Khi điểm lại những hiện tượng đột phá của làng nhạc Việt năm 2015, ngoài những ca khúc tình yêu thường thấy như Vợ người ta, Chưa bao giờ, My Everything… thì Thật bất ngờ, một bài hát đậm tính xã hội cũng là tác phẩm tạo được nhiều sự chú ý.
Thật bất ngờ gây… bất ngờ bởi nó được sáng tác bởi một người trẻ nhưng vẫn đầy tính chiêm nghiệm và châm biếm về thời cuộc. Sự hòa quyện giữa chất nhạc vui tươi, tưng tửng cùng ca từ xoáy sâu vào các khía cạnh xã hội đã không chỉ giúp ca khúc được khán giả trẻ ưa chuộng mà còn là tiền đề để ca sĩ Trúc Nhân cùng êkíp tạo ra một trong những MV ấn tượng nhất năm 2015.
“Mảnh đất màu mỡ” còn ít người khai phá
Ca, nhạc sĩ trẻ Mew Amazing trước đó cũng là người từng sáng tác ca khúc mang chất xã hội Bác làm vườn và con chim sâu từng “gây bão” một thời. Với tuổi đời còn khá trẻ, sự quan tâm của anh dành cho các đề tài xã hội đã khiến nhiều nhà chuyên môn, phê bình ngạc nhiên, và qua đó cũng có một dự cảm tốt đẹp hơn về một nền nhạc Việt đang khởi sắc, chuyển hướng dần sang các đề tài xã hội thay vì cứ chìm đắm trong những bản nhạc não tình.
Kỳ thực, dòng nhạc xã hội đã bắt đầu len lỏi trong đời sống của giới trẻ Việt Nam từ khá lâu nhưng chưa nhận được sự chú ý xứng đáng. Một trong những đại diện tiêu biểu của dòng nhạc này chính là Lê Cát Trọng Lý, cô gái với giọng hát trong veo cùng những bài hát với ca từ và giai điệu phảng phất “chất Trịnh Công Sơn”. Trong năm qua, Lý phát hành album Những kẻ mộng mơ (The Dreamer) với nhiều ca khúc về đề tài xã hội rất ấn tượng. Nổi bật trong số đó là các ca khúc như Này Lâm ơi (viết về những khu rừng), Nghe tôi kể này, Nghèo…
Một trong những gương mặt khác cũng viết nhạc về đề tài xã hội rất đáng chú ý và dần tạo được thành công nhất định chính là Tăng Nhật Tuệ. Vốn có kiến thức âm nhạc rộng cùng quãng thời gian từng trải, Tăng Nhật Tuệ đặc biệt chứng minh được tài năng với công chúng khi ra mắt các ca khúc như Muốn khóc thật to, Con vẫn chưa lớn và nhất là Điều ước duy nhất, một tác phẩm hiếm hoi ở Việt Nam mang góc nhìn hiện đại và chân thực về chiến tranh. Đó là những tác phẩm gần đây, còn ngược thời gian trước đó, người ta cũng thấy Tăng Nhật Tuệ từng rất ưu ái cho những bản nhạc thể hiện cái tôi cá nhân và đặt ra những câu hỏi về nhân sinh quan cuộc sống rất đắt giá. Chính sự theo đuổi bền bỉ ở dòng nhạc này đã giúp Tăng Nhật Tuệ có được chất riêng trong lòng khán giả, khó lòng có thể nhầm lẫn với ai khác được.
Sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới
Không chỉ có những nghệ sĩ trẻ chuyên viết nhạc xã hội quan tâm đến chủ đề này, năm 2015 cũng chứng kiến nhiều cuộc thử nghiệm của nhiều gương mặt khác. Ví dụ, Tiên Tiên sau một loạt những bài hát về tình yêu như My Everything, Say You Do… đã cho ra mắt một ca khúc mới là Vì tôi còn sống.
Xét chi tiết, Vì tôi còn sống chưa hẳn là một tác phẩm mang đậm đề tài xã hội nhưng nó đã bắt đầu giúp Tiên Tiên tiệm cận với dòng nhạc này. Từ bỏ những cảm xúc yêu đương giận hờn quen thuộc, Vì tôi còn sống xoay quanh cái tôi của chính bản thân người nghệ sĩ và những trăn trở của họ giữa cuộc đời, chính chủ đề này cũng là một khía cạnh rất “xã hội” mà nhiều ca sĩ trẻ cần quan tâm hơn.
Một gương mặt khác cũng rất đình đám trong năm 2015 là Phan Mạnh Quỳnh. Anh nổi tiếng với bản hit Vợ người ta với ca từ có phần hơi quê mùa, bình dân. Dù vậy, những ai từng theo dõi quá trình làm nghề của Phan Mạnh Quỳnh sẽ phát hiện anh từng thể hiện và sáng tác một vài bản nhạc xã hội rất thành công. Nước ngoài là một bài hát về chủ đề người tha phương đi kiếm sống cũng thu hút khá nhiều lượt nghe trên các trang âm nhạc trực tuyến.
Bên cạnh đó còn có ca khúc tự sự về nỗi cô đơn Giáng sinh không nhà, bài hát về sự mất mát Bước qua thế giới… Cái hay của Phan Mạnh Quỳnh chính là kết hợp được một cách khéo léo giữa chất nhạc độc đáo, hiện đại của mình với những chủ đề rất đa dạng về đời sống, vừa tạo ra sự gai góc trong hình tượng bản thân vừa xây dựng được hình ảnh một nghệ sĩ chững chạc, hiểu chuyện hơn thay vì chỉ chăm chắm hát về đề tài tình yêu.
Một số cái tên khác như Phan Lê Ái Phương (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), Trung Quân Idol (Ta về đâu, Có thật không tôi), Hamlet Trương (phim ngắn ca nhạc Trên tường nhà dưỡng lão)… cũng đã góp phần vẽ nên những mảng màu mới về đề tài xã hội cho làng nhạc Việt trong năm qua.
Với những thành công của họ cũng như các tên tuổi kể trên, xu hướng khai thác đề tài này hứa hẹn sẽ tiếp tục được gia tăng trong vài năm tới, thậm chí có thể ngang bằng hoặc lấn át những bản nhạc về tình yêu. Đơn giản thôi, khi khán giả đã quá nhàm chán với những câu hát hay các MV về chuyện chia tay, thất tình, nhớ người yêu cũ… thì các nghệ sĩ buộc phải làm mới mình và mở rộng những chân trời khác hơn để tránh việc bị một màu trong mắt công chúng. Và khi đó, đề tài xã hội chính là chiếc phao cứu sinh giúp họ giữ vững vị trí của mình trong làng nhạc.