Âm Nhạc

V-pop bùng nổ xu hướng nhạc nhảm, ăn theo trào lưu

Chia sẻ

Thật khó để định hình được dòng chảy của làng nhạc Việt khi ngày càng có nhiều ca khúc mang nội dung nhảm nhí - thậm chí là dung tục, ăn theo trào lưu lên ngôi.

Nhạc nhảm - “Đứa con rơi” của nhạc thị trường

Có lẽ chưa bao giờ âm nhạc Việt lại “dễ dãi” như thời gian qua. Bên cạnh những bài hát hay, ý nghĩa về ngôn từ thì các ca khúc có nội dung phản cảm, lời lẽ thô vụng, nhảm nhí lại xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều. Không được thừa nhận một cách chính thức, cũng không tẩy chay một cách quyết liệt nhưng những bản nhạc như Da nâu, Nói dối, Oh My Chuối, Cấm trẻ em dưới 18 tuổi… vẫn tồn tại, phát triển song hành cùng đời sống âm nhạc của giới trẻ.

Dạo trước, cư dân mạng xôn xao về MV Nói dối của Phương My. Ca khúc này gây chú ý không phải vì ca từ hay, ý nghĩa mà ngược lại chính bởi sự nhảm nhí, nội dung dài dòng khiến nó xuất hiện “rần rần” trên các trang nghe nhạc trực tuyến trong nước. Chủ nhân sản phẩm trên cũng rất lấy làm tự hào vì được nhiều người biết đến.

Phương My - chủ nhân của "thảm họa" Nói dối.

Phương My - chủ nhân của “thảm họa” Nói dối.

Bài hát chủ yếu xoay quanh việc Phương My trách móc một anh chàng đang nói dối và cho rằng việc làm này có thể “bị người ta khinh” và “làm mất hết tất cả”.

Những câu điệp từ như “Tại sao anh lại nói dối? Vì sao vì sao vì sao? Vì sao anh lại dối em?” hay “Một lần nói dối vạn lần mất tin. Đừng nên nói dối bị người ta khinh. Hãy nên thật thà đừng nên nói dối, có biết nói dối là sao không hả? Một khi nói dối sẽ mất tất cả. Sẽ mất tất cả có biết không hả?” như “xát muối vào tai” khán giả.

Ca từ nhảm nhí, vô nghĩa, nền nhạc đơn điệu cộng việc Phương My xuất hiện đứng lắc lư, nhún nhảy theo nhạc với bộ tóc giả màu hồng ánh kim, cặp mắt kính cũng cùng tông màu che gần hết khuôn mặt khiến clip này nhanh chóng soán ngôi “thảm họa” của làng nhạc Việt.

https://www.youtube.com/watch?v=VdU1wdLQbY8

MV Nói dối - Phương My

Một trong những “thảm họa” khác của V-pop là ca khúc Da nâu do “nữ hoàng dao kéo” Phi Thanh Vân thể hiện. Ca khúc chỉ vỏn vẹn mấy câu khiến công chúng nghe nhạc “phát ốm”.

Ca khúc Da nâu - Phi Thanh Vân

Những sản phẩm âm nhạc nhảm đã tạo nên một làn sóng phản đối nhất định trong cộng đồng mạng. Đa số những lời nhận xét đều chỉ loạt ca khúc thảm họa, nhảm nhí, rẻ tiền và quá dung tục. Điển hình là Oh my chuối của Sĩ Thanh.

Lời bài hát có những câu khơi gợi khiến người nghe không thể không liên tưởng đến cảnh ân ái giường chiếu một cách phản cảm. Những lời chê bai “đắng lòng” như “vô vị”, “nhảm thật”, “tào lao quá”, “vừa xàm vừa lố”… xuất hiện nhan nhản trên mạng.

Oh my chuối của Sĩ Thanh khiến nhiều người “ngượng chín mặt” với ca từ nhảy cảm.

Oh my chuối của Sĩ Thanh khiến nhiều người “ngượng chín mặt” với ca từ nhảy cảm.

Về phía Sĩ Thanh, cô cho biết mình dự đoán trước là sẽ bị chỉ trích. Dù vậy, nữ ca sĩ vẫn quyết định làm MV này như một món quà gửi đến fan của Căn hộ số 69 khi bộ phim phải ngừng phát hành đột ngột.

Chia sẻ về Oh my chuối, Sĩ Thanh chia sẻ: “Sản phẩm này chỉ mang tính giải trí, kỷ niệm, đó không phải là hướng đi lâu dài của tôi”.

