Có một “ngôi nhà” YG từng là ước mơ của vô vàn nghệ sĩ trẻ
YG Entertainment thành lập năm 1996, bởi cựu thành viên nhóm nhạc nam Seotaiji & Boys - chủ tịch Yang Hyun Suk. Đặt trụ sở tại thủ đô Seoul, YG là điểm dừng chân ao ước của vô số nghệ sĩ tài năng, những người đã, đang và sẵn sàng vượt mọi thử thách để đi theo con đường trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Khoảng thời gian đầu, YG Ent chỉ tập trung vào lĩnh vực đào tạo năng khiếu, sản xuất và phát hành các ấn phẩm âm nhạc tại Hàn Quốc, đặc biệt là dòng nhạc R&B và Hiphop. Những cái tên nổi tiếng trong thế hệ đầu Kpop đi theo định hướng của công ty có thể kể đến 1TYM, Jinusean, Epik High, … Sang tới cuối những năm 2000, YG bắt đầu đón nhận chiến công từ các “tân binh khủng long”, đem đến bước ngoặt chuyển mình, giúp công ty giành ngôi vị “ông lớn” ngành giải trí như hiện tại.
Năm 2006, BigBang được thành lập với vai trò nhóm nhạc nam idol đầu tiên của YG. Sau thành công vượt bậc của các chàng trai với chất nhạc hiphop, công ty tiếp tục đầu tư ra mắt 2NE1 - 4 nàng “nữ quái” mang phong cách mạnh mẽ tương tự. Cộng thêm những cái tên chất lượng như Se7en, Gummy, Psy,… YG đã thành công tạo nên một “đế chế” hùng mạnh, sẵn sàng “chiến đấu” và “chiến thắng” bất kỳ đối thủ đáng gờm nào của Kpop. Đây cũng là lúc công ty mở rộng thị trường hoạt động ra phạm vi quốc tế, đồng thời thu nhận thêm loạt diễn viên, nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực nghệ thuật khác.
Được debut ở YG chưa bao giờ là chuyện dễ dàng
Lựa chọn tài năng là tiêu chí quan trọng nhất khi thu nhận nghệ sĩ, thực tập sinh cho công ty, YG dần trở thành điểm đến ước mơ của không ít bạn trẻ muốn khẳng định bản thân trong lĩnh vực âm nhạc. Vô số lá đơn đăng ký tham dự các cuộc thi tuyển thực tập sinh, các chương trình âm nhạc thực tế sống còn, những cuộc tranh đấu gian khó, khốc liệt nhất, thậm chí có nhiều cậu bé, cô bé đã bỏ ra hàng chục năm trời để rèn luyện không ngừng trong căn phòng tập nhỏ ở YG. Tất cả chỉ bởi mục tiêu chờ đợi một ngày được tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu.
Không có con đường nào trải toàn hoa hồng, không có thành công nào dễ dàng đạt được mà chẳng phải vượt qua muôn vàn khổ cực, đắng cay. Thế nhưng tiếc thay, ở YG, nhiều khi mọi sự cố gắng chỉ là vô nghĩa.
Bạn tốn bao nhiêu công gắng sức tập luyện, rèn rũa kỹ năng thanh nhạc, vũ đạo để giành một chân trở thành thực tập sinh của YG. Bạn nỗ lực không ngừng để chờ đợi một ngày debut. Thế nhưng ngày đó ở quá xa, hoặc ngay cả khi đã debut, thời gian bạn gặp gỡ khán giả, được thể hiện tài năng dưới ánh đèn sân khấu cũng chỉ được tính bằng phút, bằng giờ. Đó chẳng phải là nỗi lo lắng, khắc khoải của một vài thực tập sinh, mà còn là niềm băn khoăn, day dứt trong tim rất nhiều nghệ sĩ, những người đang bị chính công ty quản lý “vàng” đối xử không công bằng.
Nếu như trước kia, YG tự hào vì khoảng thời gian gần 10 năm bài bản để đào tạo ra một G-Dragon là “thần tượng của các thần tượng” Kpop, một “cỗ máy nhảy” Taeyang bước chân vào phòng tập từ năm 11 tuổi hay kế hoạch chuẩn bị “dài hơi” để ấp ủ debut nhóm nhạc “tân binh khủng long” thì giờ đây, đó cũng là nỗi khiếp sợ ám ảnh của các thực tập sinh đã chót đặt chân vào miền đất “hứa”. Hứa cho debut sớm, hứa ngày trở lại, hứa thực hiện các buổi fanmeeting, world tour thật hoành tráng, nhưng biết đến bao giờ, “ông lớn” bận rộn YG mới thực sự bỏ thời gian quan tâm đến những lời hứa ấy?
YG đã hủy hoại ước mơ của biết bao người?
