Âm Nhạc

Từ tin đồn Đông Nhi thuê fan: Vpop vốn dĩ chưa có 1 fandom thực sự nào!

Tít Trắng
Chia sẻ

Vấn đề chúng ta cần tìm lời giải không nằm ở việc Đông Nhi có thực sự thuê fan hay không bởi còn quá nhiều điều phải suy ngẫm hơn thế!

Những ngày gần đây, đoạn clip về việc Đông Nhi thuê fan đến cổ vũ tại Giọng Hát Việt 2017 đang gây ra nhiều luồng tranh cãi trong dư luận. Video này “tạo sóng” đến vậy là bởi Đông Nhi vốn được xếp vào danh sách sao hàng đầu của Vpop ở thời điểm hiện tại, với thâm niên hoạt động gần chục năm và rất nhiều thành tích đáng nể, tưởng như cô nàng sẽ chẳng bao giờ gặp phải những lùm xùm như thế này. Tạm không bàn đến việc Đông Nhi có thuê fan thật hay không, nhưng chắc chắn một điều rằng thuê fan chẳng phải là câu chuyện mới mẻ, thậm chí, khán giả Vpop có lẽ đã quá quen với “văn hoá” này: Thuê fan để lấp đầy một chương trình ca nhạc, một gameshow… và người đứng ra thuê sẽ phải trả một khoản tạm gọi là “trợ cấp” cho các fan thuê.

Vì đâu nên nỗi?

Sự thật mất lòng: Vpop chưa có một fandom nào đúng nghĩa!

Lý do đơn giản là bởi chúng ta chưa xây dựng được một nền công nghiệp âm nhạc thực sự.

Đúng như tên gọi của nó, nếu đã quy hoạch nền giải trí thành một ngành tương đương với nhiều lĩnh vực như kinh tế, du lịch… thì mọi thứ đều phải quy đổi thành dịch vụ, hay nói đơn giản hơn là tiền! Muốn nghe, tải nhạc hay đi xem show, người hâm mộ đều phải trả tiền. Đó là chưa kể hàng tá các loại hình “kiếm chác” từ sản phẩm âm nhạc và hình ảnh của người nghệ sĩ khác như bán album, đồ cổ vũ, DVD concert, vật dụng cá nhân… Một fandom đúng nghĩa luôn phải sẵn sàng tâm thế để chi tiền!

Thậm chí, có phải chi nhiều tiền cũng không tiếc!

Tất nhiên, chất lượng của những sản phẩm này cũng phải xứng đáng với số tiền mà người mua bỏ ra. Ở Kpop hay US-UK, để đạt được sự “xứng đáng” đó, bộ máy khổng lồ bao gồm nghệ sĩ + những người hoạt động trong ngành đã phải rất vất vả để gây dựng nên. Thành tích, thông số, thước đo, cách xây dựng và định vị hình ảnh cho người nghệ sĩ, tất cả đã tạo ra những giá trị nghệ thuật đích thực, khiến việc bỏ tiền túi để tiếp cận họ và sản phẩm âm nhạc của họ trở thành điều đương nhiên. Thậm chí, người hâm mộ còn cảm thấy vô cùng thỏa mãn khi có thể mua sản phẩm ủng hộ thần tượng.

Vpop rất cần hình thành nên văn hoá fandom đúng nghĩa.

Vậy mới thấy được các nghệ sĩ Vpop “khổ’’ và khán giả Vpop “sướng” như thế nào. Nếu chỉ tính riêng khoản thu nhập liên quan đến âm nhạc thì gần như không còn gì khác ngoài tiền cát xê. Vẫn cứ phải tự mình tìm tòi học hỏi, vẫn cứ phải đầu tư mạnh tay để cho ra những sản phẩm thật chất lượng nhưng nhạc thì lại phát hành online miễn phí, chưa kể đến chuyện nếu muốn ra album là cầm chắc phần lỗ vốn nên có mấy ai dám làm!

“Nghệ sĩ Việt Nam nghèo lắm” - OnlyC từng thẳng thắn chia sẻ trên trang cá nhân.

Văn hóa xài chùa, xài miễn phí đã bám rễ quá lâu, thành ra giá trị của các nghệ sĩ Vpop luôn không được đặt đúng chỗ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tính chất hoạt động của các fandom. Nếu như ở Kpop hay US-UK, fandom chính là “nguồn sống’’ theo đúng nghĩa đen thì ở Vpop, người hâm mộ hiếm khi phải chi tiền cho các hoạt động của thần tượng. Miễn phí nghe + tải nhạc, miễn phí từ vé xem show nhỏ đến show to, thậm chí cả liveshow. Có lẽ, sự ủng hộ mà các fan Vpop vẫn cho thấy từ trước đến giờ chỉ chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần. Nghệ sĩ Vpop gần như không thể “kiếm lời” từ fanclub của mình. Trường hợp ngoại lệ hiếm hoi chỉ có Mỹ Tâm - tên tuổi luôn giữ tầm ảnh hưởng số một trong nhiều năm qua và mới đây là Sơn Tùng M-TP. Tuy nhiên, số lượng DVD hay album mà 2 nghệ sĩ này tiêu thụ được cũng chẳng đáng là bao nếu so với những gì họ đã đầu tư cho sự nghiệp của mình.

Mỹ Tâm và Sơn Tùng là 2 nghệ sĩ hiếm hoi có thể “nhờ” fan, nhưng khoản thu nhập này vẫn rất hạn chế.

