Mới đây, một trong những tạp chí âm nhạc lừng danh nhất Rolling Stones đã vạch trần hàng loạt hãng đĩa sử dụng hình thức "Payola" để giúp nghệ sĩ của mình thăng hạng trên bảng xếp hạng Billboard. Nhiều cái tên hàng đầu làng âm nhạc đã bị báo chỉ điểm thẳng tay như Cardi B, Shawn Mendes, Ed Sheeran, Ariana Grande, Dua Lipa,... Cùng đọc xem tạp chí Rolling Stones kính yêu đã vạch trần bản chất, những chiêu trò ăn gian của ngành công nghiệp âm nhạc như thế nào.
Thuật ngữ "Payola" được biết đến như hành vi thanh toán bất hợp pháp hay sự xúi giục của hãng đĩa để được phát ưu tiên nghệ sĩ đó trên đài phát thanh. Trong đó, ca khúc sẽ được thông báo phát sóng trên đài như một phần của chương trình chứ không hề tiết lộ hình thức trao đổi bằng tiền mặt hay hiện vật đã được tính toán đằng sau. Theo luật pháp Hoa Kỳ, một đài phát thanh có thể phát nhạc để đổi lấy tiền nhưng điều này phải được tiết lộ trên sóng như khoản tài trợ chương trình phát sóng.
Vạch trần ông trùm đứng sau hoạt động "Payola" cho hàng loạt tên tuổi
Steve Zap, một nhà quảng bá radio độc lập, có sức ảnh hưởng lớn tới đài phát thanh Hot AC. Gần đây, ông cũng đã bị vạch trần khi phó chủ tịch cấp cao phụ trách quảng cáo mảng radio của Elektra Records - Mitch Mills đã gửi một văn bản khẩn cấp cho Zap liên quan đến công ty thu âm Warner Music (công ty quản lí của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Twenty One Pilots, Panic! at the Disco, và Fitz and the Tantrums). Văn bản tháng 6 năm 2019 cho thấy Mills lo lắng về Panic! at the Disco nhận được quá ít lượt phát sóng trên đài của Zap và Mills viết: "Tôi vừa thực hiện một giao dịch 2k đô với ông, tôi cần Panic quay lại ngay".
Các hãng đĩa thường thuê các nhà quảng bá độc lập - bên thứ ba, để tận dụng một quan hệ của họ với các giám đốc chương trình của đài phát thanh để thêm một số bài hát mong muốn vào chương trình. Thủ đoạn là có, các hãng đĩa mượn danh nghĩa bên trung gian để sử dụng chiêu trò "hỗ trợ tài chính" cho các đài phát than . Thực chất họ đang lách luật để có thể giao dịch một cách không bị ai phát hiện, một chiêu trò "payola" kiểu mới.
Cụ thể hơn, "bản chất của quảng cáo" mà Zap hứa hẹn với các nhà đài: " Chúng ta có thể làm điều đó với Flora Cast và Khalid không?" đề cập tới bộ đôi ca sĩ nhạc pop và R&B. "Hứa rằng cho bài hát phát 35 lần 1 ngày, tôi sẽ chuyển ngay khoản tiền."
Nhiều văn bản của Zap đề cập đến việc giúp các ca khúc đạt được thứ hạng cao trong những tuần quan trọng. Hành vi thực hiện vô cùng tinh vi bằng chiến thuật " hoán đổi bài hát". Zap có thể sử dụng mối quan hệ tước bỏ tạm thời thứ hạng cao của một nghệ sĩ và thay bằng một nghệ sĩ khác để tráo điểm, dẫn tới thay đổi trong điểm số của bảng xếp hạng tuần đó của ca khúc.
Zap cũng đã từng hướng dẫn một đài phát thanh thực hiện một kế hoạch để giúp cho Dua Lipa, Halsey, Marshmello thăng hạng bằng cách tạm thời giảm bớt số lần phát nhạc của các nghệ sĩ khác để nhường cho họ. Một tin nhắn cho hay: "Chúng ta có thể giảm của Panic! At The Disco đến chủ nhật được không? Chịu khó giúp cho Marshmello một tí đi nhé!"
Những ảnh hưởng của "Payola" lên ngành công nghiệp âm nhạc
Vào tháng 8 năm 2019, Zap cũng đã gửi cho một đài tin nhắn: "Tuần này hãy triệt Panic! At The Disco và Ed Sheeran, đưa Shawn lên số 1 nhé. Republic làm tôi đổ mồ hôi rồi đấy!". Vào thời điểm ông ta nói thế, trên bảng xếp hạng Billboard, "I Don't Care" của Ed Sheeran ở vị trí số 1, "If I Can’t Have You" của Shawn Mendes ở vị trí số 3 (Republic Records đang quảng bá đĩa đơn cho Shawn) - và Panic! at the Disco "Hey Look Ma, I Made It" ở vị trí số 4. Khi ngày chốt bảng xếp hạng gần đến, Zap thúc giục đài phát thanh phát đĩa đơn của Shawn Mendes nửa tiếng một lần. Nhưng sau đó Zap lại gửi đi một tin nhắn: "Đã gần tới giờ chốt nhưng vẫn chưa qua được Ed. Sau tám giờ tối chúng ta có thể làm nó sau mỗi 15 phút. Không ai để ý đâu lúc này đâu. Không một ai trừ khi họ trong xe thôi."
Và kết quả tuần sau đó, không khó hiểu lắm khi Shawn Mendes đã vượt qua Ed Sheeran để đạt vị trí số 1 trên BXH Mediabase - bảng xếp hạng của đài Radio với ca khúc "If I Can't Have You".
Những chiêu trò này có sức ảnh hưởng vô cùng lớn tới vị trí BXH của Billboard và ảnh hưởng tới những nghệ sĩ quảng bá một cách chính đáng. Một trong những cái tên hot nhất trên BXH Billboard 2019 cũng đã bị nghi dính dáng tới sử dụng "payola" để leo chart - Ariana Grande. Cô nàng từng chiếm trọn 3 vị trí đầu tiên trên BXH Billboard Hot 100 với 3 bản hit của năm là "Thank u, next", "7 rings" và "break up with your girlfriend, i'm bored".
Theo số liệu thống kê đài Z100 của Mỹ thì với thời đỉnh cao sự nghiệp "Thank u, next" chỉ cần hơn 10 phút là bạn có thể nghe được một bài nhạc của Ariana trên đài radio.
Không chỉ riêng kỷ nguyên "Thank u, next" mà ngay từ kỷ nguyên trước đó của tiểu diva " Sweetener" cũng chỉ cần đợi 30 phút thì bạn sẽ lại nghe thấy bài hát của Ari trên Radio. Và hãy nghĩ kỹ về điều đó, khi một sản phẩm âm nhạc được phát tràn lan thế, còn đâu thời gian cho những sản phẩm vừa ra mắt khác nữa? Đó là sự bất công thấy rõ mà Payola gây ra.
Mặt lợi/hại của Payola
Nhưng thứ gì cũng có tính hai mặt của nó. Một chương trình có tên " On the Verge" của iHeart Radio được tạo ra, đã yêu cầu 840 nhà đài của họ phát một ca khúc ít nhất 150 lần để nâng đỡ tên tuổi nghệ sĩ mới. Thật ra, đó chính là một vở kịch giữa các bên để tránh né pháp luật.
Một trong những ca khúc nhận được ích lợi này phải kể đến là "Fancy" của Iggy Azalea hợp tác cùng Charli XCX. Và từ đó đưa tên tuổi của nàng rapper thành cơn sốt năm 2014. "Payola" là một trong những cách nhanh nhất để đẩy danh tiếng của một nghệ sĩ vô danh, ít người biết đạt đến những thành công ngoài mong đợi. Nó cũng giúp khám phá ra những tài năng chưa được phát hiện. Và có lẽ nhờ điều đó giờ chúng ta mới biết tới khá nhiều nghệ sĩ tài năng như Cardi B, Iggy Azalea hay Tinashe.
Ngược lại, việc sử dụng "payola" ảnh hưởng tới những nghệ sĩ chân chính. Như đã nói ở phần phía trên, nó khiến cho những bài hát của họ bị từ chối bởi các nhà đài vì không có thời gian phát hay bị thay thế bởi các ca khúc trả phí. Qua đó ảnh hưởng lớn tới vị trí của ca khúc trên BXH cũng như độ phổ biến của bài hát.
Nghe thì nhẹ nhàng nhưng hoàn toàn có thể hủy hoại sự nghiệp của một nghệ sĩ trong một cái nháy mắt. Cụ thể như trường hợp của Katy Perry, một phần sự "flop" của Katy cũng là do các đài phát thanh không hỗ trợ dẫn đến các bài hát bắt đầu tuột dốc trên BXH Radio US chỉ sau 2, 3 tuần.
Từ những sự việc trên đã gây ra không biết bao nhiêu lời qua tiếng lại của các nghệ sĩ, hay những vụ hỗn chiến giữa các fandom. Nổi bật như việc Nicki Minaj xỉa xói Cardi B đã sử dụng thủ đoạn "payola" để giúp ca khúc của mình trụ vững trên các BXH trong khi chị đại "Anaconda" với album "Queen" lại bị tụt dốc trên các BXH của Billboard.
Hay cuộc đối đầu nảy lửa của "Shallow" - Lady Gaga và "7 rings" - Ariana Grande trên đường giành ngôi vương BXH Billboard Hot 100. Tuy rằng fan của Mẹ quái vật đã yêu cầu các đài rất nhiều lần nhưng điểm radio tăng vẫn rất chậm. Thay vào đó, các đài phát thanh phát nhạc của cô nàng Ariana liên tuc tù tì, điều đó đã làm cho các Little Monsters vô cùng tức giận. Cả hai fandom đã có những xung đột về hình thức "payola". Kết quả cuối cùng nhờ số lượng bản thuần bán ra vô cùng lớn đã giúp "Shallow" dành phần thắng tuy rằng số điểm airplay khá thấp.
Qua hàng loạt bằng chứng xác thực nảy lên cuộc tranh cãi về vấn đề "Payola". Bạn nghĩ hình thức này là xấu hay tốt? Billboard cần thay đổi như thế nào để phù hợp với tình trạng hiện nay? Cùng để lại bình luận phía dưới cho Saostar biết nhé!