Đầu tháng 4/2021, thông tin về show âm nhạc The Heroes 2021 - Thần tượng đối thần tượng đã tạo nên một "làn sóng" mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Được nhận định là phiên bản nâng cấp về mọi mặt của The Remix từng làm mưa làm gió, The Heroes cũng nhận được kỳ vọng tương tự về một sân chơi âm nhạc đảm bảo tiêu chí cả nghe lẫn nhìn.
Đặc biệt sau vòng Chinh phục, khán giả đã có những cái nhìn khách quan và rõ ràng về định hướng âm nhạc của từng team cũng như các Master. Bên cạnh những sân khấu trình diễn đỉnh cao, The Heroes còn ghi điểm mạnh mẽ khi truyền tải những nét chấm phá đặc sắc của văn hóa Việt Nam, điển hình là Cải lương - Một trong những bộ môn nghệ thuật lâu đời của người dân Nam Bộ.
Cải lương xa lạ trong mắt người trẻ
Cần phải nói về định nghĩa Cải lương, đây là bộ môn đàn hát có xuất xứ từ những bài dân ca miền đồng bằng Sông Cửu Long và nhạc tế lễ.
Nhạc tế lễ ở đây là thể loại có nguồn gốc từ Cung đình. Ban đầu, đây chỉ là loại nhạc được dùng trong các lễ phong quan - tiến chức, ma chay, cũng tế trong phạm vi Cung đình. Cuối thế kỷ 19, nhạc tế lễ có sự song hành mật thiết với những con người khai hoang trong phong trào Cần Vương vào Nam để tìm vùng đất mới. Qua nhiều thăng trầm, nhạc tế lễ được đơn giản hóa để kết hợp với những làn điệu dân ca Nam Bộ và dần dần thoát khỏi những quy chuẩn của một thể loại chỉ từng được sử dụng trong Cung đình.
Cần phải nhấn mạnh rằng, cải lương là thể loại ca kịch mà không phải nhạc kịch. Vì những soạn giả không sáng tác ra giai điệu mà chỉ viết ra những câu hát, ca từ dựa trên bài bản có sẵn sao cho thỏa mãn được tối ưu mục đích của mình.
Nhìn lại lịch sử của nền cải lương Việt Nam, chúng ta đã từng chứng kiến sự lẫy lừng của những ngôi sao như: NS Thanh Nga, NS Bạch Tuyết, NS Ngọc Giàu, NS Minh Phụng,... Tuy nhiên, thời điểm vàng son của cải lương dường như chỉ còn đọng lại trên những cuốn băng đĩa, những sân khấu cũ kỹ được ghi hình từ mấy chục năm trước. Bởi thời điểm hiện tại, lớp nghệ sĩ lão làng của bộ môn cải lương đã dần lui về hậu trường, sự xuất hiện của lứa nghệ sĩ trẻ cũng không đủ sức vực đậy được bộ môn này.
Nhìn vào thực tế hiện nay, đối tượng phục vụ của nghệ thuật đa phần vẫn là những khán giả trẻ. Chính vì vậy, phần lớn những tác phẩm âm nhạc được yêu thích thời điểm này cũng chỉ xoay quanh nhạc trẻ, nhạc rap hay Indie. Rất hiếm những khán giả trẻ có niềm đam mê và tìm hiểu về cải lương, điều này cũng là tất yếu khi thị trường - thị hiếu luôn là thứ xoay chuyển theo từng giờ kim đồng hồ.
Đã có không ít chương trình gameshow về cải lương ra đời nhằm mục đích phổ biến thể loại này đến nhiều đối tượng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh quá lớn đến từ các show thực tế về nhạc trẻ, về rap, hài kịch đã phần nào áp đảo cải lương. Mặc dù vẫn còn tồn tại, nhưng rõ ràng cải lương chỉ phục vụ được đối tượng khán giả trung niên, trong khi ở thời điểm nghệ thuật song song với thương mại, người ta luôn đi tìm kiếm những cái mới mẻ để thu hút đại đa số bộ phận trẻ.
The Heroes lan tỏa cải lương theo cách rất riêng biệt
Ngay từ khi công bố format của The Heroes, khán giả đã luôn trong tâm thế sẵn sàng chờ đón những bản phối "căng đét" và máu lửa đến từ những nghệ sĩ trẻ và sự cố vấn chuyên môn từ các Master. Qua những tập phát sóng vừa rồi, rõ ràng The Heroes đã làm rất tốt mảng âm nhạc, đa dạng, đặc sắc và nhiều cú "twist" liên quan đến cải lương.
Nổ bật nhất những vòng thi vừa qua có lẽ phải nhắc đến team The Astro (Thanh Duy - NVM) và Anti Anti The Heroes (VP Bá Vương - TDK). Đây là 2 đọi thi được dự đoán sẽ làm nên chuyện tại chương trình năm nay bởi yếu tố năng lượng và tư duy hết sức khác biệt.
Ngay trong tập mở màn, VP Bá Vương đã "chốt cháy" sân khấu The Heroes với ca khúc Quan trọng là mình có nhau. VP Bá Vương đã khiến khán giả vỡ òa vì câu hát "Trời ơi bão táp mưa sa..." trong vở cải lương kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga đình đám trên mạng xã hội suốt những ngày qua. Rõ ràng đây là một ý đồ thông minh khi nam ca sĩ đã nắm chắc việc gây bất ngờ cho khán giả khi đưa hẳn câu hát cải lương đang rất trendy vào một tác phẩm EDM.