Và cũng chẳng thể phủ nhận, một bộ phận khán giả không nhỏ vẫn còn có tư tưởng “ban ơn” đối với các nghệ sĩ và ngành giải trí nói chung. Tức là, nếu họ click vào xem/nghe sản phẩm của một ai đó, tới xem một show ca nhạc hay sự kiện nào đó thì đó đã là “diễm phúc” rồi. Đắng lòng thay!

Fandom quốc tế “sống” ra sao?

Như đã đề cập ở trên, một fandom đúng nghĩa luôn phải sẵn sàng tâm thế để chi tiền! Hãy nhìn vào Kpop - ngành công nghiệp gần gũi và đang được nhiều sao Vpop học tập nhất.

Bắt đầu từ việc nghe và tải nhạc. Nếu như fan Việt có thể dễ dàng download miễn phí nhạc của thần tượng trong “một nốt nhạc” thì fan Hàn luôn có sẵn 8 trang nhạc số tính phí đang ”trải thảm”. Ở trang web phổ biến nhất là MelOn, để nghe và tải các ca khúc trong vòng 1 tháng, người hâm mộ phải bỏ ra từ 10.99 USD đến 29.69 USD (khoảng từ 250k đến 675k). Để có thể đến showcase ra mắt album mới của thần tượng, bạn phải chứng minh là mình đã đặt hàng. Để đến được những buổi fansign ký tặng đĩa, tất nhiên bạn phải mua (nhiều) đĩa. Để đến concert, ngoài vé vào xem thì sẽ không thể nào mà không mua lightstick cổ vũ… Và đó chỉ là những ví dụ cơ bản nhất để miêu tả ”nhịp sống” của fan Hàn. Riêng fan quốc tế mà trót lỡ lọt hố idol Hàn thì còn tốn kém hơn gấp bội vì khoảng cách địa lý. Nhưng điều vi diệu của Kpop là ở chỗ, càng chi tiền nhiều để ủng hộ idol, fan càng thấy… vui!

Mức phí các gói nghe và download nhạc trên MelOn - trang nhạc số lớn và phổ biến nhất Hàn Quốc.

Nói về mức độ chịu chơi, chịu chi của fan Kpop thì thật khó có thể kể hết. Họ có thể đặt hàng cả chục ngàn album cùng lúc, góp tiền mua biển quảng cáo, bỏ số tiền lớn vào cổng bình chọn ở các giải thưởng, hoạt động hướng đến cộng đồng… để đổi lấy niềm vui và danh tiếng cho thần tượng. Có những phi vụ chắc chắn sẽ khiến bạn nổi da gà mà gật gù, hóa ra văn hóa fandom thực sự là như vậy!

Đầu tháng 4/2017, fan EXO mua biển quảng cáo ngay tại trung tâm quảng trường Thời Đại ở New York nhân dịp kỷ niệm 5 năm debut EXO.

Fan Super Junior tại gần 50 quốc gia cùng nhau xây 2 trường học mang tên thần tượng ở tận châu Phi xa xôi nhân kỷ niệm 10 & 11 năm debut SuJu.

Fan T-ara bỏ ra hơn 50 triệu won, tương đương hơn 1 tỷ đồng để vote cho các cô gái tại 1 chương trình âm nhạc.

Sau 9 năm, cộng đồng Cassiopeia đã dốc hết sức lực và tiền bạc để giúp cho Jaejoong xuất hiện tại Golden Disk Awards lần thứ 31.

Nhưng thật may, Vpop đang chớm nở một fandom thật sự!

Nghệ sĩ nào đang có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Vpop hiện nay và liên tục viết lên những câu chuyện chưa từng có ở Vpop? Không ai khác ngoài Sơn Tùng M-TP! Mới chỉ bước sang tuổi 23, nam ca sĩ gốc Thái Bình đã có công định vị lại những khái niệm “cũ người mới ta”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc fan của anh chàng đã và đang hoạt động, ủng hộ thần tượng theo cách khác hẳn các cộng đồng fan Vpop từ trước đến nay, như những fandom quốc tế thực sự: Từ việc cày view, mua lightstick, bộ sản phẩm liên quan đến Sơn Tùng, mua album, mua vé xem concert. Thật đáng mừng vì Sơn Tùng và ekip đã biết “công nghiệp hóa” hình ảnh của mình, qua đó giúp nam ca sĩ luôn giữ được sức hút mãnh liệt, khó ai có thể đuổi kịp ở thời điểm này.

Sơn Tùng luôn xây dựng hình ảnh người nghệ sĩ chuyên nghiệp thông qua các hoạt động như fanmeeting, fansign…

Concert.

Ngay cả việc nhá hàng sản phẩm mới cũng rất bài bản.

Chính vì vậy, cách Sky ủng hộ Sơn Tùng không khác gì những fandom Kpop thứ thiệt:

Từ việc cày view…

Mua lightstick + bộ sản phẩm.

Mua album.

Hoạt động từ thiện.

Kết:

Chốt lại, nghệ sĩ Việt có thuê fan hay không - đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Và nếu điều đó là thật, chúng ta nên nhìn nhận nó như một sự bất lực đến tột cùng của ngành giải trí nước nhà thời điểm hiện tại. Hy vọng rằng với cuộc tranh đua “cày view” đang ngày một nở rộ ở các cộng đồng fan Vpop, một ngày nào đó tất cả các thước đo giá trị của người nghệ sĩ sẽ được đặt về đúng chỗ. Để nền âm nhạc Việt Nam có thêm thật nhiều ngôi sao mang sức hút thực sự và thuê fan không còn là vỏ bọc ám ảnh của sự phô trương.

Chia sẻ

Bài viết

Tít Trắng

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất