Âm Nhạc

Nhà hát Thăng Long: Cờ đến tay… thì phất

T.H
Chia sẻ

"Hà Nội, ngày... tháng... năm" (Những thanh xuân rực rỡ) vừa là phép thử thú vị, vừa là "màn chào sân" ấn tượng; không chỉ cho thấy tư duy cập nhật mà còn đánh dấu chặng đường mới rất đáng chú ý của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

Tối 28/11 vừa qua, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã công diễn chính thức chương trình nghệ thuật tổng hợp “Hà Nội, ngày… tháng… năm” (Những thanh xuân rực rỡ). Trái ngược với dự đoán trước đó, vở diễn một lần nữa chiến thắng cũng như ghi điểm trong lòng công chúng Thủ đô.

Thi là thắng, diễn được yêu

Sở dĩ nói “Hà Nội, ngày… tháng… năm” (Những thanh xuân rực rỡ) một lần nữa chiến thắng là bởi vì trước đó, vở diễn đã giành nhiều huy chương vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc. Công diễn chính thức và có bán vé, đây được xem là “cuộc chơi sòng phẳng” của Nhà hát Thăng Long trong việc “đo” thị hiếu của khán giả Thủ đô.

Nằm ngoài dự đoán của không ít người, cả trong nghề lẫn khán giả đều bày tỏ sự yêu thích khi thưởng thức vở diễn mang hơi hướm nhạc kịch broadway này. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ hơn nằm ở sự tiếc nuối của khán giả,khi chương trình chỉ biểu diễn một đêm duy nhất.

Những nhạc sĩ uy tín trong nghề, từng sáng tác và đạo diễn các chương trình âm nhạc ấn tượng như Đỗ Bảo, Ngọc Châu đều không ngớt lời khen ngợi chương trình.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ từ hàng ghế khán giả thưởng thức vở diễn: “Chương trình sinh động từ đầu đến cuối, có lớp lang mà ít chương trình nào của Hà Nội làm được. Khác với các chương trình thương mại, sắp xếp vị trí ca sĩ để bán vé”.

Trong khi đó, nhạc sĩ Ngọc Châu cũng dành những lời khen ngợi cho “Hà Nội, ngày… tháng… năm”: “Xin chân thành cảm ơn những trái tim cháy bỏng đam mê nghệ thuật của Tập thể anh chị em diễn viên Nhà Hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đã cống hiến cho khán giả đêm nay một công trình nghệ thuật đặc sắc. Cảm xúc vẫn nguyên vẹn đến giờ này; công phu như vậy mà diễn có một đêm phí quá”.

Lộ sáng ê-kíp đầy đam mê

Sở dĩ người viết không đề cập đến ê-kíp sản xuất chương trình ở phía trên bởi họ cần được “lộ sáng” và cũng bởi vì những sáng tạo, tư duy nghệ thuật của họ xứng đáng được trân trọng.

Chương trình do NSƯT Tấn Minh chỉ đạo nghệ thuật, kịch bản và dàn dựng âm nhạc do nhạc sỹ Dương Cầm đảm nhiệm. NSƯT Trần Ly Ly làm tổng đạo diễn kiêm đồng biên đạo múa các tiết mục trong vở diễn.

Dàn diễn viên của Nhà hát đều là những gương mặt sáng giá suốt những năm qua như NSƯT Khánh Hoà, ca sỹ Lô Thuỷ, Hiền Anh, Khánh Linh, Đông Hùng, Bảo Trâm.. và khác mời, diva Hồng Nhung. Nhiều nghệ sỹ trẻ đã cống hiến cho khán giả một chương trình nghệ thuật vô cùng đặc sắc và thực sự ấn tượng.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo nhận xét: “Với Hà Nội, ngày… tháng… năm (Những thanh xuân rực rỡ) tôi có cảm nhận họ muốn xây dựng bằng sức mạnh tập thể từ những nghệ sĩ chưa có nhiều tên tuổi nhưng sự đoàn kết và cách làm kỹ công phu tạo nên một chương trình gần như hoàn chỉnh’’.

Có thể nói, những lời khen ngợi này có thể nằm ngoài “kịch bản” của Nhà hát Thăng Long. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đang tạo dựng được một ê-kíp chuyên nghiệp, tư duy nghệ thuật cập nhật, sẵn sàng bước vào một chặng đường mới đáng để chú ý, kỳ vọng.

Hết “bao cấp”, đến thời nhập cuộc

Thị trường show ca nhạc tại Thủ đô rất sôi động trong nhiều năm nay. Đây cũng là một mảng giải trí được “cày xới” tận tình bởi các đơn vị sản xuất nhưng lại rất hiếm những chương trình tử tế, đầu tư công phu; hay ít nhất, mang đến sự mới mẻ cho công chúng thưởng thức.

“Hà Nội, ngày… tháng… năm” (Những thanh xuân rực rỡ) vừa là phép thử thú vị, vừa là “màn chào sân” ấn tượng. Điều này càng cho thấy Nhà hát Thăng Long đang có bước chuyển mình đáng ngưỡng mộ bởi họ đã sẵn sàng nhập cuộc sau khi hết “tài trợ” từ Nhà nước.

NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Thăng Long cho biết sẵn sàng nhập cuộc với “thị trường” nhưng vẫn giữ chất lượng nghệ thuật: “ Làm nghệ thuật đúng nghĩa nhưng vẫn phải hấp dẫn và làm sao để công chúng xem được. Tác phẩm hay thì phải có đời sống, phải thú vị, người bình thường xem phải thích”.

Anh chia sẻ thêm: “Tôi muốn xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên trách các nhiệm vụ của nhà hát. Ví dụ như khâu truyền thông cũng phải có người chuyên trách. Tôi và một số anh em chinh chiến ở ngoài nhiều rồi nên cũng có kinh nghiệm. Tôi nghĩ sẽ không quá khó khăn”.

Trong giai đoạn mới này, khán giả Thủ đô chắc chắn sẽ còn phải phấn khích và mong chờ những chương trình mới do Nhà hát Thăng Long sản xuất. Có thể nói, Nhà hát Thăng Long: Cờ đến tay… thì phất.

Chia sẻ

Bài viết

T.H

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất