Âm Nhạc

Nguyễn Trần Trung Quân: 'Tôi từng nghĩ Denis Đặng làm những thứ lố lăng và chẳng mang lại điều gì'

Tuấn Hà - Dũng Đỗ
Chia sẻ

Anh chàng đã có những chia sẻ vô cùng chân thành với Saostar trong ngày ra mắt dự án sản phẩm trở lại cũng như đánh dấu bước ngoặt Nam tiến.

Vừa qua, Nguyễn Trần Trung Quân đã có buổi gặp gỡ và ra mắt MV mới Màu nước mắt - sản phẩm đánh dấu sự trở lại sau 9 tháng cũng như “phát pháo” về sự Nam tiến của anh chàng tài năng này.

Màu nước mắt là ca khúc do nhạc sĩ trẻ Nguyễn Thương chắp bút. Qua giọng hát giàu cảm xúc của Nguyễn Trần Trung Quân, bản ballad này càng có thêm điểm nhấn khiến người nghe phải lắng lại. MV được thực hiện bởi e-kip của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư, toàn bộ kịch bản và concept do Giám đốc sáng tạo Dennis Đặng - người đứng sau thành công nhiều MV triệu view của Vpop lên ý tưởng dàn dựng. Để hoàn thành trọn vẹn các cảnh quay và đưa toàn bộ ý tưởng về một MV mang màu sắc sang trọng, quý tộc cùng nội dung đậm chất điện ảnh, ê-kíp đã mất 3 ngày quay tại Đà Lạt và TP.HCM.

Chàng trai sinh năm 1992 đã có cuộc trò chuyện cùng SAOStar, chia sẻ về dự án mới, việc vào TP HCM hoạt động cũng như câu chuyện về trăn trở giữa hàn lâm và giải trí cũng như những mối gặp nhân duyên, định mệnh trong cuộc đời…

MV Màu nước mắt

- Xin chào Nguyễn Trần Trung Quân. Lần Nam tiến này, anh nhắc nhiều về việc mong muốn cân bằng giữa hàn lâm và giải trí. Việc quá hàn lâm, học thuật phải chăng là một trăn trở trong anh?

Tôi rất trăn trở. Và luôn đặt một câu hỏi tại sao những người thầy của mình rất giỏi, dành bao tâm huyết cho sự nghiệp nhưng họ vẫn chưa thực sự thành công. Tôi nhận ra rằng họ chưa mở lòng và tìm cách để dung hòa. Họ vẫn đóng mình và ở trên đỉnh.

Còn ngành giải trí trong TP HCM, tôi gọi đây là một “mảnh đất màu mỡ”. Tuy nhiên, cũng nhiều yếu tố may rủi. Sản phẩm thì được ra quá nhiều, được phần nhạc thì mất phần giọng. Được cả 2 thì lại không được hình ảnh. Các bạn bị vào guồng quay quá nhiều nên tâm huyết cho mỗi sản phẩm bị giảm đi.

Tôi mong muốn mình tiên phong cho âm nhạc mà người ngoài nhìn vào thấy được sự học thức. Giọng hát cũng phải có đẳng cấp riêng. Hình ảnh cũng là những điều được chắt lọc. Tôi là một người sống tình cảm. Nhiều khi tình cảm quá lại dễ trăn trở. Nhưng sau cùng vẫn muốn gửi gắm hết vào sản phẩm. Có thể người ta sẽ nói tôi “điên quá”. Đầu tư cả tỷ đồng cho một MV. Nhưng tôi nghĩ quan trọng vẫn là được sự ủng hộ của bạn bè. Cái này không đong đếm bằng tiền bạc được.

- Nghĩa là vào TP HCM là cách duy nhất thậm chí cuối cùng để có thể cởi mở với khán giả?

Cũng không hẳn. Chỉ là tôi thấy bản thân cần thay đổi môi trường. Cần áp lực hơn. Từ nhỏ tôi đã được đào tạo trong những môi trường quá hàn lâm: là nhạc viện, là học viện quốc gia, được nghe nhạc cổ điển,… rất nặng. Tôi muốn vào đây để được tiếp cận với nhiều khía cạnh khác. Tôi cũng muốn chia sẻ tình cảm của mình với khán giả miền Nam hơn. Tôi có học thuật rồi, cái cần bây giờ là khán giả.

“Tôi luôn đặt một câu hỏi tại sao những người thầy của mình rất giỏi, dành bao tâm huyết cho sự nghiệp nhưng họ vẫn chưa thực sự thành công. Tôi nhận ra rằng họ chưa mở lòng và tìm cách để dung hòa. Họ vẫn đóng mình và ở trên đỉnh”.

- Việc anh chia sẻ rằng chưa thấy những tiền bối của mình thành công liệu có làm họ buồn? Anh có gặp những phản hồi không ủng hộ việc Nam tiến của những nhân vật sống và làm việc ngoài Hà Nội, coi đó là chân lý, không muốn cởi mở và không đồng tình việc vào TP HCM hoạt động?

Có chứ. Tôi gặp nhiều ý kiến như vậy. Cũng cần nói lại về khái niệm của thành công. Có thể với họ đó là thành công rồi. Nhưng tôi nhận thấy những người thầy của mình, những nghệ sĩ tôi biết họ giỏi và họ xứng đáng có được vị trí quan trọng hơn hiện tại rất nhiều. Họ xứng đáng được chia sẻ và ủng hộ từ khán giả nhiều hơn. Thay vì giờ họ quá giỏi về chuyên môn nhưng lại vẫn đứng sau, chưa được “đi ra ánh sáng”.
Tôi mong muốn sản phẩm của tôi có sự giao thoa. Điều này thực sự khó đấy. Nhưng tôi vẫn đang làm.

- Anh nói anh muốn là người tiên phong cho sự cân bằng. Câu này có thể khiến tôi hiểu thành những nghệ sĩ miền Nam chưa có quá nhiều học thuật?

Cũng không đúng. Các bạn ấy còn rất chăm chỉ và tôi nể phục về sự lao động ở họ. Ý tôi muốn nói bản thân mình có điểm mạnh riêng. Tôi lo lắng về việc làm sao những chuyên môn có thể gần gũi và được chấp nhận. Còn tôi không so sánh hay phân biệt nghệ sĩ 2 miền. Với tôi, nghệ sĩ nước nhà luôn cần được ủng hộ.

- Anh có nói về việc nghệ sĩ hiện tại bị áp lực phải ra liên tiếp, bị lao vào guồng máy để có nhạc mới và gây ảnh hưởng tới tâm huyết cho từng “đứa con tinh thần”. Nguyễn Trần Trung Quân cũng vừa trờ lại sau 9 tháng. Với tôi, thì 9 tháng với anh là ngắn. Anh cũng đang dần bị “lao vào guồng quay” kia?

Tôi nghĩ mình không bị áp lực hay ảnh hưởng. Tôi hòa nhập nhưng không hòa tan. Tôi chỉ đặt một câu hỏi là mình đã làm tốt chưa, sản phẩm ra khiến khán giả “đã” chưa. Tôi nghĩ những trăn trở đó mang lại nhiều điều đặc biệt.

- Anh muốn là một “chàng hoàng tử” trong cung điện riêng. Nhớ tới anh là nhớ tới ballad có kèm câu chuyện đi cùng. Về lâu về dài điều này có gây nhàm chán?

Nhàm chán hay không còn là nội dung nữa. Nếu tôi cảm thấy nhàm chán thì sẽ không ra nữa. Tôi sẽ đi tìm cái mới, nâng cấp hơn. Có thể dòng nhạc mới, hay một sự kết hợp mới,… Nhưng đều mang một thông điệp, ý nghĩa rõ ràng.

- Như sự kết hợp của anh và Denis Đặng?

Tôi và Denis biết nhau đã một vài năm nay và từng thành công trong sản phẩm Ghen. Bạn ấy bản năng và thích điều gì đó hơi “dị”, không bình thường. Cuộc gặp gỡ này tôi gọi là định mệnh.

- Sự chỉn chu của Nguyễn Trần Trung Quân khi gặp cái “dị” của Denis Đặng có gây nên một “phản ứng” trái ngược, bất đồng?

Trước đây thì có. Lúc đầu tôi rất ghét và coi đó là sự lố lăng, không mang lại gì cả. Sau này tôi nhận ra mình cần cập nhật và học hỏi và đó là đúng. Denis cho mình cái còn thiếu. Cậu ấy cho tôi thấy những gì rộng rãi, thoải mái hơn. Thành công của âm nhạc là cảm xúc. Và để có cảm xúc thì đó là sự dung hòa. Tôi nghĩ e-kip của tôi cho tôi một tính nhạc hợp tác rất tốt.

“Về Denis Đặng lúc đầu tôi rất ghét và coi đó là sự lố lăng, không mang lại gì cả”.

“Sau này tôi nhận ra mình cần cập nhật và học hỏi và đó là đúng. Denis cho mình cái còn thiếu. Cậu ấy cho tôi thấy những gì rộng rãi, thoải mái hơn. Thành công của âm nhạc là cảm xúc”.

- Có vẻ như việc Nam tiến không chỉ dừng lại ở việc anh làm họp báo ở TP HCM. Nó còn là trong tư tưởng thay đổi?

Đúng vậy. Sự ảnh hưởng đến từ nhiều câu chuyện, con người thậm chí cả thời gian. Tôi sống bản năng. Ngày mai tôi có thể tắt điện thoại và đi một nơi nào đó bất thường. Tôi có thể chỉn chu trước ống kính nhưng thật ra vẫn “điên” lắm (cười). Từ trước đến nay tôi sống khá gò bó và giờ tôi mong muốn được sống thật nhất với cảm xúc của mình. Ngày xưa thì sợ và bị áp lực từ gia đình. Giờ dần được vơi bớt. Tôi không “đo ni đóng giày” trong hình ảnh chuẩn mực, tôi muốn sống cho cảm xúc. Vì suy cho cùng một người nghệ sĩ đã quá nhiều áp lực.

Tôi rất nề những đồng nghiệp, người em như Sơn Tùng, Hòa Minzy, Erik, Min,… dám nghĩ dám làm. Có bước đi riêng. Có thể trước đây tôi không khao khát sự nổi tiếng. Nhưng giờ là lúc tôi sống với giấc mơ và khao khát điều đó.

- Anh có dự án dài hơi cho việc Nam tiến hay tới đâu thì làm hợp lý cho thời điểm đó?

Khi vào guồng quay này thì tôi nghĩ mình cần chuyên nghiệp. Tôi có timeline cụ thể cho các dự án. Đồng nghĩa là cũng đã chuẩn bị cho những sản phẩm tiếp theo rồi. Và chờ thời gian thích hợp sẽ ra mắt.

- Có bị cái bóng đầu tư quá lớn ở sản phẩm này cho những dự án sau?

Có chứ. Nhưng tôi nghĩ mỗi sản phẩm có góc độ riêng. Nhiều khi chỉ cần quay trong một căn phòng vẫn có thể gây ấn tượng mạnh. Sự đầu tư phù hợp với kịch bản. Quan trọng là tính hiệu quả.

- Xin cảm ơn anh và chúc Nguyễn Trần Trung Quân thật thành công cho những dự án Nam tiến của mình!

Chia sẻ

Bài viết

Tuấn Hà - Dũng Đỗ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất