Âm Nhạc

Một đêm nhạc Trịnh nhỏ bé

Chia sẻ

Trong không gian ấm cúng của phòng trà, hàng trăm người yêu nhạc cùng lắng nghe những tình khúc của cố nhạc sĩ tài hoa.

Đêm nhạc “Trịnh ca - Tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” mở màn bằng ca khúc Để gió cuốn đi qua tiếng hát của ca sĩ Quỳnh Hoa. Dù không thuộc hàng ca sĩ quá nổi tiếng vào đầu những năm 90, nhưng giọng ca mượt mà của chị hòa quyện với thanh âm trong trẻo của đàn vĩ cầm đã khiến khán phòng lắng đọng và nhớ về Trịnh, người đã gieo vào lòng mỗi người Việt những lời ca đầy ý nghĩa nhân sinh, những triết lý thiền giản đơn mà sâu sắc.

Trong đêm nhạc, ca sĩ Quỳnh Hoa chia sẻ, âm nhạc của Trịnh Công Sơn thấy cả thi ca, những điều triết lý của cuộc sống về nhân sinh quan của người Việt. Chính vì vậy, những ca khúc của ông chạm được trái tim của tất cả mọi người.

Ca sĩ Quỳnh Hoa mang đến đêm nhạc một cảm xúc sâu lắng.

Ca sĩ Quỳnh Hoa mang đến đêm nhạc một cảm xúc sâu lắng.

“Ngay cả bản thân Trịnh Công Sơn, lúc sinh thời vẫn thường nhắc với những ca sĩ phải hát thật mộc mạc, đơn giản và cất những tiếng hát lên sẽ là cuộc đời của mỗi người”, nữ ca sĩ bộc bạch.

Nghe nhạc Trịnh không phải để biết, để hiểu mà nghe để thưởng thức, để cảm nhận. Nhạc Trịnh du dương như dòng nước chảy qua cõi đời, mộc mạc, thưa thả, không gào thét và nhất thiết không cường điệu. Ca khúc vang lên với những câu thơ rất đỗi tình: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

Với chúng ta, mỗi khi nói về Trịnh Công Sơn thường nói đến bằng một khái niệm không rõ ràng, bởi lẽ, chính âm nhạc của ông cũng khiến con người ta hiểu theo nhiều ngữ nghĩa và chủ đề khác nhau. Nhưng tựu chung lại, âm nhạc của Trịnh được sáng tác theo hai đường lối chủ đạo là tình yêu và thân phận con người.

Tất cả những nhạc phẩm viết về tình yêu của Trịnh đều khắc khoải một một nỗi niềm, một sự cô đơn, còn những ca khúc viết về thân phận con người thường là sự ám ảnh về cái chết. Cái chết trong âm nhạc của Trịnh có luôn có bóng hình của một người thân, đó là cha ông. Điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn của ông vì ông đã kể về nỗi ám ảnh thường trực của mình về cái chết. Rất nhiều bài hát đầu đời của Trịnh đã phảng phất cái không khí vắng lặng của sự mất mát. Và đó là nguyên nhân khi tiến về tuổi trưởng thành, giữa sự bức xúc của cuộc sống, của những năm tháng buồn vui, nỗi ám ảnh ấy trở thành ngọn nguồn của một nỗi âu lo thường trực về sự vắng bóng con người. Đúng lúc này, giọng hát của Tuấn Hiệp vang lên trong ca khúc Rừng thưa đã khép khiến khán phòng lắng đọng càng thêm lắng đọng.

Tuấn

Giọng hát của Tuấn Hiệp dày, nội lực, gai góc và khá phong trần nhưng khi hát nhạc Trịnh bỗng trở nên nhẹ nhàng và quyến rũ.

Giọng hát của Tuấn Hiệp dày, nội lực, gai góc và khá phong trần nhưng khi hát nhạc Trịnh bỗng trở nên nhẹ nhàng và quyến rũ. Trong đêm nhạc, giọng ca xuất thân từ nhạc viện chia sẻ, hôm qua anh ở bên cạnh Khánh Ly cả một ngày, nghe cô tâm sự những kỷ niệm với Trịnh và nhạc Trịnh. Đó cũng là cách để anh cảm nhận và hiểu nhạc Trịnh, rồi từ đó thể hiện đúng hồn cốt của từng nhạc phẩm.

giọng ca bay

Giọng ca bay bổng của Hồng Nhung cũng là dư vị khá lạ cho đêm nhạc.

Đối lập với giọng hát phong trần của Tuấn Hiệp, giọng ca bay bổng của Hồng Nhung cũng là dư vị khá lạ cho đêm nhạc. Một ca sĩ trẻ hát những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn với đầy đủ sự tươi mới, trẻ trung cần thiết. Ca khúc Còn tuổi nào cho em, Dấu chân địa đàng, Bạn đời đi nhé, Quỳnh hương, Phôi pha… không hề có sự u sầu, than thở mà là sự lạc quan của thế hệ trẻ trong thế giới phẳng.

3 giọng ca, 3 màu sắc nhưng đều thể hiện sự trân trọng với Trịnh và nhạc Trịnh. Dù ở vị trí nào, địa vị nào họ đều cất lên những ca khúc của Trịnh Công Sơn đầy say mê. Trong một đêm nhạc ấm cúng lại nhớ đến một câu nói ấn tượng của Trịnh: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”.

Chia sẻ
Tin mới nhất