Âm Nhạc

Tùng Dương: 'Sống chết vẫn phải thượng tôn giọng hát'

Chia sẻ

"Tôi muốn nâng sự quyết liệt, điên loạn lên ở tính trường phái, tôi sống thực tế hơn chứ không thể tự huỷ hoại bằng những thứ mơ hồ, huyễn hoặc" - Tùng Dương chia sẻ.

Cũ kĩ quá tôi không chấp nhận

- Cuối cùng thì Tùng Dương cũng đã bước chân truyền hình thực tế, năm nay là vào X-Factor chính thức, anh thấy sao?

- Đầu tiên là các bạn thí sinh trẻ làm tôi bất ngờ vì họ có gu, yếu tố chuyên môn được khẳng định, và nhiều nhân tố xứng đáng là “bí ẩn”. Tôi không muốn so sánh với những năm trước, nhưng năm nay, cá nhân tôi cảm thấy hài lòng với chất lượng của cuộc thi. Những bài hát được đưa vào có tính cập nhật, có tinh thần, năng lượng của tuổi trẻ rất mạnh mẽ, ngày càng ít thảm hoạ.

160423TungDuong-3

- Việc chưa va chạm với truyền hình thực tế có khiến anh “bỡ ngỡ”?

- Chưa va chạm, nhưng tôi là người theo dõi tường tận, và biết mọi thứ diễn ra thế nào. Cách đây vài năm, tôi nhớ khi đó The Voice mùa đầu tiên, đã có lời mời của Cát Tiên Sa dành cho Tùng Dương, nhưng hồi đó thì tôi chưa sắp xếp được thời gian. Sau một quá trình theo dõi, biết được tính chất một cuộc thi truyền hình thực tế như thế nào, nên cũng không còn quá xa lạ. Truyền hình thực tế bây giờ như món ăn của mọi nhà.

- Anh nghĩ vì sao người ta chọn anh vào ngồi ghế HLV?

- Tôi nghĩ phải có lý do trong bối cảnh có quá nhiều cuộc thi truyền hình thực tế đang diễn ra. Có lẽ tiêu chí, tâm nguyện của nhà tổ chức muốn cuộc thi có tính chính thống hơn, chú trọng chuyên môn, chất lượng. Ở mùa trước, có thể tính “chiêu trò” được đề cao hơn, để cuộc thi gay cấn.

- Đó là lí do người ta bảo Tùng Dương, Thanh Lam bắt đầu áp đặt nhiều chuyên môn hơn vào cuộc thi năm nay?

- Đã chọn Tùng Dương hay Thanh Lam, thì chúng tôi đảm bảo tính chuyên môn đầu tiên. Tất nhiên chúng tôi không phải không biết lắng nghe, chúng tôi cũng không áp đặt. Việc nhận lời X-Factor là thử thách để chúng tôi khẳng định được tính chuyên môn, để khán giả xem show thực tế nghĩ khác đi, thi thố không có nghĩa là phải ăn thua hay chăm chăm tạo scandal để nổi tiếng xổi.

Thanh Lam và Tùng Dương.

Thanh Lam và Tùng Dương.

- Tùng Dương chăm sóc thí sinh có kĩ?

- Các thí sinh thoải mái lắm, HLV như tôi nhận xét chân thành, đúng mực, và kích thích sự cố gắng của các em. Chúng tôi là những người kĩ tính, tìm ra những bạn xứng đáng, nhưng sẽ có sự khắc nghiệt, tạo áp lực vừa đủ. Các em nhắn tin cho tôi bàn bạc bài hát hàng ngày. Làm HLV mới biết, phải tôn trọng luật, nhưng không ai muốn loại thí sinh của mình.

- Anh là dân Sao Mai bước ra, vốn là “lò” kiểu đứng một chỗ và hát, X-Factor lại cần năng động, cá tính?

- Quan điểm của tôi thế này. Sống chết vẫn phải thượng tôn giọng hát, cá tính âm nhạc mạnh mà không có giọng, thì khó đi xa. Đương nhiên trong một cuộc thi qua truyền hình, nó còn tổng hợp nhiều yếu tố, kể cả thanh sắc, làm chủ sân khấu, cái đó chúng tôi sẽ huấn luyện các bạn ấy, từ “lò” nào ra không quan trọng bằng việc tôi đi hát đủ lâu để có trải nghiệm. Tất nhiên, tôi sẽ ưu tiên sự văn minh, cũ kĩ quá tôi không chấp nhận.

Ở những vòng đầu, tôi tạo cho các em sự gần gũi, không bị nghiêm túc quá, vẫn cho các bạn có sự cởi mở, nhưng khi tôi đưa ra lựa chọn thì vô cùng khắt khe. Đó là những điều mà HLV như tôi sẽ làm, còn làm như các nghệ sĩ thiên về giải trí là tôi không làm được, như bảo tôi nằm xuống sân khấu là tôi không làm được, đưa nhẫn kim cương là chịu.

160423TungDuong-1

Tôi cũng không thể mãi đi cày xới những giá trị mới, những mơ mộng hão huyền…

- Bây giờ, Tùng Dương quan niệm thế nào sự cân bằng, rõ hơn là với một nghệ sĩ như anh?

- Người nghệ sĩ luôn tìm sự cân bằng, ngồi ở những vị trí khác nhau cho mình nhiều trải nghiệm, các anh chị đi trước, họ có trải nghiệm trước mình. Tôi chỉ nghĩ rằng mình là người thận trọng, có cách đón nhận khác, ở những thời điểm thích hợp.