Hành trình hơn 10 năm hoàng kim của YG bắt đầu với sự thành bại của hai nhóm nhạc chủ chốt - BigBang và 2NE1. Thế nhưng nhìn lại suốt chặng đường hoạt động của mình, BigBang chỉ có 2 full album ít ỏi, trong khi 2NE1 mang tiếng ra mắt từ năm 2009, nhưng thời gian chính thức hoạt động, quảng bá cùng nhau đã chắc gì được 5 năm? Đặc biệt, sau scandal sử dụng chất cấm của thành viên Park Bom, hầu như mọi hoạt động của nhóm đều bị đình trệ. Không có phát ngôn chính thức, cũng chẳng một lần tái xuất cùng khán giả, các cô gái vẫn ở đó, chờ đợi cơ hội được YG cho trở lại, lặng lẽ nhìn tuổi thanh xuân cứ thế nhanh chóng vụt qua.
Và lời đáp trả cuối cùng từ “ông lớn” YG chỉ là một sân khấu tạm biệt ngắn ngủi sau khi nhóm thông báo chính thức tan rã. Có đủ không? So với quãng thời gian nhiều năm chờ đợi dài đằng đẵng của các thành viên 2NE1, cho niềm tin “sống lại giữa đám tro tàn” vẫn âm ỉ trong tim BlackJack (tên gọi fandom 2NE1). Có đáng không? Cho 4 tài năng âm nhạc chẳng ai có thể phủ nhận, cho cả tuổi thanh xuân mơn mởn qua đi chẳng để lại một tia dấu vết? Có chăng chỉ là nỗi thất vọng, đau buồn và ân hận, vì đã chót đặt niềm tin tưởng sai người.
Nhắc đến kế hoạch solo của từng thành viên 2NE1, người hâm mộ lại càng thêm xót xa, tiếc nuối. Thời gian này, liệu có ai còn nhớ đến ngọn lửa hừng hực trong mắt “chị đại” CL khi nhắc về kế hoạch Mỹ tiến? Ai thắc mắc bao giờ Park Bom mới chính thức quay trở lại? Ai để ý nụ cười buồn trên gương mặt Dara khi nhận ra 2NE1 đã sớm bị giới trẻ lãng quên tự lúc nào? Hơn ai hết, tất cả bọn họ đều không đáng chịu kết cục “chia ba, xẻ bảy”, lặng lẽ trôi vào dĩ vãng!
Đầu năm 2016, Se7en bất ngờ vướng phải scandal khi đang trong quá trình tại ngũ. Một thời gian sau khi ra quân, toàn bộ ánh hào quang từ nam ca sĩ nhà YG vụt tắt, công ty chẳng hề lên tiếng hay có kế hoạch tiếp tục hoạt động cùng anh chàng này. Nói cách khác, Se7en đã bị YG thẳng thừng vứt bỏ. Đành rằng việc làm của Se7en là sai, cần nghiêm khắc kiểm điểm, thế nhưng nên nhớ rằng người nghệ sĩ ấy đã bắt đầu gắn bó với YG từ năm 15 tuổi. Chẳng ngoa khi nói rằng Se7en dâng hiến cả nhiệt huyết thanh xuân, tuổi trẻ cho YG. Bù lại, thứ “yêu thương”, “che chở” mà anh nhận được từ “ngôi nhà” có “bố” Yang chẳng hề tốt đẹp như bất kỳ ai từng tưởng tượng.
Nhiều năm qua, fan vẫn thường xuyên kêu gào vì các nghệ sĩ, thần tượng của YG “tạm dừng để nghỉ ngơi” hoặc “đang trong quá trình chuẩn bị”, “chờ đợi thời cơ thích hợp” quá lâu mà chưa được comeback. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Lee Hi, Winner, Akdong Musician, BlackPink hay Psy,… Debut từ năm 2012, giọng ca sinh năm 1996 - Lee Hi chỉ hoạt động lẻ tẻ và cho ra sản phẩm âm nhạc cuối cùng vào tháng 4/2016 rồi “lặn” mất tăm suốt 2 năm qua. Tương tự như vậy, đứa “con cưng” chiến thắng show âm nhạc thực tế Win: Who is Next? - Winner buộc phải gián đoạn dự án “khủng” mang tên EXID (bắt đầu bằng EXID:E) từ giữa năm 2016 mà chẳng bởi bất cứ lý do nào.
