- Nói về sự nghiệp Trần Huân, tôi nghĩ ngay đến bài Họa mi tóc nâu. Anh có muốn câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ bài hit này hay một sản phẩm nào khác trước đó nữa?
Trước đó thì tôi cũng có viết những bài nhạc trẻ như: Chia tay, Yêu, Giọt tình,… cũng nhiều ca sĩ hát. Nhưng tất nhiên, điển hình vẫn là Họa mi tóc nâu. Bài này nhiều kỷ niệm lắm. Thời điểm đó Mỹ Tâm, Hiền Thục, Thanh Thảo học lớp trung cấp. Tôi thì học lớp đại học. Trong một buổi giao lưu với trường khác thì nhạc viện cử lớp sáng tác và lớp thanh nhạc đi biểu diễn.
Lúc ấy, các bạn trường khác hát nhạc Dương Thụ, Bảo Chấn,… thì được hưởng ứng rất nhiều. Các em trường mình thì không được thế. Thời điểm đó nhạc viện tập trung nhiều vào kỹ thuật mà không định hướng cho các em tiếp cận sự trẻ trung, tươi mới. Sau đó, tôi nghĩ đến việc tại sao không có bài hát dành cho những đứa em trong trường? Họa mi tóc nâu cũng ra đời vào khoảng thời gian đó. Tôi còn nhớ là mình gửi bài cho Vafaco và Mỹ Tâm lên thu âm rồi phát hành.
- Vậy là anh vẫn chưa biết ai sẽ hát Họa mi tóc nâu khi vừa hoàn thành việc sáng tác?
Không. Chính xác là tôi viết cho Mỹ Tâm.
- Tại sao lại là Mỹ Tâm chứ không phải bất kỳ người em nào trong trường thời điểm đó?
Tôi mang trong mình trách nhiệm của một người anh. Lúc đấy, bé Tâm cũng hoạt động tích cực và hòa đồng. Thời điểm đó, không có demo cũng không có điện thoại. Tôi gửi một văn bản lên và Tâm tới thu. Nhớ chính xác là anh Quốc Hưng làm nhạc cho bản thu đầu tiên. Sau đó là anh Khoa phối lại bên Rạng Đông.
- Anh có nghĩ bài hát sẽ nổi tiếng sau khi trình làng hay vẫn chỉ mang tâm tư người anh tặng món quà nhỏ cho em gái?
Với tôi đó là hữu duyên. Tôi còn viết nhiều bài khác, rất thích nhưng không hiểu sao bài này được đón nhận nhiều hơn. Với nhạc sĩ, mình không nói trước được về sản phẩm của bản thân, nên khiêm nhường một chút. Cứ viết nhạc theo tư duy còn lại đón nhận hay không là việc của khán giả.
- Anh vừa nói bản thân phải khiêm nhường một chút nên tôi đoán trước được câu trả lời cho câu hỏi tiếp theo. Nhưng vẫn muốn Trần Huân thẳng thắn đánh giá, thành công của Họa mi tóc nâu thời điểm đó cũng như việc ca khúc “sống” tới tận bây giờ là đến từ Mỹ Tâm hay điều gì khác?
Nói là do ca sĩ thì cũng đúng. Nhưng tôi muốn để bỏ ngỏ, khi bạn hỏi ngược lại Mỹ Tâm và để cô ấy trả lời. Còn tôi nghĩ đó là cộng hưởng từ người phối, người thu âm chứ không chỉ riêng tác giả hay ca sĩ. Tôi biết ơn những người xung quanh cùng làm nên 1 sản phẩm.
- Hiện tại, các nhạc sĩ có chỗ đứng và được ưu ái rất nhiều. Nhưng thời điểm của anh thì điều đó chỉ nhen nhóm thậm chí mơ hồ vô cùng. Nhạc sĩ đứng sau và đứng rất xa với hào quang của ca sĩ. Anh có cảm thấy điều đó không?
(Cười) Nhiều người cũng thấy tôi có bài hay, được yêu thích mà sao cuộc sống cứ mãi đơn sơ còn nghệ sĩ thì lại ngày càng “lấp lánh”. Nhưng tôi không nghĩ nhiều, tôi chọn con đường độc lập. Không thị phi, đố kị, ghét bỏ hay cần một ai phải có trách nhiệm với chính mình. Không bao giờ đặt ra câu hỏi: “Tại sao cô ấy như thế mà tôi thế này…?”. Đó là quyền của họ và mình không áp đặt. Làm nghệ thuật nên luôn lành mạnh thì mới đi được xa.
- Có thể đó là suy nghĩ của anh hiện tại, nhưng ở thời điểm nhiều năm trước lúc mới vào nghề mà không có bất cứ lăn tăn, trăn trở gì về thiệt hơn thì nói thật tôi không tin.
Bạn có quyền không tin (cười). Tôi cũng có những lúc lẻ loi, mọi người biết Họa mi tóc nâu nổi tiếng của Mỹ Tâm chứ chẳng biết Trần Huân là ai, mặt mũi ra sao? Tôi buộc phải đi tiếp nếu muốn nhanh chóng bỏ qua sự mặc cảm. Đi thật bình thản, nhẹ nhàng và không cần ai biết. Giai đoạn đó cũng có nỗi buồn chứ? Nhưng phải ngả mình, nhẹ nhàng cho qua.
- Nói về việc tôn vinh nhạc sĩ thời điểm cả thập kỷ trước là ít nhưng không phải không có. Làn sóng xanh cũng từng làm hẳn 1 sân khấu dành riêng cho những cái tên nhạc sĩ tiêu biểu như: Trần Huân, Lê Quang, Tường Văn, Quốc An,… Hiện nay các anh còn kết nối với nhau hay không?
Cảm ơn bạn đã nhắc về kỷ niệm rất đẹp này. Lúc đấy phải liều lắm mới dám lên sân khấu đứng hát. Thời gian trôi qua rồi ai cũng có cuộc sống, công việc riêng. Tuy nhiên, có dịp thì vẫn gặp mặt cafe hàn huyên. Không thể tập hợp được hết tất cả nhưng mỗi lần gặp đều mừng lắm, kể chẳng hết chuyện,…
Trần Huân, các nhạc sĩ và Mỹ Tâm cùng biểu diễn tại Làn sóng xanh 2003.
- Có những kỷ niệm rất đẹp thời điểm gắn bó với nhạc trẻ như thế, tại sao lại có quyết định dừng lại và chuyển hướng nhỉ?
Đến một lúc nào đó, tôi nhìn nhận ra khi mình chọn con đường độc lập thì cũng là lúc tư duy khác đi. Dòng nhạc du ca tôi chọn khiến bản thân trăn trở nhiều hơn nhưng cũng yêu thương dân tộc nhiều hơn. Đi đây đi đó và thấy tất cả cuộc sống trên dọc miền tổ quốc. Không gì bằng công bằng nhân ái.
Tôi là người thích đi. Đi một mình. Tới đâu cũng bắt đầu câu chuyện bằng tìm 1 anh xe ôm, kiếm vài ly rượu làm quen. Ở chán rồi đi chỗ khác. Hết tiền rồi về. Có người thắc mắc “Sao ông này lạ vậy, tiền đâu đi suốt?“. Nhưng đó là cách chọn cuộc sống của mỗi người. Có người lựa chọn kiếm tiền, xây nhà, an cư lập nghiệp. Trần Huân là phải đi. Vốn liếng là âm nhạc nên những chuyến đi mới khiến tôi xây vững chắc gia tài của mình. Cũng là xây đó (cười). Đến khi nhắm mắt chẳng mang theo được cái gì đâu. Nên tôi làm việc theo sở thích.
- Anh có thấy mình đang chiều chuộng cảm xúc khi quay lại với đám đông?
