Trong vòng hơn 2 năm, showbiz Việt Nam gánh chịu gần 10 “trận cuồng phong” của các cộng đồng fan Kpop tại Việt Nam lên chính những nghệ sĩ nước nhà. Lí do mỗi lần mỗi khác, có những người đáng bị lên án nhưng cũng có những người không đáng phải gánh chịu những “gạch đá” mà to còn hơn cả những scandal liên quan đến đạo đức hay luật pháp. Mẫu số chung là tất cả các nghệ sĩ Việt Nam đều hốt hoảng mà lên tiếng xin lỗi ngay sau đó. Tất cả đều xin lỗi bất kể họ có lỗi hay không. Mục đích là để cho các cộng đồng fan Kpop kia “hạ hoả”. Lí do nào nên nỗi cho cái hoàn cảnh éo le này?
Cách đây đúng 5 năm, làn sóng Hallyu phát triển lên đến mức thịnh vượng nhất tại Việt Nam và những show diễn lớn của họ bắt đầu được tổ chức cả 2 đầu cầu Hà Nội và Tp.HCM. Hàng loạt những thần tượng Hàn Quốc bình thường chỉ thấy trên poster báo bỗng dưng ào ào có mặt tại các sân bay Việt Nam. Fan Kpop tại Việt Nam bắt đầu ghi đậm dấu ấn từ đó. Và dấu ấn đó để lại không mấy tốt đẹp với những người lớn ở đất nước này: hình ảnh kêu gào, khóc lóc xuất hiện khắp mọi nơi có dấu chân của sao Hàn. Báo chí bắt đầu hình thành cụm từ “fan cuồng Kpop” đầy tiêu cực cho tất cả những giọt nước mắt hay thái độ quá khích kia. Những bài học đạo đức được đem ra dạy hết tất cả những đứa trẻ lần đầu tiên biết yêu thương ai đó một cách quá mức bên cạnh những người thân trong gia đình mình.
Bức ảnh chàng trai fan Việt của T-ara khóc lóc ngoài sân bay khi lần đầu tiên thấy được các cô gái vào năm 2012 là đỉnh điểm của làn sóng “anti fan Kpop” của truyền thông và một nhóm những khán giả, nghệ sĩ khó tính Việt Nam. Sự kiện này ảnh hưởng mạnh đến mức đa số các fan Kpop lúc đó tại Việt Nam đều thu mình lại trước sự tấn công quá dữ dội của cái nhìn kì thị cực kì lớn đang lan ra mạnh mẽ trong xã hội.
Họ vẫn yêu thương những thần tượng Hàn Quốc nhưng họ ngại nói ra điều này. Sự kì thị khắc nghiệt đến mức chỉ cần thấy 1 bức ảnh fan khóc vì thấy sao Hàn thì có nghĩa là bạn ấy coi thần tượng hơn cha mẹ (?!) Rất nhiều câu chuyện được thêu dệt để nhắm vào những đứa trẻ với tình yêu đơn thuần dành cho thần tượng. Những đứa trẻ ngơ ngác và mất phương hướng. Tại sao bạn bè tôi được khen có gout thưởng thức khi nghe nhạc Mỹ, nhạc Anh hay thậm chí là nhạc Việt nhưng tôi lại giấu diếm việc mình là người hâm mộ của nhạc Hàn - thứ âm nhạc mà cả Châu Á học hỏi nhưng ở Việt Nam thời điểm đó không có giá trị.
Ở trên là câu chuyện quá khứ. Vị thế của Kpop và công nghệ giải trí Hàn Quốc hiện nay tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Lí do dẫn đến việc đổi chiều này từ sự nhận thức của một bộ phận khán giả trẻ văn minh đang ngày càng lớn lên, giới chuyên môn bắt đầu làm việc trực tiếp với các công ty Hàn Quốc ngày càng nhiều và hơn hết, thị trường Việt Nam chính thức là một trong những thị trường mà Hallyu muốn đánh mạnh nhất tại Châu Á. Tất cả những điều này làm gia tăng “quyền lực” cho cộng đồng các fan Kpop tại Việt Nam. Sự phát triển của mạng xã hội cũng là “đôi cánh” cho cộng đồng này khuếch trương tiếng nói của mình. Fanpage của những nhóm nhạc hàng đầu Kpop tại Việt Nam thậm chí có khi còn đông đảo và hoạt động rầm rộ hơn cả nghệ sĩ Việt.
Và tất nhiên, khi ai đang ở thế thượng phong, họ có khả năng tạo nên những tác động. Những cơn bão “gạch đá” ném vào sao Việt trong những lần sao Hàn ghé biểu diễn tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho cơn “phẫn nộ đáp trả” mà trong đó bao gồm cả những sự nhẫn nhịn trong quá khứ giờ mới được thể hiện ra. Nếu như ngày xưa, fan Kpop là bộ phận không tự tin thì giờ đây ngược lại sao Việt chính là những người hốt hoảng mỗi khi lỡ “đụng” phải cộng đồng khổng lồ này.
Từ những gương mặt trẻ có ảnh hưởng tương đối như Ngọc Trinh, Midu, Trung Quân Idol, Kelbin, Phở Đặc Biệt cho đến ngôi sao hàng đầu như Noo Phước Thịnh, Dương Khắc Linh đều bị ném đá tơi bời vì những phát ngôn vô tình hay cố ý đụng chạm đến sao Kpop. Sự kiện mới đây của Dương Khắc Linh và Rocker Nguyễn bị fan của Jessica - cựu thành viên SNSD “đưa lên bàn đá” như một nút ấn báo động cho mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa các sao Việt và cộng đồng fan Kpop này. Bài viết này không phân tích những phát ngôn của Sao Việt là phù hợp hay không phù hợp vì đó là một câu chuyện cảm tính và chủ quan mà mỗi phía sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Khi mối quan hệ của hai phía bị đẩy lên mức căng thẳng đến kịch tính thì nên có một biện pháp để xử lí cho thật hài hòa.
Fan Kpop mang tâm lí thần tượng mình là những vị thần hoàn hảo, không thể động chạm được kể cả là nhận xét đánh giá cá nhân của người khác cũng không… được phép. Đây là suy nghĩ chưa văn minh và khi tất cả những “tảng đá” của các bạn ném vào sao Việt là những lời chửi rủa, thóa mạ hay còn lôi cả gia đình các sao ra thì đó là điểm tới hạn. Việc này đang thực sự diễn ra với các sao Việt qua những sự vụ vừa qua.
Chúng ta có bộ mặt của làng giải trí Việt Nam và những ngôi sao đại diện. Hãy nhớ, khi sao Hàn tiến vào các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc hay kể cả Thái Lan, họ đều dành những hành động rất dễ thương theo kiểu “lấy lòng” truyền thông hay người hâm mộ sở tại. Ở Việt Nam cũng vậy, khi mà làn sóng Hallyu đang ngày càng rầm rộ và sao Hàn tham gia các hoạt động biểu diễn mang tính thương mại tại Sài Gòn và Hà Nội như ca sĩ Việt đi event thường kỳ thì có nghĩa là họ đang có quyền lợi tại Việt Nam chứ không phải hành động giao lưu văn hóa nào cả. Làm gì có chuyện bạn đến một đất nước kiếm tiền và được đối xử đặc biệt đến mức bất khả xâm phạm hay ngôi sao của đất nước họ lại phải khép nép hay sợ sệt xin lỗi như phạm một sai lầm nghiêm trọng. Điều này mới đúng là bộ mặt quốc gia. Tại Nhật Bản và Trung Quốc, vẫn tồn tại song song hệ thống hâm mộ cuồng nhiệt Kpop và bộ phận tẩy chay thực sự làn sóng này nhằm giúp cân bằng làng giải trí. Những tour diễn của sao Hàn bị hoãn hoặc hủy hàng loạt tại Trung Quốc là một trong những biện pháp mạnh tay mà cơ quan quản lý văn hóa nước này đưa ra. Nói vậy để thấy, không gian hoạt động của làn sóng Hallyu tại Việt Nam vẫn đang rất thoải mái và không chịu nhiều sự chèn ép như các fan Kpop vẫn nghĩ.
Ngược lại, văn hóa ứng xử của sao Việt cũng là vấn đề đáng nói mỗi khi có các sự kiện Kpop tại Việt Nam. Lời nói của một cá nhân không nổi tiếng về một cá nhân không nổi tiếng đôi khi còn tạo ra các tranh cãi. Huống hồ, sao Việt là những người có sức ảnh hưởng lại không ý thức được lời nói của mình vô tình hay cố ý tổn thương đến thần tượng của một cộng đồng khác biệt. Đặc biệt, cộng đồng fan Kpop lại đầy những tâm hồn dễ bị tổn thương vì những sự kì thị trong quá khứ còn quá rõ rệt. Điều này không quá khó đối với những ngôi sao văn minh nhưng dường như lại quá khó đối với một bộ phận các “hot face” mới nổi, thích đôi co với cộng đồng mạng. Những điều này đôi khi sẽ phản ảnh được “đẳng cấp” của bản thân từng ngôi sao trong mắt người hâm mộ nói chung chứ chưa kể là cộng đồng fan Kpop.