Nhóm nhạc nữ thứ 2 sau 2NE1 - BlackPink từng được mệnh danh là “tân binh khủng long” với loạt thành tích khủng ở bất cứ sản phẩm âm nhạc mới nào mà nhóm phát hành. Thế nhưng vì “truyền thống” cả năm mới cho gà comeback của YG, nhóm đang dần bị tụt hậu, thậm chí độ nổi tiếng bị “đe dọa” tại nước nhà bởi các tên tuổi khác như TWICE, Momoland, Mamamoo,…
Từ những tân binh trẻ tuổi như Akdong Musician đến nghệ sĩ gạo cội như Psy đều bị hạn chế cho comeback. Đừng nói rằng tài năng và độ nổi tiếng của họ chưa đủ, hay YG đang cố gắng chờ đợi thời cơ! Nhìn lại quãng thời gian Lee Hi, AkMu, BlackPink “nổi bần bật” với loạt hit mới, “làn sóng” Psy được người hâm mộ thế giới hưởng ứng, tung hô thì YG đã làm gì? Phải chăng họ đang áp dụng chiến thuật “hâm nóng” tên tuổi nghệ sĩ rồi để chúng nguội dần theo thời gian, chờ đợi những người khác cùng bắt kịp?
Nghệ sĩ là thế, dàn thực tập sinh chờ debut ở YG cũng lâm vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng” không kém. Đặc biệt nhất là trường hợp của Katie Kim, quán quân Kpop Star mùa 4. Ký hợp đồng gia nhập YG ngay sau đó, trong khi 1 quán quân cùng á quân là Akdong Musician và Lee Hi đã debut, công ty vẫn cố tình “ngó lơ” cô thực tập sinh đầy tài năng này. Giống như rất nhiều thực tập sinh khác, Katie Kim buộc phải lặng lẽ chôn vùi niềm đam mê âm nhạc nơi đây, chờ đợi một sự đột phá, một lời hứa chẳng biết bao giờ mới được thực hiện.
Một trường hợp nữa, các chàng trai Mixnine - nhóm được lựa chọn từ show âm nhạc thực tế cùng tên do YG tổ chức cũng bị phũ phàng bỏ rơi ngay khi chưa chính thức debut. Bởi bản hợp đồng có quá nhiều bất lợi cho nghệ sĩ, phía công ty đại diện chẳng thể giao “gà cưng” của mình vào một nơi không chút an toàn như thế. Vậy nên, thay vì đợi chờ trong tuyệt vọng, họ chọn cách bỏ qua cơ hội mà chính bản thân từng vô cùng mong muốn và phải vật lộn hết sức mới có được.
Hệ quả của YG sau khi “tàn phá” ước mơ của rất nhiều thực tập sinh, nghệ sĩ
Bắt đầu từ cuối năm 2017, khi các thành viên BigBang bắt đầu tạm ngưng hoạt động để chuẩn bị tham gia nghĩa vụ quân sự, hệ thống vận hành YG đã có sự đi xuống hết sức rõ ràng. Đó không hẳn vì sự thiếu hụt của nhóm nhạc trụ cột, mà còn bởi hầu hết các nghệ sĩ đã dần mất đi niềm tin về công ty giải trí này.
Chờ đợi quá lâu không đến lượt comeback, cựu trưởng nhóm 2NE1 - CL đã phải ngậm ngùi tự lên trang cá nhân, chia sẻ teaser cho sản phẩm âm nhạc mới của chính mình. Fan Winner, iKON, Lee Hi, BlackPink,… liên tục “đăng đàn” kêu gọi lấy lại sự công bằng cho thần tượng. Nghiêm trọng hơn, loạt diễn viên, nghệ sĩ mới, cũ từng gắn bó như Psy, Lee Jong Suk, Stephanie Lee, Lee Yong Woo,… đến các tân binh, thực tập sinh gồm Nam Tae Hyun, Katie Kim, Mixnine,… đều lũ lượt chấm dứt hợp đồng hoặc đơn phương rời bỏ YG.
Rời xa “ngôi nhà” cũ, có thể công ty quản lý mới của những nghệ sĩ này không được nổi tiếng và giàu tiềm lực bằng YG, thế nhưng ít nhất, lời hứa mà họ được nhận sẽ chắc chắn trở thành hiện thực, và tuổi thanh xuân của họ cũng sẽ không bị chôn vùi trong đợi chờ vô ích. Bằng chứng chính là những kế hoạch comeback, dự án âm nhạc, nghệ thuật mới mà dàn nghệ sĩ ấy được nhận ngay ít ngày sau khi chính thức chuyển sang “nhà mới”.
Gong Minzy ra MV mới chỉ thời gian ngắn sau khi “chuyển nhà”.
Hug Me - Nam Taehyun
Từ bỏ YG, con đường phía trước của họ có thể sẽ khó khăn, gian truân hơn gấp bội, thế nhưng dù sao đi nữa, những nghệ sĩ ấy cũng còn có cơ hội được xuất hiện trước khán giả, được tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu, hoặc ít nhất cũng được sống hết mình với hoài bão, đam mê, thứ mà YG chưa bao giờ làm được.
Còn về YG, tương lai của công ty giải trí này sẽ ra sao nếu không có một đường lối, hướng đi mới thực sự đúng đắn? Chỉ có thời gian, những gì mắt thấy tai nghe mới đem lại câu trả lời rõ ràng nhất!