Nhiều người chờ đón mình có đi tiếp hay không nhưng cũng có người quên Trần Huân viết nhạc trẻ lâu rồi. Điều đó cũng không buồn. Nếu quý vị có nhã hứng thưởng thức nhạc du ca thì hãy nghe thử và cho tôi đánh giá: nó có kỳ cục hay không, có dở hay không? Với tôi, nói nhiều thì lại thành khó hiểu. Cứ nghĩ đơn giản, du ca là viết về tình yêu với quê hương, con người,… Mỗi chuyến đi đều để lại những câu chuyện và tôi viết lại nó bằng âm nhạc. Du ca không hẳn là vui, có khi cũng là tủi hờn, thương những thân phận khốn khó trong cuộc sống này.
- Như tôi là một khán giả thuộc về đám đông đó, Trần Huân muốn tôi nghe ca khúc gì để dễ dàng cảm nhận được thể loại nhạc anh đang theo đuổi?
Mọi người nghe bài Lời mẹ dặn, rồi Đi qua để biết du ca là thế nào. Nhiều người nghĩ du ca khó và kỳ cục nhưng xin hãy cứ mở lòng với nó.
Ca khúc Lời mẹ dặn
- Phải lên xe, đi tới những con đường mới, thăm thú những nơi xa lạ dọc miền đất nước, nay đây mai đó… Những điều này có ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình của anh không?
Nếu tôi có gia đình thì sẽ không dám làm điều này đâu, người ta bỏ mình mất (cười). Cái gì cũng vậy, phải tranh thủ. Tới lúc có gia đình thì sẽ tập trung lo cho mái ấm nhỏ. Chứ không thể tiếp tục ngao du, như thế là không công bằng. Còn khi nào tới thì chưa biết.
- Nhưng cứ đi như vậy thì làm sao mà “tới” được?
Không. Phải đi thì mới tới chứ (cười).
- Nay đây mai đó như vậy, hiện tại nhà của anh là ở đâu?
Tôi không có nhà. Chỉ có nhà của mẹ là ở quê Vũng Tàu. Còn tôi ở Sài Gòn hơn 20 năm đều ở nhà trọ. Tiền làm ra tôi dành cho những chuyến đi. Có tiền là lên xe. Hết tiền thì về. Đi như tôi không tốn kém đâu. 1 triệu có mà mấy trăm ngàn cũng đi được. Như vậy mà vui.
Chia sẻ là tôi có tích góp tiền để có được 1 giàn âm thanh nhỏ làm nhạc. Cũng giúp kiếm thêm được chi phí cho những chuyến đi. Ai cần gửi bài thì tôi làm. Có người thấy không có tiền, tôi làm miễn phí. Tôi không phải người chọn kinh tế để tồn tại. Giúp đỡ người rồi tới lúc khó khăn thì họ bên mình.
Với tôi, giúp ích, làm việc vì cộng đồng rất quan trọng. Ngoài sáng tác, tôi còn đi hát cho cộng đồng. Tới quán xá ôm cây đàn hát: 100 ngàn có; 200 ngàn cũng có; quán vắng khách thì tôi nói khỏi trả tiền. Cát sê của nhạc sĩ “bèo” gấp 1000 lần ca sĩ. Người ta trả tiền là may, không trả thì cũng phải tự nghĩ là mình đã truyền tải được âm nhạc tới người nghe.
- Nghe anh kể mà giống một câu chuyện đi ngược. Những nghệ sĩ nổi tiếng hay ngồi lại hồi ức về khoảng thời gian khó khăn: ở trọ, chạy xe honda đi diễn hay cát-sê bắt đầu từ vài trăm ngàn,… Còn bây giờ, nhạc sĩ từng viết nên bản hit lớn cho 1 nữ nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, đang ngồi đây và kể về những show “thì hiện tại” 100 ngàn cũng hát,… Anh có cảm thấy cuộc đời quá bạc bẽo với nghề quá không?
Nói sâu quá thì cứ “đụng” vào cái buồn hoài. Thôi đó là cái nghiệp. Mình ôm đàn, người ta trả tiền là may. Làm cái gì cũng nên hy sinh. Còn hy sinh rồi và đạt được kế hoạch hay không thì không còn quan trọng.
- Sự hy sinh đấy bao lâu là đủ?
