Tôi biết đến tên ông - nhạc sĩ Thanh Tùng lần đầu tiên khi nghe ca sĩ Ngọc Thuý (Đoàn ca múa Hải Đăng) hát bài Chuyện tình của biển trên Đài tiếng nói Việt Nam. Ở cái tuổi mới lớn với nhiều xúc cảm về tình yêu đầy bỡ ngỡ, Chuyện tình của biển như một viên kẹo ngọt dễ thương ngay lập tức chinh phục tôi. “Ngày xưa, biển không có cát như bây giờ. Ngày xưa, biển không có sóng vỗ bờ… Rồi một ngày em đến, biển hát em nghe, bài hát có đôi câu chuyện buồn…”. Những giai điệu nhẹ nhàng, da diết và cũng không kém dữ dội, khát khao như những con sóng biển đã thực sự cuốn hút người nghe.
Từ đó, tôi bắt đầu để ý và tìm kiếm những băng đĩa có bài hát của ông. Khi ca sĩ Ngọc Bích hát Lời tỏ tình của mùa xuân, Bảo Yến hát Câu chuyện nhỏ của tôi trên sóng phát thanh, tôi thực sự đã bị mê hoặc và trở thành “tín đồ” âm nhạc của ông. Những năm cuối thập niên 80, các ca khúc này gần như là những bài hát “hot” nhất trong đời sống giới trẻ thời bấy giờ. Những cái tên ca sĩ gắn với tên tuổi của nhạc sĩ Thanh Tùng như Hoàng Huệ Quân (Ngôi sao cô đơn), Ngọc Bích (Lời tỏ tình của mùa xuân), Ngọc Thuý (Chuyện tình của biển, Phố biển), Ngọc Tân (Tình không biên giới)…thực sự trở thành “thần tượng” của rất nhiều người.
https://www.youtube.com/watch?v=YWX_9bpzp6E
Bước sang thập niên 90, nhạc sĩ Thanh Tùng là cái tên nổi bật bởi các ca khúc “hit” của những ngôi sao ca nhạc đa phần do ông sáng tác. Cũng ở thời điểm Thanh Lam vụt sáng trở thành Nữ hoàng nhạc nhẹ, cô đã gắn tên mình với nhạc sĩ Thanh Tùng qua hàng loạt bài hát như Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Lối cũ ta về, Em và tôi, Vĩnh biệt mùa hè… Tương tự, Hồng Nhung cũng tạo nhiều được nhiều “hit” của Thanh Tùng như: Một mình, Hát với chú ve con, Giọt sương trên mí mắt,.. gây “bão” các chương trình ca nhạc.
Ngoài Thanh Lam và Hồng Nhung, Thuỳ Dung và Tấn Minh cũng gây ấn tượng mạnh trên sóng truyền hình với ca khúc Em và tôi. Năm 1996, trong chương trình SV96, Mỹ Linh và Bằng Kiều bỗng trở nên vụt sáng khi song ca bài Trái tim không ngủ yên, đây chính là thời điểm cả hai ca sĩ này bắt đầu được công chúng biết đến. Với giọng ca trời phú và sự hoà quyện trong cách hát, Mỹ Linh - Bằng Kiều đã làm Trái tim không ngủ yên trở thành “lời tỏ tình” của rất nhiều cặp đôi yêu nhau. Ca khúc này về sau được rất nhiều ca sĩ ngôi sao đương thời trình bày, mà thành công nhất có thể kể đến cặp Phương Thanh - Lam Trường.
Hàng loạt những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng đến tận bây giờ vẫn rất có giá trị. Nó không đơn thuần là những ca khúc hay bởi giai điệu, mang tính tiên phong cho dòng nhạc nhẹ Việt Nam, mà ca từ trong các bài hát của ông rất sâu sắc và nhiều thông điệp nhân văn. Những ca khúc ông viết về sau này như Chuyện cổ Nghi Tàm, Giờ ta biết yêu em, Hoa cúc vàng mang nhiều hoài niệm về những điều đã mất, trở thành những thứ ám ảnh trong tâm hồn nhạc sĩ. Từ những tâm sự chia sẻ đầy yêu thương người bạn đời qua ca khúc Một mình đến bài hát Hoa cúc vàng là một khoảng mênh mông trống trải không thể bù đắp.
Những tình cảm chân thành từ trái tim một người đàn ông yêu nồng nàn và đầy ắp sự lãng mạn đã viết nên những ca từ và giai điệu tràn đầy cảm xúc khiến người nghe rung động. Đã có quá nhiều phiên bản Một mình từ đơn ca, tốp ca; từ cách phối khí đậm chất pop đến cách hát acapella, nhưng Hồng Nhung vẫn là ca sĩ thể hiện thành công nhất, đúng tinh thần nhất ca khúc này. Hồng Nhung đã khiến Một mình không chỉ là tâm sự của “một mình” Thanh Tùng, mà trở thành nỗi niềm đồng cảm của biết bao trái tim người yêu nhạc.
Cách đây khoảng dăm năm, tôi có được xem đêm nhạc Thanh Tùng với tên gọi Hoa cúc vàng ở Nhà hát lớn Hà Nội. Nhìn ông ngồi xe lăn, tay run run và miệng nói chẳng còn tròn vành, rõ chữ mà thấy xót xa. Vậy mà ông vẫn chia sẻ về những bài hát, những tình cảm của mình trong từng ca từ, nốt nhạc đủ để thấy trái tim nghệ sĩ còn nhiệt huyết như thế nào. Chỉ có điều tôi đáng tiếc nhất, đó chính là lần cuối được nhìn thấy ông, được xem một đêm nhạc với tất cả những ca khúc của ông. Nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn bởi được sống trong một đêm nhạc ngập tràn cảm xúc, bằng những ca khúc mình thuộc nằm lòng, mà trong đó có những bài hát quen thuộc như hơi thở của mình vậy.
Nhạc sĩ Thanh Tùng đã về thế giới bên kia, tiếng “ve” đã ngừng râm ran, nhưng chắc chắn rằng, những Hát với chú ve con, Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân… sẽ vẫn còn vang mãi. Giống như “Lời tỏ tình của mùa xuân”, âm nhạc của ông sẽ mãi là một tình yêu trẻ trung, sung mãn và trường tồn với thời gian. “Ngôi sao cô đơn” ấy sẽ không còn lẻ loi “Một mình” mà sẽ được trở về đoàn tụ với những người ông yêu thương sâu sắc trong cuộc đời mình. Một chuyến đi không còn “Lối cũ ta về”, nhưng sự hiện hữu của cái tên Nhạc sĩ Thanh Tùng sẽ mãi còn lưu danh, không chỉ khiêm tốn như “Câu chuyện nhỏ của tôi” mà là một cây đại thụ, một trong những nhạc sĩ toả sáng nhất của nền nhạc nhẹ Việt Nam thế kỷ 20.