Càng sâu vào ca khúc, có thể thấy sự kết hợp khéo léo của VP Bá Vương khi liên tục thay đổi cách hát từ hiện đại chuyển sang đặc trưng của cải lương Nam Bộ. Nam ca sĩ trẻ cho thấy sự kiểm soát cực kỳ tốt về mặt giọng hát, điều tiết tinh thần để phù hợp với sự phát triển "nặng đô" dần dần của bản phối.
Không thể không nhắc đến TDK với bàn tay "nhiệm màu" khi đã cho ra đời một bản phối cực kỳ chất lượng. Việc sử dụng những yếu tố âm thanh đặc trưng của cải lương Nam Bộ để đưa vào bản phối EDM không còn là điều quá mới mẻ, tuy nhiên sự dàn trải hợp lý và không tham lam đã tạo nên một thành phẩm sạch sẽ, vừa vặn và bùng nổ về sau.
Sau vòng thi Chinh phục, The Astro (Thanh Duy - NVM) cũng là cái tên được nhắc đến khá nhiều với tác phẩm Tình anh bán chiếu. Nếu là một người nghe cải lương, chắc chắn bạn sẽ không quá xa lạ với tác phẩm nổi tiếng này, từng được thể hiện qua nhiều giọng ca gạo cội. Tuy nhiên, tác phẩm này chỉ là chất liệu để Thanh Duy sáng tác nên một ca khúc mới, có sự pha trộn hài hòa giữa 2 thể loại âm nhạc hoàn toàn khác biệt.
Việc Thanh Duy lựa chọn hát một thể loại không phải sở trường đã là bước đi mạo hiểm, chưa kể nam ca sĩ còn phải cài cắm xen kẽ với nhạc trẻ để không quá gò bó khán giả khi thưởng thức. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành sân khấu Tình anh bán chiếu, Thanh Duy đã chứng minh được sự lựa chọn của mình là vô cùng sáng suốt khi thỏa mãn được sự tò mò từ hội đồng chuyên môn và khán giả.
Có thể thấy được rằng Thanh Duy hát cái nào ra cái đấy. Lúc hát những phần nhạc trẻ, nam ca sĩ thể hiện rất tốt thế mạnh của mình. Nhưng khi chuyển sang verse cải lương, Thanh Duy tiếp tục cho thấy sự linh hoạt trong giọng hát khi làm tốt những đặc trưng trong thể loại này như: ngân nga, luyến láy, xuống câu,... Bên cạnh đó, NVM cũng cho thấy sự mát tay của một producer trẻ tuổi nhưng dám thử sức với thể loại khó nhằn này. Việc bố trí và dàn trải các âm tiết vừa vặn, hợp lý đã mang đến một bản phối hết sức cân bằng giữa 2 yếu tố hiện đại và truyền thống.
Ngoài ra, trong các tiết mục của Orange, Quân A.P, Uni5,... chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự xuất hiện của các âm thanh đàn sến, đàn tranh, đàn nhị, sáo,... đây đều là những nhạc cụ được sử dụng rất nhiều trong đờn ca tài tử nói chung và cải lương nói riêng. Sau các tập phát sóng, có thể nhìn thấy rõ ràng các nghệ sĩ đã và đang làm rất tốt công việc khai thác nguồn tài nguyên đặc sắc trong văn hoá dân tộc.
Tạm kết
Có thể nhìn nhận rằng, The Heroes dù không truyền tải một cách nguyên bản những đặc trưng của cải lương, nhưng ít nhiều chương trình đã và đang đưa văn hóa này đến gần hơn một bộ phận lớn khán giả trẻ. Sau những sân khấu của Thanh Duy, VP Bá Vương,... không khó để tìm ra sự thích thú của khán giả trẻ về sự kết hợp độc đáo giữa cải lương và EDM. Bằng chứng là trên các diễn đàn mạng xã hội, người ta vẫn không ngừng bàn tán về những tác phẩm tưởng vô lý hoa ra lại hợp lý không tưởng.
Dẫu biết sẽ rất khó để vực dậy sự thịnh vượng của bộ môn cải lương, nhưng The Heroes đã là một cánh cửa mới mẻ đưa khán giả trẻ tiếp cận với thể loại này theo một cách rất riêng biệt, vừa đảm bảo tính trendy nhưng không thiếu đi giá trị truyền thống. Đó không chỉ đơn thuần là âm nhạc, là bản phối mà còn là một hành trình đầy cảm hứng được viết nên bởi những nghệ sĩ trẻ với tư duy âm nhạc vừa hội nhập vừa vừa phát huy giá trị văn hóa dân tộc đáng tự hào.
Chúng tôi chân thành gửi lời cảm ơn đến đơn vị tài trợ chính “Samsung Galaxy A52 | A72 - Tiên phong công nghệ Camera Chống Rung Quang Học OIS" đã đồng hành cùng chương trình The Heroes 2021 - Thần tượng đối thần tượng.
The Heroes - Thần tượng đối thần tượng 2021 phát sóng lúc 21h15 Chủ nhật hàng tuần trên VTV3 từ ngày 23/5. Mọi thông tin về chương trình được cập nhật tại Tạp chí điện tử SAOstar - Fanpage The Heroes - Thần tượng đối thần tượng và kênh YouTube Viva Network.