Bolero là thể loại nhạc trữ tình với giai điệu chậm, có xuất xứ từ các nước Latin. Thể loại này bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950 với tên gọi bình dân như nhạc “sến”. Khi du nhập vào Việt Nam, các nhạc sĩ đã khéo léo kết hợp bolero với các làn điệu giân ca truyền thống, tạo nên những giai điệu mượt mà, dễ đi vào lòng người. Điệu Bolero không chỉ sử dụng trong các ca khúc nhạc vàng mà còn phổ biến trong các nhạc phẩm khác của Tân nhạc Việt Nam.
Hầu hết các bài hát điệu Bolero ở Việt Nam đều có đặc tính chung là đậm chất dân ca, giai điệu đều đều, chậm, lời ca vần và dễ thuộc, chủ đề đơn giản, ít có tính hình tượng và mang tính triết lý. Vì vậy khi kết hợp bolero với nhiều nhạc: dance, rock hay EDM đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều từ phía công chúng và giới chuyên môn. Đỉnh điểm là clip mix bolero với nhạc điện tử, ghi hình ở hồ bơi của ca sĩ Quách Tuấn Du đã khiến khán giả ngán ngẩm.
Theo đó, một kênh truyền hình phát sóng online trên mạng xã hội Youtube đã công bố sê-ri Bolero Mix mở màn là Bolero Mix - Quách Tuấn Du Pool Party. Việc chọn Quách Tuấn Du mở màn cho dự án Bolero Mix bởi trước đó giọng ca 35 tuổi từng thu về gần 19 triệu lượt xem với video Mr Bolero Dance - Quách Tuấn Du.
Trong MV này, những ca khúc bolero quen thuộc như Phố vắng em rồi, Về đâu mái tóc người thương, Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi, Chuyện ba mùa mưa, Những đêm lạnh giá… được giọng ca sinh năm 1981 phối thành những bản nhạc EDM sôi động, quay tại hồ bơi với dàn mẫu nam nữ mặc bikini, quần bơi tạo dáng uốn éo. Đặc biệt, Quách Tuấn Du còn thực hiện cả một màn múa cột.
Ca sĩ Quách Tuấn Du cho biết: “Khi phát hành Mr Bolero Dance năm ngoái thu hút lượng người xem khủng kèm theo hưởng ứng tích cực của khán giả, thậm chí là khán giả lớn tuổi vốn quen thuộc với cách hát bolero cũ khiến tôi thấy đây là hướng đi đúng. Việc hát bolero theo lối cũ đã có quá nhiều tượng đài thành công nên việc bolero remix sẽ là lựa chọn của tôi”.
Sau Quách Tuấn Du, Bolero Mix sẽ phát tiếp hai tập với sự tham gia của ca sĩ Lưu Chí Vỹ và Châu Ngọc Tiên, vẫn với bối cảnh một bữa tiệc hồ bơi (pool party). Tuy nhiên, việc này đang vấp phải những ý kiến trái chiều từ khán giả và giới chuyên môn.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang cho rằng, những ca sĩ trẻ làm bolero theo lăng kính, góc nhìn của người trẻ, đó là cách cho bolero có sức sống, không nên đóng khung bolero phải như thuở xưa. Tuy nhiên, với phần minh họa bằng trang phục bikini cả nam và nữ thì nhạc sĩ Đài Phương Trang khẳng định: “Phần hình ảnh không phù hợp. Bởi đặc tính bolero là tâm trạng tình yêu vui buồn lẫn lộn, mà đa số là nỗi buồn. Minh họa bằng uốn éo bikini cho nỗi buồn thì e rằng không hợp. Tôi nghĩ nên dừng lại nếu ca sĩ có ý định quay MV remix nhạc bolero ở hồ bơi”.
“Ông vua nhạc sến” Vinh Sử nêu quan điểm, dù phá cách như thế nào thì vẫn phải giữ được nhịp điệu của nó 4-4. Còn ca sĩ - nhạc sĩ Đình Văn thì không chấp nhận việc hát nhạc bolero trong không gian hồ bơi, lại có nhiều dàn mẫu nữ mặc bikini. “Ca sĩ hát “hồn lỡ sa vào đôi mắt em” mà bên cạnh nhóm múa nhảy nhót thì đã làm vô duyên ca khúc chứ đừng nói đến hát vậy ở hồ bơi rồi còn mặc bikini“, Đình Văn chia sẻ.
Liên quan đến việc có nên remix nhạc bolero và quay MV ở hồ bơi với dàn diễn viên mặc bikini hay không, ca sĩ Tuấn Hiệp đã có bài viết gửi độc giả Saostar.vn thẳng thắn nói quan điểm về vấn đề này. Saostar.vn xin giới thiệu bài viết của Tuấn Hiệp - ca sĩ chuyên dòng nhạc bolero được giới chuyên môn đánh giá cao.
Theo tôi, một bài hát về bolero pha trộn những dòng nhạc như dance, rock hay EDM đôi khi có thể chấp nhận được ở quán bar, phòng trà hay vũ trường. Ở một số chương trình lớn được cấp phép cũng có thể thay đổi tiết tấu để tránh sự nhàm chán. Nếu chương trình dài 2 tiếng mà hát những ca khúc bolero giai điệu nhẹ nhàng, lãng đãng mãi cũng buồn. Thay đổi là một giải pháp, nhưng phải ở một tiết tấu có thể cho phép và phải có những lời dẫn giải khi trình bày tác phẩm đó. Gần đây, có những ca sĩ remix nhạc bolero quá đà hoặc thực hiện những MV quay ở hồ bơi với dàn mẫu ăn mặc phản cảm thì đương nhiên không thể chấp nhận được. Bolero là sự hoài niệm, là quá khứ, nó có đời sống tinh thần riêng - đời sống ở đây phổ biến cho tất cả mọi tầng lớp để ai cũng có thể nghe được. Trước năm 1975, dòng nhạc này được gọi là dòng nhạc thời trang đại chúng, hát ở những môi trường thưởng thức. Nhiều người nói đây là dòng nhạc “sến” nhưng theo tôi “sến” cũng chỉ là một quan niệm, không mang tính phổ biến. Những ca sĩ nổi tiếng và trở thành biểu tượng ở dòng nhạc này như cô Hoàng Anh, Phương Dung, Thanh Thúy, Chế Linh… Vì vậy, nếu để remix, thay đổi tiết tấu nhạc bolero thì chỉ mang tính thời điểm, còn tổ chức hẳn một sê-ri thì không nên. Đối với những người đã nghe thuần về bolero hoặc hiểu về lịch sử, giá trị bolero thì đương nhiên cách mà các nghệ sĩ trẻ phối lại nhạc sẽ không được người ta chấp nhận. Việc làm khác bolero đã là một cái không chấp nhận được rồi chứ chưa nói đến những hình ảnh không đẹp, không có thẩm mỹ được xuất bản trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những người được coi là cha tổ của bolero họ càng không chấp nhận được. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ trong một chương trình ở hải ngoại khi người MC giới thiệu ca khúc Tàu đêm năm cũ của nhạc sĩ Trúc Phương do ca sĩ Thanh Thúy thể hiện. Ca khúc này được thể hiện theo tiết tấu rumba trầm buồn, nhưng khi kỹ thuật bật băng lại nhầm sang tiết tấu chachacha mambo vui vẻ (tức là ca khúc Tàu anh qua núi có hai phiên bản rumba và chachacha) đã bị khán giả la ó và tỏ thái độ không hài lòng. Ngay sau đó, những người thực hiện chương trình này phải xin lỗi khán giả và khẳng định đây là một tai nạn nghề nghiệp. Điều đó thấy rằng bolero có một đời sống riêng, không thể tự ý “chế biến” một cách quá đà được. Người nhạc sĩ khi sáng tác một nhạc phẩm nào đó, họ đã tính toán lời bài, giai điệu và tiết tấu của ca khúc, có những ca khúc không thể thay đổi được và phải thể hiện đúng tinh thần của bài hát. Đừng tưởng cứ “lao” vào chuyển tiết tấu là làm mới, làm lạ, nhiều khi lại lộ ra những sự thiếu hiểu biết, bởi mỗi ca khúc bolero đều chứa đựng một hoàn cảnh sáng tác rất đặc biệt. Tôi chỉ chấp nhận một ca khúc về bolero thay đổi tiết tấu ở một không gian, một thời điểm nào đó thôi, chứ ý đồ thực hiện hẳn một sê-ri tôi nghĩ không nên. Điều này sẽ khiến cho giá trị dòng nhạc bolero nguyên thủy bị đảo lộn. Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại có cầu thì mới có cung, không thể trách hoàn toàn vào người nghệ sĩ được, đôi khi những người có quyền hạn cấp phép biểu diễn, quản lý về văn hóa cũng cần có những hành lang pháp lý để hạn chế tư duy không đúng mực về bolero. Cái quan trọng của một ca sĩ khi thể hiện những ca khúc về bolero là phải thích và đam mê về dòng nhạc này. Một ca sĩ có giọng mà đam mê thì sẽ hát được thôi, chứ không có chuyện giọng của người này, người kia không phù hợp, chỉ có điều người ca sĩ đó có thể hiện tới hay không thôi. Hát những ca khúc về bolero như nói, như kể chuyện, mà kể chuyện thì đâu cần phải gồng lên, đâu cần phải có quá nhiều biến báo kỹ thuật. Nói chung một nghệ sĩ muốn thể hiện thành công dòng nhạc này phải thực sự yêu thích và hiểu đúng giá trị và thông điệp truyền tải. Ca sĩ Tuấn Hiệp |