Từ những tháng năm cũ tìm về (*)
Không thể phủ nhận sự ảnh hưởng cũng như mức độ lan toả các ca khúc của nhạc sĩ Việt Anh đối với một thế hệ khán giả, đặc biệt lứa cuối 7X đầu 8X. Làn Sóng Xanh với sức mạnh của bảng xếp hạng ca khúc đầu tiên đã sản sinh ra Saigon Boys mà trong đó Việt Anh là thành viên cốt cán. Cũng từ những tháng năm đó, những tình khúc của Việt Anh ra đời khắc ghi những quãng thời tuổi trẻ của người nhạc sĩ này.
Dòng sông lơ đãng có thể coi là một đêm nhạc để nhắc nhớ lại một thời hoàng kim đã xa (nhưng chưa cũ) của Việt Anh với sự tụ hợp của những giọng ca hàng đầu. Xét trên bình diện chung của các đêm nhạc từ đầu năm cũng như nhìn vào chất lượng đêm diễn, Dòng sông lơ đãng đã không thật sự lơ đãng trong lòng khán giả. Có những dấu ấn và có những khúc quanh để sự lơ đãng không chìm vào…quên lãng.
Đầu tiên phải khen ngợi nhạc sĩ Trần Nhật Minh - chỉ duy Dàn nhạc giao hưởng TP. HCM - bởi sự góp sức của anh đã “nâng tầm” đêm nhạc rất nhiều, đó là chưa kể những pha “cứu thua” cho ca sĩ khá ngoạn mục bởi một số sự cố mang tên “trật nhịp”. Những bản phối mới như những tấm áo mới được khoác lên những ca khúc cũ, vẫn duy trì được vẻ đẹp của ca từ, giai điệu của Việt Anh mà không làm mất đi tinh thần.
Cá nhân thứ hai thấy được rõ sự đóng góp của anh trong sự thành công của đêm nhạc chính là đạo diễn Trần Vi Mỹ. Sân khấu được bài trí đơn giản với một Dàn nhạc giao hưởng ngồi chính giữa, bên trái là ban nhạc Saigon Boys cùng ánh sáng chỉn chu khiến cho màu sắc của đêm nhạc giữ được sự thanh lịch cần thiết nhưng cũng không kém phần sang trọng. Những màn múa phụ hoạ đương đại hoặc hiện đại được lồng vào từng ca khúc được lựa chọn khá kĩ, thực sự phù hợp với bài hát.
Về thành phần ca sĩ, đặc biệt phải dành những tràng vỗ tay thật lớn cho Nguyên Thảo và Trung Quân. Nếu như Nguyên Thảo vẫn giữ vững phong độ, vẫn lối hát tinh tế nhẹ nhàng với chùm ca khúc Những mùa hoa bỏ lại, Và câu chuyện bắt đầu. Đặc biệt là ca khúc mới Những bến bờ cho con được Nguyên Thảo lần đầu biểu diễn. Chất giọng ca, trong và sáng của cô đã giúp cho bầu không khí của nhà hát Hoà Bình thực sự lắng đọng, chìm vào những lời ru đầy yêu thương. Điềm trừ của Nguyên Thảo có lẽ là…giao lưu. Thảo có lẽ nên hát thôi chứ đừng nói bởi sự cố gắng của Thảo chưa thực sự duyên dáng như giọng hát của cô.
Trung Quân với hai ca khúc mới Nơi mùa thu bắt đầu và Tôi là ai trong em lại mang đến những màu sắc mới. Một chất giọng nội lực được đặt đúng chỗ, khai thác đúng điểm mạnh khiến cho Quân như “bay” cùng ca khúc của mình. Bản Mash-up Phía cuối những hàng thông - Tôi là ai trong em có đôi phần thiệt thòi cho Quý Bình bởi nhiều lẽ, mà rõ ràng nhất là khi đứng chung sân khấu, Quý Bình dù có lợi thế về ngoại hình nhưng khi cất giọng thì Trung Quân với sự lộng lẫy vốn có đã lấn át tất cả để dành “spotlight” về mình.
Nếu khen Thu Phương hát nhạc Việt Anh hay có lẽ là điều cũ kĩ và nhàm chán. Trong chương trình này cũng vậy, sự xuất hiện của Thu Phương ở cuối chương trình ít nhiều cũng làm bừng lên một màu sắc nhất định nhưng màu sắc đó, rất tiếc, lại không có gì đột phá so với chính nữ ca sĩ hải ngoại. Sau chừng đó năm miệt mài với nhạc Việt Anh, Thu Phương vẫn giữ mình ở mức độ đã/ đang biết, chưa có gì đột phá hoặc khác biệt, điều mà đặt vào hoàn cảnh đặc biệt như đêm nhạc này là một đòi hỏi chính đáng dựa trên những thâm tình đã có giữa cặp đôi nhạc sĩ - ca sĩ này.
Bên cạnh đó, những ca khúc mới của Việt Anh thật sự là một điểm sáng của chương trình. Ngoài Nguyên Thảo, Trung Quân như phần trên đã nhắc còn có Uyên Linh với Xin giữ cho em hoàng hôn. Một ca khúc đầy tự sự, da diết đúng “phom” Uyên Linh và nhiều khả năng đây cũng sẽ lại là một ca khúc được khán giả yêu thích như những tình ca có màu sắc tương tự trước đó. Hoàng Bách với Khi gió mùa sang (một ca khúc đã được Tấn Minh hát trước nhưng ít được để ý) và Cơn mua nhỏ đầu mùa - một ca khúc mới hoàn toàn - đã chinh phục người nghe một cách gọn ghẽ. Với trang phục thanh lịch, lối biểu diễn lịch lãm, chất giọng đẹp cùng cách xử lý đầy đặn, Hoàng Bách đã để lại những tấn tượng lớn với hai ca khúc trên.
Chia sẻ về điều này, Hoàng Bách cho biết: Chưa bao giờ Bách dồn nhiều tâm huyết cho một đêm nhạc như Dòng sông lơ đãng và thực tế đã diễn ra đúng như Bách hình dung, một đêm nhạc quá nhiều cảm xúc. Cả tuần chỉ chăm chăm luyện thanh cho hai ca khúc này bởi như bạn biết ca khúc của anh Việt Anh dễ nghe nhưng khó hát nhất là sự hoà quyện giữa cảm xúc và yếu tố kĩ thuật rất chặt nên đòi hỏi người hát phải hết sức tập trung. Nếu hỏi rằng Bách hài lòng về phần biểu diễn chưa thì Bách tin rằng nếu được làm lại thì vẫn có thể làm tốt hơn nữa.
Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc (**)
Điều đáng tiếc nhất ở đêm nhạc của nhạc sĩ Việt Anh có lẽ là sự biên tập và đường dây kịch bản chương trình chưa tốt. Một đêm nhạc với những ca khúc nổi tiếng được các ca sĩ tuần tự xếp hàng ra hát, tâm sự đôi điều về ca khúc, về người nhạc sĩ mà không có bất cứ sự kết nối nào giữa các tiết mục. Sự kết nối trong câu chuyện cũng như cách kể chuyện của người làm chương trình chưa rõ ý để nêu bật được tinh thần đêm nhạc là “nhìn lại và bước tới”(chẳng hạn thế!). Nói đơn giản nó là những màn biểu diễn từ khá đến tốt được sắp xếp lại mà không có một sợi chỉ nào để xuyên suốt các nhạc mục đó.
Cũng có lẽ bởi sự biên tập chưa được tốt nên tinh thần chung của đêm diễn khá đều và buồn. Bỏ qua một bên chuyện nhạc của Việt Anh về cơ bản mang tính tự sự cao thì việc điều phối nhịp cho một đêm nhạc để có thế thấy được sự thay đổi về không khí, nhịp điều là chưa mạnh. Quá nửa đầu, chương trình diễn ra trong sự đều đều, thậm chí có lúc khá buồn ngủ cho đến khi nửa sau mọi chuyện mới được cải thiện hơn.
Đạo diễn Trần Vi Mỹ đã khá dụng công với đêm nhạc Dòng sông lơ đãng, điều đó đã được nhắc ở phần trên, nhưng bên cạnh đó cũng có những thứ vị đạo diễn này bày biện hơi…lãng phí. Đó là về phần visual với màn hình nền đôi khi chưa thật ăn nhập với nội dung và tinh thần bài hát. Sự xuất hiện của 3 màn hình lớn (1 chính giữa và 2 cánh) với những hình ảnh minh hoạ khá “sến” không thật sự ăn nhập với ca khúc của Việt Anh. Về phần ánh sáng, chắc chắn đó là ánh sáng đẹp, cầu kì và nhiều biến chuyển nhưng thực tế là sự cầu kì và đẹp đẽ đó được đạo diễn set-up với nhiều ưu ái dành cho chụp - ghi hình nhiều hơn là dành cho khán giả tại sân khấu. Có những tiết mục mà chỉ ngồi cách sân khấu chừng 30m là khán giả không nhìn thấy rõ mặt ca sĩ cũng như nhữg chuyển động trên sân khấu bởi ánh sáng sân khấu không thuận mắt cho ai đang coi trực tiếp.
Nếu như Quý Bình tham gia đêm nhạc với tinh thần “anh em góp mặt cho vui” thì về phía ca sĩ, phần biểu diễn kém thuyết phục nhất lại thuộc về nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Mặc dù trước khi biểu diễn, nam ca sĩ cũng “dạo đầu” rằng có nhiều ý kiến “nhắn nhủ” anh không hát được nhạc Việt Anh và anh sẽ chứng minh cho mọi người thấy ý kiến đó là cảm tính. Song, thực tế diễn ra thì không khác nhiều so với những định tính trước đó. Thật sự, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hoàn toàn không phù hợp với nhạc Việt Anh nếu như anh chọn cách biểu diễn giống như anh đã và đang theo đuổi. Thật may là phần giao lưu của anh và ban nhạc Saigon Boys lại là khoảnh khắc giao lưu vui và hóm hỉnh nhất đêm diễn, mang lại được chút không khí sảng khoái cho người xem.
Điều cuối cùng, mang tính chất góp ý thì, giá như ca sĩ Thu Phương có thể bớt đi một chút về chuyện tâm sự cũng như “mong muốn” mang tính biểu diễn trên sân khấu thì có lẽ ấn tượng của chị sẽ lớn hơn trong đêm diễn. Nhìn lại phần biểu diễn ca khúc Chưa bao giờ của nữ ca sĩ tại đêm nhạc này và đêm nhạc cách đây vài tháng cũng tại nhà hát Hoà Bình thì về cung cách, cự li và cách di chuyển trên sân khấu, những biểu cảm mang cảm xúc mạnh không khác nhau. Nếu điều đó được lặp đi lặp lại nhiều thì cho dù có là cảm xúc thật thì cũng sẽ khó tránh nếu như một ngày nào đó khán giả khoác cho nữ ca sĩ những tính từ tiêu cực.
(*)Lời ca khúc Ngày hôm qua là thế
(**) Lời ca khúc Dòng sông lơ đãng