Làn sóng âm nhạc Hàn Quốc đã và đang ngày càng lan tỏa rộng hơn ra toàn thế giới với một lượng fan đông đảo, hùng mạnh đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Dù có sự khác biệt về văn hóa, quốc tịch thế nhưng một khi đã bước chân vào thế giới KPOP, bất cứ fan nào cũng đều sẽ nhanh chóng “thuộc lòng” được hết những biểu tượng nổi bật mang đậm dấu ấn KPOP, và một trong số đó là photocard.
Nếu như là một fan KPOP lâu năm và chính hiệu, chắc chắn sẽ không thể nào không biết đến photocard bởi chúng mang dấu ấn “độc nhất vô nhị” chỉ có ở làn sóng âm nhạc Hàn Quốc.
Đã từ lâu, fanKpopquen thuộc với những chiếc photocard xuất hiện trong album của thần tượng. Chúng là ảnh selfie hoặc chụp cận mặt từng thành viên, có kích thước nhỏ và được phân phối ngẫu nhiên trong album. Vì không biết bóc album nào mới trúng photocard của idol, nhiều tấm ảnh còn thuộc dạng "hàng hiếm" được săn đón nên chúng vô cùng có giá trị trong fandom.
Do đó, người hâm mộ không chỉ "cày view" cho thần tượng mà còn sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để mua album, photobook. Đối với họ, việc bỏ một khoản tiền lớn để sở hữu vật phẩm phiên bản giới hạn idol là điều hạnh phúc.
Nhiều fan sở hữu bộ sưu tập hàng trăm tấm photocard với giá "trên trời". Bắt bài được tâm lý đó, các công ty giải trí khi phát hành album của nghệ sĩ đều đính kèm photocard. Đáng nói, những ảnh thẻ này được phát một cách ngẫu nhiên.
Thế nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc của những tấm ảnh này, ai là người tiên phong trong việc đưa chúng vào album. Để tìm hiểu lịch sử của những tấm photocard gây náo loạn các fandom Kpop, phải ngược dòng về 11 năm trước.
Vào tháng 1/2010,SNSDphát hành full album thứ 2 trong sự nghiệp mang tên Oh!. Khác với những album Kpop trước đó chỉ gồm đĩa CD và một vài tấm hình, lần nàySM Entertainmentchụp ảnh 9 thành viên SNSD và làm thành bộ photocard đính kèm đĩa nhạc.
Chẳng biết lúc ấy SM muốn đặt ảnh từng thành viên SNSD vào trong album để tạo sự mới mẻ hay là "chiêu" nhằm tăng doanh số album, thế nhưng chúng đã trở thành những tấm photocard đầu tiên trong lịch sử Kpop. Kể từ đó, các công ty khác đua nhau học hỏi, khiến đây trở thành món goods không thể thiếu trong các album của các idol.
Vì tính chất ngẫu nhiên (mỗi album có ảnh của 1 thành viên hoặc cả nhóm) nên fan tranh nhau săn lùng những tấm photocard hiếm. Ảnh thành viên hot được bán lại với giá "cắt cổ", có khi đắt hơn cả album. Nhiều công ty còn tranh thủ phát hành nhiều phiên bản album để kích thích fan sưu tập đủ photocard của idol mình thích, nhờ đó mà doanh số bán đĩa tăng theo.
Từ đó, SM và SNSD được xem như là "công thần" giúp thúc đẩy doanh thu bán hàng cho ngành công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc. Bộ photocard này của các cô gái SNSD không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Không chỉ tạo ra những chiếc photocard "nhỏ nhưng có võ", SM còn sáng tạo màu bóng cổ vũ, làm show thực tế cho "gà nhà" và là công ty đầu tiênquay video tập nhảy (dance practice). Do đó, hiện tại tuy có nhiều công ty và các nhóm nhạc phát triển hơn, thế nhưng không thể phủ nhận vị thế và đóng góp của SM cho nền công nghiệp Kpop, xứng danh công ty luôn đi đầu trong việc xây dựng văn hóa fandom.
Trong thời đại công nghệ 4.0, điện thoại, máy tính có thể lưu trữ hàng tá ảnh nhưng các fan K-pop vẫn thích sưu tầm những tấm ảnh thẻ của thần tượng. Người hâm mộ thích cảm giác cầm trên tay những chiếc card, chiêm ngưỡng vẻ đẹp chân thật những từ idol nhà mình.
Thay vì phải mua nhiều album để trúng được card bias, fan K-pop chọn cách trao đổi card với nhau hoặc săn lùng những người bán lại card idol. Thực tế, không có bất kỳ định giá cụ thể nào cho photocard. Giá của một photocard phù thuộc vào độ "hot" của thần tượng hay mức độ hiếm hoi của tấm ảnh đó. Và một điều đặc biệt rằng, bạn sẽ không thể tìm thấy những biểu tượng thú vị này ở bất cứ nền âm nhạc nào khác trên thế giới.