Tùng Dương là người “mở đầu” chứ không phải “cứng đầu”. Tôi tin vào bản thân, tôi sống cân bằng và làm chủ được hành động, cuộc sống, tách bạch được công việc với chuyện riêng tư. Thời điểm trước kia, đôi khi tôi mù mờ về điều đó, nhưng nay đã tưởng thành hơn nhiều.

Khi có gia đình, con cái, chúng ta lại phải sống vì những cái khác nhiều hơn, chia sẻ hạnh phúc, lo toan nhiều hơn với người bạn đời, nó mở ra trang mới.

- Mềm tính hơn, viết những dòng “yếu đuối” từ cha tới con, những thứ đó tác động, rồi trở lại sân khấu có làm anh bớt quyết liệt?

- Tôi chưa kiểm chứng được đâu, cũng chưa biết được, kể cả Bjork, cô ta có gia đình thì có những sáng tạo, quyết liệt kiểu khác. Có thể khi ban đầu, có đau khổ thì tôi mới phát tiết ra những cái điên loạn trong âm nhạc. Sự điên loạn của tôi lúc này mà có thì cũng không thể như thời điểm ban đầu được.

Mà tôi cũng không muốn quay trở lại!

Tôi muốn nâng sự quyết liệt, điên loạn lên ở tính trường phái, tôi sống thực tế hơn chứ không thể tự huỷ hoại bằng những thứ mơ hồ, huyễn hoặc. Chúng ta vì sự huyễn hoặc, có thể giết chết cảm xúc chứ không thể cảm nhận đa chiều, nhân văn. Tôi cũng không thể mãi đi cày xới những giá trị mới, những mơ mộng hão huyền, thôi dành nó cho kiếp sau.

- Tự nhiên tôi thấy buồn vì âm nhạc thiếu một “người dẫn đường”?

- Ồ, không có tôi còn có nhiều người khác, còn những tin tưởng khác. Nhắc đến Peter Gabriel chẳng hạn, người ta không nghĩ anh ta hay ở điểm nào, vì anh ta hay cả một quá trình, nhân lên, thành bóng cây lớn. Nên cái việc trở thành người dẫn đầu hay không thì tôi không đặt nặng điểm đó. Chúng ta có nhiều hướng dẫn đường, chúng ta có Quốc Trung, Hà Trần, Thanh Lam, Anh Quân, Mỹ Linh…

- Anh có nghĩ mình khơi gợi được nhiều cho thế hệ đi sau?

- Giới trẻ họ tâm đắc ở chúng tôi, dù ít, dù nhiều, tôi biết, nhưng các bạn trẻ bây giờ cũng không lắng nghe mấy đâu, họ có những thứ khác khơi gợi. Tất nhiên, bây giờ tôi nghĩ không thể so sánh Beyonce với Bjork, việc của tôi là vẫn không ngừng vẽ chân dung của mình ở từng thời điểm.

Bây giờ tôi cũng phải chịu khó tập thể thao, để bước vào “tuổi già” sảng khoái, theo chân những nghệ sĩ gạo cội vẫn đang có đam mê với âm nhạc. Có những tên tuổi, mình chưa sinh ra người ta đã đi hát rồi, mà đến giờ người ta vẫn hát. Ai ngăn cản được Sting biểu diễn, vẫn hút khách. Bấy nhiêu thôi, tôi thấy có bài học cho chính mình.

160423TungDuong-4

- Tùng Dương có kỳ vọng vào cuộc gặp gỡ định mệnh như với Nguyên Lê?

- Có chứ, tôi kỳ vọng, tôi cần những người như vậy trong âm nhạc của mình. Gót chân Achilles của tôi là ông trời không cho tôi khả năng sáng tác, chơi đàn tốt. Tôi có thể tập cái đó, nhưng không thể “mạnh” lên được. Trong khi đó các bạn trẻ ngày nay họ làm tốt được nhiều thứ, đáng khen ngợi.

- Nhắc đến các nghệ sĩ, các ngôi sao trẻ, là một người theo dõi Cống Hiến, tôi hơi “sốc” với sự đối đầu của các nghệ sĩ lớn với các ngôi sao trẻ trên bảng đề cử?

- Không có gì phải “sốc”, nếu chúng ta không dành cơ hội cho các bạn trẻ, giống như tôi ngày xưa đã từng vượt qua nhiều tên tuổi gạo cội, giống như Tiên Tiên hay Sơn Tùng M-TP bây giờ thôi.

Kể cả năm nay các bạn chiếm phần lớn giải thưởng tôi cũng rất vui, âm nhạc cầm thay đổi, chúng tôi cần chấp nhận những điều đó, phải biết công nhận người khác thì mình mới tiếp tục cập nhật.

- Nói về những thứ hàn lâm, anh từng bị “ném đá” khi nói về sự “xuống cấp” của Grammy, với Taylor Swift lên ngôi?

- Đúng tôi từng bị ném đá, nhưng sau khi nghĩ lại, tôi nghĩ biết đâu họ đã mở rộng tiêu chí, bộ phận chấm giải họ đã thay đổi, hoặc mở rộng đối tượng chấm trẻ hơn. Các nghệ sĩ trẻ, như Taylor Swift trên thế giới, hay nhiều ngôi sao trẻ tại Việt Nam, họ đón lõng xu hướng nhanh hơn chúng tôi, với internet, truyền thông phát triển. Họ có thành công về bài “hit”, nhưng chúng ta vẫn luôn cần tách bạch tiêu chí về bài “hit” và chất lượng nghệ thuật, đó là cái nhìn mở rộng hơn, nhưng vẫn luôn khắt khe theo nguyên tắc mà tôi đặt ra.

Chia sẻ
Tin mới nhất