Cách đây tầm 5-7 năm thôi, khi mạng xã hội vừa mới bùng nổ tại Việt Nam, cho dù có giàu trí tưởng tượng đến cách mấy, thì chắc chắn bạn cũng chả bao giờ nghĩ đến một ngày, có một ca khúc được hát trên… bàn nhậu lại “ngang nhiên” giành được vị trí quán quân đường đường chính chính tại 1 BXH âm nhạc trực tuyến có uy tín tại Việt Nam. Chuyện thật mà ngỡ như đùa, nhưng đó chính là những gì mà Hongkong1 đã và đang làm được.
Phiên bản gốc đang “làm mưa làm gió” cộng đồng mạng - Hongkong1 đến từ Nguyễn Trung Tài.
Khó có ai tin được, chỉ với một đoạn clip đơn giản đến mức… tầm thường như vậy, có thể gây nên một “cơn bão” không hề nhỏ trong làng nhạc Việt. Đoạn clip vẻn vẹn trong vòng khoảng 2 phút, trong đấy, chúng ta có thể thấy anh chàng Nguyễn Trọng Tài thả mình vào những giai điệu lưu luyến của Hongkong1 bên những người bạn, giữa một khung cảnh quá sức giản dị là một… bàn nhậu.
Phần thể hiện sáng tác vô cùng mộc mạc, ít trau chuốt, chả chỉn chu và đầy tính ngẫu hứng, chất lượng video cũng tầm tầm bậc trung, tổng thể về phần nhìn sẽ chả đọng lại mất ấn tượng. Đúng rồi, làm sao có thể đòi hỏi sự đầu tư được - vì có trong giấc mơ hoang đường nhất, anh chàng trong đoạn clip cũng có bao giờ dám tưởng tượng sẽ có ngày ca khúc này đạt được hiệu ứng rộng lớn đến như vậy?
Tưởng như đây là một chuyện bất khả thi, nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng, dù là chuyện khó khăn đến mức nào, nhưng vẫn có một tỉ lệ xác suất thành công ẩn bên trong, dù rất nhỏ, nhưng rõ ràng nó vẫn tồn tại. Một ngày đẹp trời nào đấy, số phận mỉm cười, cái tỉ lệ phần trăm nhỏ bé ấy, lại vô tình ứng với Hongkong1, và kết quả, chúng ta có được một trường hợp đặc biệt và cực kì hiếm gặp của Vpop, thậm chí là trên thế giới.
Sức mạnh kì diệu của âm nhạc
Thứ nhất, ta có thể thấy, đây là một thể nghiệm âm nhạc hoàn toàn mới mẻ với đa số khán giả nhạc Việt. Cụ thể hơn, Hongkong1 là một ca khúc thuộc thể loại lo-fi, cụm từ viết tắt cho hai chữ low-fidelity, tạm dịch sang tiếng Việt là “âm thanh chất lượng thấp”, là một thể loại khá lạ lẫm với đại đa số người Việt, có vẻ sẽ phổ biến hơn trong giới underground. Cụ thể, nếu như các sản phẩm âm nhạc bình thường mà chúng ta thường nghe đều tận dụng những kĩ thuật và thiết bị hiện đại nhất từ phòng thu để tạo ra những bản nhạc và âm thanh căng tràn, chất lượng tốt nhất - thì lo-fi ngược lại, tạo ra những âm thanh với chất lượng thấp hơn bình thường một cách cố tình. Và đây là một trong những lí do quan trọng lí giải cho trường hợp thành công của Hongkong1.
Trọng Tài trình diễn Hongkong1 tại một chương trình.
Rõ ràng, xã hội ngày càng phát triển và đi lên, đôi mắt của chúng ta đã quen với các hình ảnh với độ phân giải ngày càng cao: từ full HD đến bây giờ là 4K, 8K, tuy nhiên, khi ngắm nhìn các hình ảnh 8-bit, hoặc trắng đen, hoặc ám vàng, ta đều có cảm giác vui thích và dễ chịu, tạo nên một cảm giác hoài niệm bình yên cho tâm trí. Với âm nhạc cũng thế, Hongkong 1 mang đến một bầu không khí hoài niệm, không quá cổ xưa đến mức xa lạ, mà thân thuộc như xem một cuốn phim TVB của những thập niên trước của khán giả Việt Nam.
Chính vì sự mới mẻ và tiên phong này, mà Hongkong1 nhanh chóng được số đông khán giả đón nhận. Trường hợp xảy ra tương tự với ca khúc Túy âm vào năm ngoái, một hiện tượng thực sự, tương tự như Hongkong1, đã làm dấy lên trào lưu tìm đến dòng nhạc indie để thưởng thức.Thừa nhận một điều, khán giả tại Việt Nam dễ mở lòng đón nhận những cái mới, tuy nhiên đây lại là một con dao hai lưỡi: đón nhận và lan tỏa rộng rãi trong một thời gian ngắn là một chuyện, còn có thể bám trụ lâu dài và ghi dấu ấn sâu trong lòng khán giả - lại là một câu chuyện và bài toán khác.
Túy âm cũng là một hiện tượng nổi lên năm ngoái, có nhiều điểm tương đồng với Hongkong1 về cách lan tỏa trong lòng khán giả đại chúng.
Thứ hai, Hongkong1 tiếp tục là một minh chứng cho việc những gì chân thật và phóng khoáng nhất sẽ đi ngay vào trái tim khán giả, chứ không còn bắt buộc phải là những dự án âm nhạc hoành tráng nữa. Người khó tính sẽ bảo đó là sự dễ dãi, nhưng nghệ thuật mà, trước hết anh phải chinh phục được trái tim khán giả đã, rồi sau đó hẵng nghĩ bàn đến các yếu tố hàn lâm, học thuật khác, chứ không phải lúc nào cũng khư khư cái tôi kiêu hãnh của mình.
Và chỉ cách đây không lâu, bản audio chính thức của Hongkong 1 đã được ra mắt với một bản phối hoàn chỉnh. Phần âm thanh mang bầu không khí của thể loại city pop rõ rệt, phần lời quen thuộc được lặp lại để tạo nên một ca khúc dài đúng 6 phút. Ta dường như có thể nhìn thấy và sờ vào sự cũ kĩ, bụi bặm, những ánh đèn vàng vọt nơi phố thị trong từng câu hát. Tuy nhiên, chính những khán giả đã trót mê mệt bản gốc đã lên tiếng, thể hiện sự không hài lòng của họ với bản chính thức này. Lí do vừa đơn giản nhưng cũng vừa ngặt nghèo: bản phối này quá chỉn chu và chăm chút, và chính nó đã vô tình làm mất đi cái chất phóng khoáng, chân thật của bản gốc!
Phiên bản audio chính thức của Hongkong1 đã vừa được tung ra cách đây không lâu.
Mạng xã hội: Vũ khí tối thượng
Chúng ta đang sống ở một thời đại mà mạng xã hội đang thống trị thị trường, bất cứ giây phút nào chúng ta cũng có thể có một ngôi sao mới, ngay cả những lúc mà chúng ta chả ngờ đến nhất. Vì thế, mạng xã hội trở thành một thứ vũ khí tối thượng. Những nút likes, những lượng tương tác bình luận cùng triệu triệu lượt chia sẻ, chuyền tay nhau có tác dụng mạnh mẽ hơn bất kì một chiến dịch PR khéo léo nào. Hình dung sự lan tỏa của ca khúc như một hạt tuyết lăn từ trên đỉnh núi cao xuống dưới thấp, ta sẽ phần nào hình dung sức lan tỏa ghê gớm mà mạng xã hội mang lại cho ca khúc.
Và cuối cùng, ta không thể nào không bàn đến yếu tố may mắn thuần túy! Dù chỉ góp một phần nhỏ trong sự thành công chung, nhưng đây vẫn là điều đáng để nghĩ đến. Rõ ràng, định mệnh đã chọn Hongkong1 phải trở nên nổi tiếng, chứ không phải là ca khúc khác, thế nên ca khúc bắt buộc phải nổi tiếng, đơn giản thế thôi!
Lí do này có vẻ mơ hồ và khá cảm tính, nhưng quả thực khi suy xét kĩ càng, ta thấy chả có gì là vô lí ở đây cả. Vì sao hàng giờ, hàng phút có hàng trăm, hàng nghìn các clip cover nhan nhản trên YouTube mà chỉ có duy nhất cậu nhóc mười mấy tuổi Justin Bieber lọt vào mắt xanh của Usher? Vì sao ở New York chả thiếu những nữ rapper trong giới underground nhưng chỉ có rất ít, số lượng đếm chưa đầy một bàn tay, trong số đó có thể tiến ra địa hạt mainstream, tiêu biểu nhất là Cardi B, cái tên đang nổi đình nổi đám làng nhạc thế giới trong một năm đổ lại đây…. Nếu tất cả những trường hợp trên không gọi là một-chút-may-mắn, thì ta có thể gọi là gì đây? Hongkong1 cũng đã nhận được sự may mắn tương tự như thế, tuy nhiên, không vì thế mà ta lại phủ nhận sạch trơn các yếu tố được liệt kê phía trên.
Đi tiếp hay dừng lại?
Tổng hòa lại, sự thành công của Hongkong1 cấu thành từ bốn yếu tố: sự mới mẻ trong thể loại âm nhạc chạm vào trí tò mò, sự phóng khoáng và bất cần khiến cho khán giả bỗng dưng thấy “đã” và đồng cảm, sức mạnh to lớn đến mức khó kiểm soát được của mạng xã hội, và cuối cùng là một chút may mắn. Thiếu một trong bốn yếu tố trên, sáng tác trên sẽ rất khó để có được vị thế như ngày hôm nay.
Nguyễn Trung Tài vừa mới có những bước chân chập chững đầu tiên để tiến vào làng nhạc Việt. Tuy nhiên, việc quyết định ở lại hay đi tiếp hoàn toàn tùy vào quyết định của anh. Nếu anh chọn đi tiếp, thì có một triệu thứ anh cần phải tức tốc hoàn thành trong thời gian nước rút để có thể tiến sâu hơn trên con đường chuyên nghiệp, còn nếu anh chọn dừng lại, thì tốt thôi, anh đã có thể cười khoái chí bên bạn bè trong nhóm nhạc, hãnh diện vì một thành tích có thể xem là “vô tiền khoáng hậu” đấy chứ? Dù gì thì, cũng cảm ơn anh chàng cùng ca khúc, vì đã thổi một làn gió mới, mát lành và lạ kì, vào Vpop. Rõ ràng, đâu phải lúc nào mà một ca khúc được ngẫu hứng “phiêu” bên bàn nhậu lại có thể leo lên vị trí dẫn đầu của một BXH âm nhạc, đúng không?