MV Oh my chuối - Sĩ Thanh

Không chỉ “cô nàng thích ăn chuối” Sĩ Thanh mới có ca khúc nhảm mà “chàng trai xấu” Tần Khánh cũng ngang nhiên gây sóng gió với ca khúc sở hữu tựa đề “xưa nay hiếm” Cấm trẻ em dưới 18.

Ngay thời điểm xuất hiện, Cấm trẻ em dưới 18 tuổi đã “làm loạn” thị trường nhạc Việt bởi mức độ “thảm họa” độc nhất - ăn đứt những ca khúc tiên phong như Da nâu của Phi Thanh Vân, Teen vọng cổ của Vĩnh Thuyên Kim.

Nội dung ca khúc là lời khuyên của chàng trai với những em gái dưới 18 tuổi không nên yêu sớm để phải sầu, phải khổ mà hãy chuyên tâm vào học hành nhằm có tương lai. Cuối bài hát chàng trai không quên nhắc nhở: “Thôi học hành đi, lớn lên rồi yêu đâu có vội”.

MV Cấm trẻ em dưới 18 tuổi - Tần Khánh

“Loạn” ca khúc ăn theo trào lưu

Trong năm 2014, theo công bố từ một trang âm nhạc trực tuyến lớn, trang này đăng tải trên Internet khoảng 3.000 MV mới và các trang như MTV Việt Nam, YanTV… cũng giới thiệu từ 200 đến 300 sản phẩm bao gồm những MV của các ca sĩ, clip cover nhạc và cả những “hàng giả”, ăn theo trào lưu trong thị trường âm nhạc.

Khách quan mà nói, mục đích ban đầu của những bản nhạc theo trào lưu hot là đem lại tiếng cười cho người nghe với phần lời hài hước, kích thích sự sáng tạo. Cũng có chuỗi bản ăn theo trào lưu lên án các vấn đề nóng của xã hội nhằm chế diễu những thói xấu của một bộ phận xã hội như Bài ca leo rào (Hiếu Orion), Sẽ không còn cây (Tuấn Hưng), Forever Alone (JustaTee), Lời trái tim nơi đảo xa (GS Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng)…

Còn nhớ lần công viên nước Hồ Tây “vỡ trận” khiến nhiều cô gái bị sàm sỡ. Ngay sau đó, Hiếu Orion tung ra clip ăn theo mang tên Bài ca leo rào. Vẫn bằng phong cách chế các bài hát quen thuộc từ ca khúc Bèo dạt mây trôi, chủ nhân của clip khéo léo lồng ghép những hình ảnh, sự việc xấu xí tại công viên nước thành một video vừa thú vị, vừa đáng suy ngẫm.

Ca khúc chế Bài ca leo rào - Hiếu Orion

JustaTee là một trong những ca sĩ RnB tài năng được giới trẻ yêu thích nhất hiện nay. Anh gây ấn tượng với người hâm mộ ngay từ những ngày đầu bởi chất giọng trầm ấm cũng như khả năng sáng tác ấn tượng. Sau khi bắt đầu thành công với LadKillah, JustaTee gia nhập SpaceSpeakers và hướng tới hình tượng nghệ sĩ đa năng: ca sĩ, nhạc sĩ kiêm producer.

Trong thời điểm “F.A” trở thành một từ khóa hot mà cư dân mạng sử dụng để mô tả trạng thái của những người cô đơn, JustaTee nhanh chóng tận dụng cơ hội đó rồi sáng tác và cho ra mắt ca khúc Forever Alone. Là bản RnB có giai điệu và lời hát dễ nghe, ca khúc chinh phục được rất nhiều khán giả đồng thời vươn lên trở thành một trong những bản hit được yêu thích nhất V-pop năm 2013.

MV Forever Alone - JustaTee

Sau đấy, GS Xoay tung ra ca khúc Lời trái tim nơi đảo xa đúng thời điểm biển đảo Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề “nhạy cảm”. Với ca từ giản dị nhưng không kém phần hào sảng, bài hát nhanh chóng nhận được sự quan tâm của công chúng.

Ngoài ra, những ca khúc phản ánh vấn nạn xã hội như Bài ca phong bì, Xăng, Bài ca lương mềm cuối năm… cũng nhận nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng.

