Tùng Dương đã mang đến tiếng hát của những người con quê mẹ. Có một điều chủ nhân đêm nhạc không chia sẻ rõ ràng, nhưng ngay cả dàn khách mời: Hà Trần, Bằng Kiều cũng như là một lựa chọn đầy tính chủ đích của anh - những người con được nuôi dưỡng bởi dòng sông Cái, nên dù có đi xa, những tâm hồn ấy vẫn mãi vun bồi bởi tình yêu đất mẹ, và mạch ngầm ấy lại đưa họ trở về - trong một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa: hát lên tiếng hát của những tráng sĩ sông Hồng.
Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng mới diễn ra đêm qua, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Concert còn tiếp tục đêm nay 6/6.