Tôi cũng chẳng biết nữa. Tôi làm bao nhiêu năm nay rồi đấy. Ôm đàn hát ở biết bao quán cafe. Có khi kêu gọi người thân tới nghe ủng hộ rồi giải thích về dòng nhạc này. Cho hát thì hát, không thì đuổi xuống lại… “tòn tòn” đi về.
- Chấp nhận một sự thật là khi không còn quan trọng kinh tế, chỉ tập trung vun đắp tinh thần thì sự “bạc bẽo” là điều buộc phải nhận lại. Theo anh, nghề viết nhạc ắt sẽ có kết cục như thế hay sự lựa chọn của Trần Huân khiến mọi thứ trở nên như vậy?
Tác động từ cả 2 đó. Nhưng vẫn là chữ nghiệp. Giờ tôi không viết nhạc thì tôi còn buồn ghê gớm hơn. Phải viết ra nhạc mới giải tỏa được buồn bực, thảm sầu trong người.
- Nhạc sĩ bây giờ nhiều khi chẳng cần đi đâu. Ngồi một chỗ với phương tiện máy móc tân thời là có thể ra được những bản nhạc với độ lan tỏa cao. Họ kiếm được nhiều tiền, tạo dựng tên tuổi và lại tiếp tục sản xuất bài mới. Trần Huân thì ngược lại, không có khái niệm “đặt hàng”, lựa chọn dòng nhạc không phải số đông,… Nếu quay lại 10 năm trước, anh có tiếp tục rong ruổi trên con đường này?
Có người hỏi tôi kiếp sau cho anh Huân làm nhạc sĩ thì anh thấy sao? Nói thật, đúng là nhạc sĩ mà theo cách tôi sống thì thiệt thòi lắm. Tôi nghĩ đây là sứ mệnh thì mới làm tiếp thôi. Nhưng có kiếp sau, thì làm nhạc sĩ vui mà, hạnh phúc mà. Khác nhau là định nghĩa về “gia tài”. Có người là phải xây nhà cao cửa rộng, với tôi gia tài là âm nhạc.
Mà Trần Huân là thế rồi. Thời viết nhạc trẻ cũng khổ cực vô cùng. Đạp xe đạp để lấy phí bài hát 300 ngàn thôi mà ca sĩ chỉ qua quản lý; quản lý lại đẩy qua hãng đĩa,… Nhiều lần cả tháng trời mới lấy tiền được 1 bài hát.
- Anh có nghe những bài nhạc mà khán giả trẻ đang “tung hô” hiện nay?
Tôi xin lỗi. Lâu lắm rồi tôi không nghe. Tại vì nhà cũng không có Ti vi và cũng không tự tìm hiểu. Tôi biết các bạn trẻ đang viết gì, suy nghĩ gì,… Đi cafe cũng có nghe những bài hát đang thịnh hành. Có bài khá tốt nhưng có những bài thì tôi đánh giá khả năng của các bạn chỉ tới được mức đó thôi, không đi tiếp được. Các bạn không có “sách” trong người, không có vốn liếng thì rất nguy hiểm.
- Gần đây, Mỹ Tâm cũng vừa phát hành CD thứ 9 trong sự nghiệp của cô ấy. Anh có biết về sản phẩm này không?
Tôi không biết. Nhưng chúc mừng Mỹ Tâm vì làm ra sản phẩm và được đón nhận và có kinh phí phát hành tiếp. Nhạc của tôi mang tính cộng đồng nên phải chấp nhận. Có người mua là “mừng muốn chết”.
- Anh có vạch ra trong 5 năm tới mình sẽ thế nào không?
Tôi luôn có kế hoạch và không bao giờ làm việc ngẫu hứng. Như thế dễ dẫn tới làm việc không logic, không phát triển được dòng nhạc của mình. Mong muốn của tôi là phổ biến được du ca tới nhiều người nghe hơn. Để có được điều đó là lại phải xách đàn lên và đi tìm những đám đông để hát thôi.
- Cảm ơn anh vì buổi trò chuyện thú vị này. Mong anh luôn khỏe và có những ca khúc hay làm đẹp thêm cuộc đời.