Bên cạnh những ca khúc ăn theo sự kiện có nội dung tích cực thì ở vào thời điểm mà âm nhạc trở nên bão hòa trong những năm qua, trào lưu ăn theo lại “lên ngôi” với chẳng ít sản phẩm nhạt nhẽo, sáo rỗng, hình thức, điển hình như Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu, Đắng lòng thanh niên, Anh không đòi quà

MV Anh không đòi quà - OnlyC ft. Karik

Ca khúc Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu - Song Luân

Ngoài ra, V-pop còn xuất hiện những ca khúc có lời lẽ tục tĩu, thiếu lành mạnh, cách thể hiện thác loạn. Nhiều thứ sản phẩm cover nhạc lai tạp như rap “bẩn”, xuất hiện tràn lan và công khai trên mạng.

Trong các ca khúc ấy, có thể kể đến clip hát Thu Cuối của YanBi và Mr.T trên sân khấu biểu diễn ca nhạc ở Thái Nguyên. Hai nam ca sĩ gốc Hà Thành này tiếp tục tái phạm lỗi chế lời tục tĩu bất chấp án phạt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng trước đó. 

Xuất hiện với clip rap cover bài Phiếu bé ngoan sặc mùi dục vọng của hotgirl Andrea cùng những từ ngữ thô thiển, khiêu dâm như “kem chuối”, “phê”, “no say bin”, “V.K.L”… khiến người nghe cảm thấy ớn lạnh, rùng mình.

Những người trong cuộc nói gì về thực trạng trên?

Chia sẻ cùng Saostar.vn về cảm cảm nghĩ của bản thân xoay quanh việc các ca khúc nhảm, ăn theo trào lưu cứ lần lượt xuất hiện và đôi khi còn trở thành hit, ca nhạc sĩ - nhà văn Hamlet Trương bộc bạch: “Nói có thể các bạn không tin, nhưng quan niệm của tôi là tôn trọng sự “đa dạng sinh vật”, trời sinh voi sinh cỏ nên có cái này phải có cái kia. Có thể bản chất đời sống hiện nay của con người quá mệt mỏi và phức tạp nên họ cần những gì vui vẻ dễ hiểu, nghe và xem để cười cho qua hoặc hát vu vơ cho vui rồi thôi. Nên tuỳ vào lựa chọn của mỗi người, cần gì tìm đó! Ai muốn vui thì vui, ai cần chiêm nghiệm sâu sắc thì tìm đến những sản phẩm khác”.

Anh nói thêm: “Thế nhưng bản thân nghệ sĩ phải có ý thức, vui thì vui nhưng hãy có giới hạn, đừng tục tĩu hay mang tính kích động, xúc phạm vì giới trẻ đang nhìn vào mình, không được gây ảnh hưởng xấu đến họ”.

Nhạc sĩ Hamlet Trương và Đỗ Hiếu.

Nhạc sĩ Hamlet Trương và Đỗ Hiếu.

Với Đỗ Hiếu, trong một bài báo gần đây, anh cho hay, không ít người yêu nhạc hiện nay thường phàn nàn nhạc Việt bây giờ dễ dãi quá khi thường xuyên xảy ra tình trạng: thảm họa lên ngôi, đạo nhạc, nhạc chế tràn lan… Nam nhạc sĩ trẻ thẳng thắn nhìn nhận đó là hai mặt của quá trình phát triển tất yếu bởi nó không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Không lên tiếng lên án hay phán xét những thực trạng đấy nhưng tác giả của chuỗi bản hit đình đám tâm sự: “Trên phương diện là một nhạc sĩ, tôi nghĩ rằng âm nhạc thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống không chỉ của người sáng tác và cả người nghe nữa. Cho nên mỗi khi mình chắp bút viết ra một sản phẩm nào đó ngoài việc viết ra cho thoả đam mê của bản thân cũng cần cẩn trọng với lời lẽ, ca từ bởi ở thời đại này giới trẻ tiếp cận rất nhanh, sự lan truyền rất mạnh. Nếu người sáng tác không để ý đến ca từ cũng như cách xây dựng âm nhạc của mình thì cho dù sản phẩm hay cũng chưa chắc đã là một sản phẩm tốt”.

Kết

Ngày nào những cuộc “đấu khẩu” bằng nhạc bẩn chưa ngã ngũ thì thứ ấy sẽ còn đầu độc tư tưởng và không khéo trở thành một “đại dịch” lan truyền công khai, trắng trợn khi khuất phục, lôi kéo giới trẻ ngày càng nhiều.

Trong dòng chảy của V-pop, để bắt kịp với xu hướng âm nhạc toàn cầu và đưa nhạc Việt ra thế giới thì cần có những sản phẩm nghiêm túc, đầu tư về chất lượng lẫn hình ảnh. Tuy nhiên, điều cấp thiết trước hết là phải làm thế nào loại bỏ được loạt ca khúc gắn mác “thảm họa”.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất