NSND Thái Bảo được đánh giá là một trong những nghệ sỹ hát thành công nhất những ca khúc về Bác Hồ. Đặc biệt, bài hát Thăm bến Nhà Rồng (Trần Hoàn) gần như “đóng đinh” tiếng hát Thái Bảo. Nhân dịp sinh nhật Bác, Saostar đã có cuộc trò chuyện với NSND Thái Bảo xoay quanh những ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chị còn nhớ thời theo ba lên Bảo tàng Kim Liên, tiếp xúc với những hình ảnh, kỷ vật về Bác Hồ không?
Tôi rất may mắn khi sinh ra ở thành phố Vinh, Nghệ An trong một gia đình trí thức. Ba tôi làm giám đốc Bảo tàng Kim Liên, mẹ tôi làm việc ở thư viện Vinh, nơi làm việc của hai ông bà cách nhau 18 km. Cứ đến chiều thứ 7, mẹ tôi đưa tôi lên thăm ba, tại đây, tôi được nghe và ngắm nhìn những kỷ vật về Bác Hồ, từ cái võng, cái phản, cái bếp cho đến cây ổi trước nhà, tất thảy những thứ đó bảo tàng đều ghi “không sờ vào hiện vật”. Nhưng tôi “cậy” ba làm giám đốc, cho nên những kỷ vật của Bác tôi đều sờ vào, tuy nhiên, tôi sờ kiểu vụng trộm thôi, chứ không dám cho ai nhìn thấy (cười).
Thuở đó, tôi chưa hình dung Bác Hồ là người như thế nào cả, tôi chỉ thấy ai cũng nhắc đến Bác, cũng yêu quý và kính trọng Bác. Tôi luôn hỏi ba rằng: “Ba ơi ba! Bác Hồ là người như thế nào mà sao con thấy ai cũng yêu Bác, thương bác, kính trọng Bác”. Lúc đó, ba tôi mới kể những mẩu chuyện nhỏ về Bác, nghe những câu chuyện ấy tôi thấy rằng, Bác thật sự là một người vĩ đại.
Bên cạnh đó, tôi còn được nghe những câu chuyện về lịch sử của Bác thông qua các cô thuyết minh mỗi khi có đoàn khách Chính phủ hay khách nước ngoài đến. Năm 11 tuổi, tôi phải xa quê hương để ra Hà Nội học nhạc, cho nên những hình ảnh đấy đến bây giờ vẫn còn in dấu sâu đậm trong tôi.
- Phải chăng những điều này là cơ duyên đưa chị đến với các ca khúc về Bác Hồ?
Tôi rất thích những mẩu chuyện về Bác Hồ. Có lần ba tôi kể, Bác Hồ đi sang Paris ngồi trên tàu lạnh quá, Bác phải lấy viên gạch bọc báo áp vào lưng cho ấm… Những mẩu chuyện nhỏ như vậy nhưng lại ám ảnh tôi, lúc đó tôi “thần tượng” Bác lắm - phải dùng từ “thần tượng” mới được (cười lớn).
Khi tôi biết hát, tôi rất thích bài Trông cây lại nhớ đến Người của NSND Thanh Huyền, bài hát đó cứ văng vẳng tai tôi, bởi vì ở Bảo tàng Kim Liên ngày nào cũng mở. Đây là bài hát đầu tiên tôi thích, còn bài đầu tiên tôi hát là bài Vào lăng viếng Bác của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
- Nhưng nhiều người cho rằng, ca khúc “Thăm bến nhà Rồng” mới là ca khúc chị thể hiện thành công nhất?
Ca khúc đầu tiên tôi hát về Người là bài Vào lăng viếng Bác, đó là năm 16 tuổi. Đến năm 1990, nhà hát - nơi tôi làm việc tổ chức cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, lúc đó tôi chưa có bài và tôi nghĩ phải tìm một bài hát nào đó thật mới để thể hiện.
Những ca khúc về Bác có rất nhiều, nhưng mỗi ca sĩ thể hiện đều theo hay một cách khác nhau và tôi không muốn lặp lại. Trong đầu tôi nghĩ, mình phải có một bài hát về Bác ghi dấu ấn riêng. Tôi quyết định đến gặp hai nhạc sĩ là Trần Hoàn và Thuận Yến. Khi đó, tôi đến gặp nhạc sĩ Trần Hoàn trước và ông rất ngạc nhiên khi thấy tôi là một ca sĩ dòng nhạc nhẹ mà sao lại xin một bài hát về Bác Hồ đậm chất dân ca. Nhạc sĩ Trần Hoàn nói: “Chú có bài hát này, nhưng chú e rằng chị hát chưa chắc đã hợp, bởi vì bài này có chất liệu Nam bộ. Vì thế, chú sợ chị hát bài này lại giống kiểu tây hát chèo thì buồn cười lắm”.
Tôi năm nỉ: “Thế thì chú cho cháu bài khác đi, bây giờ cháu cần quá rồi, cháu thấy chú có nhiều bài mà”. Chú nói: “Bây giờ chú chỉ có bài này thôi, chứ không có bài nào cả. Thôi thế này, chú cho chị nghe tạm bản nháp trước xem chị hát được không”. Sau đó chú mở ra bản của cô Trang Nhung - Đài tiếng nói Việt Nam và nói: “Chị đừng có bắt chước cách hát của cô Trang Nhung vì cô ấy hát theo kiểu cải lương. Chị phải hát làm sao mà người Bắc nghe vẫn được, người Nam nghe vẫn thấy hay”. Dù có chút lo lắng, nhưng tôi vẫn quyết định xin chú bài Thăm bến nhà Rồng và hứa một tuần sau sẽ quay lại hát cho chú nghe.
Đúng một tuần, tôi quay lại “trả bài”. Tôi bảo chú: “Chú ơi! Cháu hát cho chú nghe nhé”, lúc ấy mặt chú “lạnh như kem” “Ờ! Chị hát đi”. Khi thể hiện xong chú nói: “Được, chị cứ mang đi thi đi, về tập thêm nhiều vào”.
Chú Hoàn là người kiệm lời khen, chú không khen ai bao giờ đâu, ai hát hay, ai hát giỏi, chú không khen mà gật đầu, thế có nghĩa là chú khen lắm rồi. Tôi cũng trao đổi với chú về ý tưởng dựng bài. Tôi nói với chú: “Cháu sẽ đánh đàn bầu với 8 cô đàn thập lục ngồi sau để tạo ra một phong cách mới. Cháu từng học đàn bầu cho nên cũng có những vốn dân gian nhất định. Cháu thấy bài này là sở trường của cháu cho nên cháu xin phép chú cho cháu dựng bài này theo hình thức như thế”. Nghe những chia sẻ về ý tưởng này, chú đồng ý luôn.
Nửa tháng sau tôi đi thi, hôm đấy chú Hoàn là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho nên tôi rất run. Khi hát xong, tôi chạy một mạch ra cánh gà thì thấy chú Trần Hoàn đi từ dưới cầu thang đi lên. Tôi hồ hởi: “Chú ơi chú! Hôm nay cháu hát thế nào hả chú”, chú cười: “Được” và không nói thêm câu gì. Từ đó bài Thăm bến nhà Rồng đã đến với công chúng.
- Khi vỡ ca khúc “Thăm bến nhà Rồng”, điều gì ánh lên trong suy nghĩ của chị?
Tất cả những kỷ niệm thời thơ ấu về Bác Hồ ùa về trong tôi một cách cháy bỏng. Ban đầu, nhạc sĩ Trần Hoàn không dựng bài hát Thăm bến nhà Rồng như bây giờ đâu, nhưng tôi xin dựng lại và tất nhiên, tôi không bao giờ hát sai nhạc của chú cả, nhưng cảm xúc là của riêng tôi. Như câu hát: “Lúc cập thuyền ai đã tiễn Người đi hay chỉ một mình Bác khăn gói biệt ly” chú xử lý một lèo, khi tôi dựng thì câu hát này có tiết tấu chậm hơn một chút.
- Ngoài nhạc phẩm Thăm bến nhà Rồng, chị còn thể hiện thành công nhiều ca khúc về Bác, bí quyết của chị là gì?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, chính tuổi thơ gắn liền với hình ảnh Bác Hồ quá sâu đậm đã hun đúc những cảm xúc của tôi khi hát những nhạc phẩm về Bác. Mấy chục năm qua khi hát Thăm bến nhà Rồng, Vào lăng viếng Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Bác Hồ - Một tình yêu bao la… tôi đều hát như mới vì cảm xúc mỗi ngày một khác nhau, nhưng tựu chung lại đều là cảm xúc kính yêu Bác.
- Khi thể hiện những nhạc phẩm viết về Bác, chị cảm nhận điều gì trước: ca từ, giai điệu, ý nghĩa văn học hay hoàn cảnh sáng tác?
Muốn có một tác phẩm hay thì tất cả những thứ đó phải kết hợp với nhau. Giả sử một bài hát có ca từ hay nhưng nhạc không phù hợp thì cũng không hát được. Những ca khúc về Bác hay lắm, nhưng không phải bài nào bài nào mình cũng hát hay được đâu. Để một bài hát thành công phải kết hợp rất nhiều thứ như ca từ, âm nhạc và cảm xúc.
- Có ý kiến cho rằng, hát những ca khúc về Bác không khó vì lời ca gần gũi, giai điệu dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc, nhưng để hay thì hoàn toàn không dễ, bởi người nghệ sỹ phải thể hiện được phong cách và cảm xúc riêng, ý kiến của chị như thế nào?
Đúng như vậy, khi thể hiện những ca khúc về Bác vừa phải truyền tải được sự hùng hồn, hào sảng, vừa phải thể hiện được sự dung dị, mộc mạc, đời thường. Những ca khúc về Bác chỉ dễ nghe thôi, còn hát thì không dễ chút nào. Người ca sỹ thể hiện phải hiểu được hoàn cảnh sáng tác ca khúc, thông điệp và ý nghĩa truyền tải của ca khúc đó. Trong nghệ thuật, mình phải biết mình là ai, mình dừng lại ở chỗ nào, đâu là sở trưởng, sở đoản của mình.
- Nhiều ca sỹ khi hát những ca khúc về Bác đều chọn lối hát cổ điển hoặc bán cổ điển, lý do là gì thưa chị?
Khi thể hiện những ca khúc ca ngợi Bác, người nghệ sỹ hát mà hô khẩu hiệu quá thì sẽ rất cứng và không có cảm xúc, cho nên người nghệ sỹ thường chọn lối bán cổ điển, vì có đất để thể hiện. Còn nếu hát theo lối dân ca hoàn toàn thì không phù hợp.
- Như chị nói, nghệ sỹ thường chọn lối bán cổ điển vì có đất để cho họ thể hiện, nhưng nếu có sự cách tân trong khuôn khổ để phù hợp hơn với thị hiếu khán giả trẻ cũng là một ý hay đấy chứ?
Cách tân những ca khúc về Bác cũng là một ý kiến hay, tuy nhiên, người nghệ sỹ phải thể hiện được cảm xúc, hồn cốt của ca khúc đó.
Hiện nay, có nhiều ca sĩ vấp phải vấn đề không hợp vẫn hát, thành ra bóp méo ca khúc. Những ca khúc về Bác rất hay, nhưng không nên bài nào cũng nhận. Ví dụ, có những ca sĩ hát giọng dân ca, nhưng lại chọn một ca khúc bán cổ điển chắc chắn sẽ không phù hợp, lúc đó sẽ không còn sự kính yêu trong đó nữa.
Nhạc sĩ khi sáng tác một tác phẩm như là “đẻ” một “đứa con tinh thần” và họ muốn người thể hiện bài hát đó phải trau chuốt bằng tình yêu, cảm xúc và nỗ lực của mình, chứ không phải cứ hát đúng lời, đúng nhạc là được.
Người nhạc sĩ rất sợ các ca sĩ bóp méo bài hát của người ta, người ta chỉ nhất trí khi người ca sĩ xử lý theo cảm xúc mà cảm xúc nó phải thực, chân thật chứ không phải cảm xúc theo kiểu bóng bẩy, nhõng nhẽo, nhất là hát những bài hát về Bác Hồ đừng có luyến láy linh tinh, buồn cười lắm.
Ca khúc Thăm bến nhà Rồng - thể hiện NSND Thái Bảo.
- Phải chăng đó là lời khuyên của chị dành cho những ca sĩ trẻ đã, đang và sẽ hát những ca khúc về Bác?
Các bạn trẻ bây giờ mà muốn hát hay những ca khúc về Bác phải biết sáng tạo, nhưng sáng tạo không có nghĩa là bóp méo bài hát. Tất cả những ca khúc về Bác Hồ đã in vào trái tim tất cả những người dân Việt Nam, nên nếu người ca sĩ hát khác quá sẽ trở thành kệch cỡm ngay, lố bịch ngay.
- Cám ơn những chia sẻ chân thành của chị!