Hồ Trung Dũng: 'Không cần biết bạn là ai, hãy làm nhạc tử tế như Mỹ Tâm và Uyên Linh, ắt sẽ tự bán được đĩa…'

Hồ Trung Dũng: 'Không cần biết bạn là ai, hãy làm nhạc tử tế như Mỹ Tâm và Uyên Linh, ắt sẽ tự bán được đĩa…'

Logo Saostar - Special special

Hồ Trung Dũng: 'Không cần biết bạn là ai, hãy làm nhạc tử tế như Mỹ Tâm và Uyên Linh, ắt sẽ tự bán được đĩa…'

Copy Link
Chia sẻ

Gặp nhau tại một quán cafe ấm cúng nằm ngay trung tâm Sài Gòn, có lẽ không có nơi nào thích hợp hơn để chuyện trò với Hồ Trung Dũng, quý ông hát nhạc Jazz. Xuất hiện trước mặt tôi là một “quý ông” thực thụ: lịch lãm với chất giọng trầm ấm cùng đôi kính râm tạo một vẻ tinh tế. Vậy là anh cùng tôi đã cùng thả hồn theo Saigon Feel, về thế giới Jazz và những chiêm nghiệm đầy sâu sắc của anh về âm nhạc.

- Có vẻ anh đang rất bận rộn để quảng bá cho album Saigon Feel?

Đúng rồi, tôi vừa đi diễn và kết hợp quảng bá cho album, trong nước lẫn ngoài nước. Đây là thời gian các nghệ sĩ rất bận rộn chứ không chỉ mình tôi, vì thế trong lúc này tôi đang cảm thấy hơi stress. Sắp tới có một đêm nhạc tại Hà Nội vào ngày 20/12 để ra mắt album. Còn tại Sài Gòn, tôi cũng đang chọn thời gian phù hợp để tổ chức một đêm nhạc ấm cúng, với Jazz và những khán giả yêu thương.

- Liệu sẽ có những MV đi kèm với Saigon Feel?

Phải rồi. Ekíp đang làm việc cật lực để ra mắt video cho các bài hát. Đa số sẽ là các lyrics video, và những lyrics video này sẽ không giống những video bạn thường thấy trên mạng đâu, được tôi đầu tư rất kĩ để đảm bảo được tính nghệ thuật và chỉn chu nhất cho sản phẩm của mình. Theo thị hiếu của khán giả hiện tại, có vẻ như tôi sẽ đầu tư cho MV Từ khi anh đến. Đây không phải là bài nguyên bản dành cho tôi nhưng rất hợp với gout của người nghe hiện tại, khi phát hành được gây chú ý nhiều. Ca khúc đạt tất cả tiêu chí tôi muốn cho sản phẩm này: vừa vui tươi, vừa ý nghĩa, phong cách nhạc cũng đại diện được cho album này.

-Anh có vẻ rất tự tin với album này?

Một phần. 2000 bản trong 3 tuần cũng là một con số đáng kể đúng không? Cho nên thời buổi bây giờ, giá trị thật và giá trị ảo đang tồn tại song hành với nhau: những giá trị có được khi la lối ồn ào trên mạng đôi khi lại là giá trị ảo, những người xuất hiện trên mạng nhiều nhất lại không phải những người khán giả sẵn sàng trả tiền để nghe. Có những dòng nhạc dựa vào sự “ảo”, lượng view, like, nghe miễn phí, miễn được xuất hiện là họ vui…

Nhưng cũng có nhữnng dòng nhạc và cá tính khác như của tôi, tôi đặt sự trân trọng của khán giả với nghệ sĩ nhiều hơn. Sự trân trọng ở đây là: khi tôi ra sản phẩm, khán giả sẵn sàng trả tiền cho để sở hữu. Không cần biết bao nhiêu, có thể chỉ là 5000 đồng một bài hát trên iTunes, cộng lại cả album chỉ bằng 1/10 giá trị đĩa bán ngoài, nhưng tôi không quan trọng điều đó. Miễn khán giả chấp nhận bỏ tiền ra mua là tôi thành công. Tôi trân trọng những khán giả thực sự yêu âm nhạc của mình. Đôi khi chỉ cần hát cho 3-4 người cảm được mình, hơn là với 1000 người la hét, hò reo còn át cả giọng hát của mình.

Sài Gòn có mùa thu hát cùng với MTV Band.

Dĩ nhiên là sự thành công hiện tại vượt ngoài sự mong đợi của tôi, nói thật tôi cũng rất căng thẳng vì nó mới quá lạ quá. Công sức của hơn 6 năm trời, một mặt tôi rất hào hứng khi tung ra, nhưng một mặt lỡ không như mong ước 6 năm qua thì như thế nào… Và quả thật kết quả tốt hơn mình tưởng rất nhiều. Hiện tại thì tôi có thể lấy lại vốn rồi (cười). Một dấu hiệu tốt để tiếp tục với dòng nhạc này. Nhiều câu hỏi được đặt ra ngay từ lúc tôi chọn phát hành CD: vì sao còn làm đĩa làm gì, thời buổi bây giờ đâu còn nhiều người mua đĩa? Nhưng hãy nhìn đĩa của Uyên Linh, đĩa chị Mỹ Tâm mà xem: không cần biết bạn thuộc nhóm ngôi sao nào, bạn chỉ cần làm tử tế, đầu tư chất lượng hình ảnh - âm thanh, khả năng bán đĩa vẫn có.

-Cuộc gặp gỡ với anh Võ Thiện Thanh được xem là một “định mệnh”?

Tôi đã quen biết anh Thanh từ lâu, từ hồi còn ở nhóm bè Cadillac. Cả hai đều không nghĩ là người kia mê Jazz đâu. Một sáng tình cờ, ở một quán café, hai anh hem chỉ rủ nhau ra cho vui thôi, lúc đó mình mới hát được tầm hai năm rồi buộc miệng chia sẻ: “Đến lúc bắt đầu làm nhạc Jazz rồi”, ngược lại anh Thanh cũng thích thú ồ lên: “Anh cũng đang máu nhạc Jazz”. Thế là chỉ trong vòng 5 phút, hai người đã quyết định làm nhạc cùng nhau. 5 phút dẫn đến 7 năm trời. Khoảnh khắc thu âm xong bài hát cuối cùng, thực sự tôi và anh Thanh không tin nổi mình đã làm xong. Tôi và anh Thanh cảm nhận phải cảm ơn người kia rất nhiều, nếu cả hai không có nhau, giấc mơ làm Jazz đã không bao giờ thỏa mãn. Hiện tại thì cả hai vẫn tiếp tục liên lạc thường với nhau, anh Thanh thường gửi cho tôi các bản demo, rồi các chỉ dẫn trong âm nhạc.

-7 năm là một con số không tưởng với một album nhạc Việt?

Thứ nhất, vì đây là một album chưa có tiền lệ. Nhạc Jazz quốc tế thì có nhiều rồi, tôi muốn làm Jazz Việt Nam cho người Việt Nam, đó là cách tôi kéo những người chưa biết Jazz biết đến Jazz, đó là cách tôi kéo những người người chưa biết Jazz biết đến dòng nhạc này. Một vấn đề nữa khiến tôi đau đầu chính là ngôn ngữ tiếng Việt vốn không phải sinh ra để hát Jazz, đó chính là bài toán nan giải nhất khi viết lời và giai điệu.

Kế đó nữa, làm sao phần hòa âm phối khí đảm bảo tinh thần Jazz quốc tế nhưng vẫn có yếu tố đương đại Việt Nam, có thế mới đánh vào người nghe trẻ được. Tôi muốn họ biết rằng: Jazz khác với những gì mọi người nghĩ, không chỉ có u ám trầm buồn, mà vẫn đầu tươi vui lạc quan bên cạnh những nốt trầm lắng động.

Hồ Trung Dũng cùng Xích lô.

Có những bài hát tốn của anh Thanh tầm 1-2 năm để hoàn thành, và có ca khúc tôi mất đến 5 năm để thu âm xong. Thu âm ở đây không phải chỉ là bước vào phòng thu vài tiếng là xong đâu. Jazz khác pop, pop chỉ cần sự chỉn chu, kĩ thuật và cảm xúc - Jazz cần sự ngẫu hứng một cách tự nhiên. Có những ca khúc tôi phải đem ra ngoài biểu diễn, ở những đám đông nhỏ để tập, rồi lại vào phòng thu, thu xong để đó cốt chỉ để cho “vỡ bài”. Có khi phải vài năm sau, tôi mới quay trở lại phòng thu để tiếp tục thu tiếp.

Và cuối cùng, 7 năm đồng hành chắc chắn sẽ có nhiều lúc tôi và anh Thanh lâm vào trạng thái tiêu cực, không hiểu nhau dẫn đến tranh cãi và mâu thuẫn, đó là lúc cần bản lĩnh và sự tự tin cũng như một sự kiên trì và niềm đam mê tuyệt đối với Jazz để bước tiếp.

-Có bao giờ anh gặp bế tắc trong cảm hứng âm nhạc?

Chưa bao giờ. Mỗi lần đến thu âm, tôi đều có cảm giác rất kì lạ - bạn có biết cảm giác khi nghe một bản nhạc hay đến nỗi da gà của bạn nổi từ dưới lên trên. Mỗi lần tôi đến phòng thu với anh Thanh, nghe nghe bản phối của mình - tôi đều thấy vậy. Thậm chí, càng stress, càng áp lực, tôi càng dành thời gian ở trong phòng thu nhiều hơn.

- Vậy với lần tái xuất này, anh chủ yếu nhắm đến đối tượng khán giả nào?

Ở Việt Nam mình, khán giả yêu Jazz thực ra rất nhiều chứ không ít như lầm tưởng. Những người yêu Jazz lại đặc biệt: họ không lên tiếng nhiều như khán giả dòng nhạc khác như pop, dance,… Người yêu Jazz tự thân mua đĩa về nhà nghe, không nhiều người tham gia các forum diễn đàn và mạng xã hội. Phải khẳng định rằng: số lượng khán giả yêu Jazz tại Việt Nam không hề ít. Ví dụ thôi: bạn sẽ không hình dung được số lượng người nghe nhạc Michael Bublé tại Việt Nam nhiều đến mức nào đâu.

Tôi muốn từ từ tạo nên một thị trường riêng, tạo nên một dòng nhạc Jazz Việt Nam thực sự. Dĩ nhiên, việc làm này cần phải thực hiện dài hơi, đây chỉ là bước đầu tiên thôi. Tôi cũng thất mình rất may mắn khi có những người từ trước đến giờ chưa từng xuất hiện bỗng một ngày tìm đến tôi, tỏ sự hào hứng với sản phẩm và động viên tôi rất nhiều.

Và đối tượng quan trọng nhất: những khán gỉa chưa từng nghe Jazz. Ngày xưa, lúc tôi mới 19-20 tuổi, đối với tôi, Jazz là một gì đó rất khó khăn. Khi tôi sang Đức du học, tình cờ tôi được chơi trong một ban nhạc Jazz… Lúc đó tôi đã nghĩ: “thèm” chơi nhạc quá rồi, nên nhạc gì cũng”chơi” hết, đó là cách mà số phận đẩy đưa tôi đến với Jazz. Từ đó tôi dần nhận ra: Jazz có thể rất dễ nghe, cái hay của Jazz là: một khi bạn đã mê thì bạn sẽ không bao giờ quay lưng lại với nó.

Bằng cách làm của tôi và Võ Thiện Thanh, hi vọng Jazz cũng sẽ “dễ nghe”, hướng đến nhóm đối tượng rất quan trọng là những người trẻ, những người luôn sẵn lòng đón nhận và chờ đợi cái mới mẻ và khác biệt. Tôi nhận thấy rằng, đây chính là điều đang thiếu trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Hi vọng trong album và dự án sau này, tôi có thể chinh phục được cả những người nghe pop và đưa họ đến gần với Jazz hơn!

-Liệu rằng việc xây dựng nên một dòng Jazz Việt Nam quá tham vọng?

Một mình thì tôi không thể tạo ra nhạc Jazz cho riêng Việt Nam. Nhưng có một bất lợi, phiền hà là: khi mình làm gì đó mới mẻ thì luôn bị hỏi tại sao một cách bắt bẻ! Chính điều đó làm cho những ai muốn cống hiến điều mới cho thị trường âm nhạc dễ bị chán nản dẫn đến bị chùn bước. Một mặt, họ sẽ hỏi: “Vì sao không làm gì mới?”, một mặt họ lại tự mâu thuẫn: “Sao lại đi làm điều mới mà không làm những gì ai cũng đang làm?”.

Nhưng mà tôi không biết điều này là hên hay xui vì tính tôi thì “lì”, cái gì mình thích thì mình mới làm. Và tính tôi thì chỉ làm những gì mình thích. Tôi chỉ hi vọng mình là một trong nhữung người đầu tiên làm Jazz tại Việt Nam. Tôi tin rằng mình không phải là người duy nhất thích làm Jazz. Mình tạo tiền đề để người khác thấy làm Jazz tại Việt Nam không đến nỗi tuyệt vọng như mọi người nghĩ. Hãy cùng nhau làm nhiều hơn, làm cho khán giả biết đến nhiều hơn. Và có vẻ như đã thành công bước đầu: có rất đông những người mặc định Jazz rất khó nghe, qua Saigon Feel, bỗng nhận ra rằng Jazz không khó nghe đến như vậy (ít nhất vs fan của tôi). Lạ nhất là họ mê bài tôi… “sợ” nhất, đậm chất Jazz nhất: Sài Gòn có mùa thu. Tôi và anh Võ Thiện Thanh đã sợ khán giả sẽ ghét ca khúc này nhất vì chất Jazz quá “nặng” - ai ngờ khán giả lại mê bài này nhất!

-Thế còn bước ngoặt của anh khi đến với Jazz - gia nhập ban nhạc ở Đức?

Lúc đó tôi 19 tuổi, lúc đó là đội trưởng đội hát CKT của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Khi qua đến Đức du học thì tôi nhớ hát, nhớ âm nhạc kinh khủng, không có cách nào để giải tỏa. Một đêm Noel 2001, tôi qua nhà hàng xóm người Đức, gặp một anh bạn là con của bác hàng xóm thì mới biết rằng: ban nhạc của anh ta đang tìm người chơi keyboard và biết hát, thế là anh “liều” nhận lời luôn. Tuy nhiên, có một điểm là: họ chơi nhạc Jazz, ở thời điểm đó, anh không hề biết Jazz là gì. Tuy nhiên, họ nói với anh: Jazz chơi không có nốt nhạc, có thể nghe và tự chơi được - ngẫu nhiên lại rất phù hợp tôi vì lúc đó tôi đọc nốt dở, nhưng nghe và bắt chước theo lại rất tốt. Việc không có nốt đẫn dến việc tôi phải tập trung lắng nghe mọi người rất nhiều, hơn cả bình thường, và từ đó nhận ra Jazz đơn giản hơn bạn tưởng rất nhiều. Ban đầu có thể khó nghe vì đó là sự ngẫu hứng, hoàn toàn không có trật tự kiểu như nhạc pop. Thế nhưng, sự ngẫu hứng lại hay, mỗi lần mỗi khác, theo tâm trạng rất nhiều.

Từ thời điểm đó, tôi chỉ mong đến thứ 7 để tập luyện 3-4 tiếng đồng hồ. Rồi cách 2 -3 tuần lại rong ruổi đi lưu diễn ở các thành phố xa ở Đức, theo chiếc xe tải cũ nhưng nhiều kỉ niệm để đi biểu diễn. Tôi theo ban nhạc được hơn 1 năm mấy. Từ đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu Jazz, đi dự lễ hội nhạc Jazz và đắm chìm trong Jazz lúc nào không hay.

Khi về đến Việt Nam, tôi tự hát Jazz nhiều hơn. Nhớ hồi năm 2009 khi tôi bắt đầu solo, tôi đã tự hứa: mình phải theo đuổi nhạc jazz! Tuy nhiên, để hình ảnh quen thuộc với khán giả thì bắt buộc phải chọn Pop trước. Nên nhớ rằng: Pop và Jazz là hai nửa con người tôi, không có cái nào thật cái nào giả, mà đó là 2 nửa riêng biệt. Trong 9 năm vừa qua, đặc biệt là qua Bước nhảy hoàn vũ, khán giả dần đã biết đến tôi nhiều hơn. Lúc đó tôi hát rất nhiều Jazz quốc tế lúc dự thi. Các album sau, tôi đều “bí mật” đưa Jazz vào hết tất cả đấy chứ, nhưng đến bây giờ, mới có một album Jazz trọn vẹn.

-Sau jazz, anh có dự định quay về Pop, hay “lấn sân” sang một dòng khác?

Tôi không thử sức. Tôi không phải là người thích “tung tăng tung tẩy” mọi lĩnh vực cho vui. Tôi là một người rất nghiêm túc. Tôi chỉ làm cái làm cho tôi thực sự “mê”. Tôi đã nói rằng: Jazz và Pop là hai nửa con người. Và cũng nên nhớ rằng, Jazz với tôi lần này hoàn toàn không hề là sự thử sức, không phải là kiểu “chán pop thì thử jazz làm cho vui”. Ngay từ đâu, trước khi chính thức đi hát rất lâu, tôi đã muốn làm nhạc jazz. Khi đi hát, tôi đều đưa yếu tố jazz vào album. Mặc dù đĩa Saigon Feel được ra mắt vào năm thứ 9 sự nghiệp - nhưng từ năm thứ 2 đã được bắt đầu làm rồi.

Những người yêu mến tôi ở dòng nhạc pop không phải lo lắng gì cả - tôi vẫn tiếp tục ở lại với Pop, vẫn là hai nửa con người của tôi. Từ nay về sau, tôi muốn dung hòa 2 nửa trong tôi nhiều hơn nửa, để nhìn Hồ Trung Dũng không phải là 2 nửa riêng biệt, mà là 1 duy nhất.

-2018 vừa qua, anh có nghe những nghệ sĩ trẻ chứ?

Gần như không. Ở thị trường âm nhạc hiện tại, có sự phân cực, sự đa dạng hóa rất rõ ràng. Số lượng ca sĩ trẻ xuất hiện rất nhiều. Tôi không đủ thời gian để nghe hết. Chỉ duy nhất những bạn ca sĩ trẻ mà anh yếu mến thì anh sẽ tìm đến họ, tiêu biểu là Uyên Linh với Portrait. Nhưng trẻ hơn nữa thì không.

-Uyên Linh là “nàng thơ” của Hồ Trung Dũng?

Không ai hiểu âm nhạc của Uyên Linh bằng tôi, và cũng không ai song ca với tôi nhiều như Uyên Linh đâu. Số lượng sân khấu đi diễn chung của cả hai nhiều lắm. Uyên Linh là một người phụ nữ rất thú vị, một trong những hiện tượng rất hiếm của âm nhạc hiện tại. Tôi và Uyên Linh có những điểm chung nên rất quý nhau, đặc biệt ở chỗ: cả hai đều “lì” và chỉ muốnlàm những gì mình thích, hát những gì mình cảm. Tính cách của cả hai giống nhau ở chỗ: đều có những thứ đối lập trong nội bộ mỗi con người. Uyên Linh nhìn cứng rắn càng tiếp xúc càng thấy dịu dàng.

Hồ Trung Dũng và Uyên Linh, hai tâm hồn cùng đồng điệu về âm nhạc.

Tôi thì ngược lại: bề ngoài có vẻ hiền đấy, nhưng càng tiếp xúc mới thấy tôi càng “lì”. Tôi và Uyên Linh dễ nó chuyện, dễ cảm với nhau, vì cả hai tự đùa là cả hai là những tâm hồn già, có muốn trẻ cũng không được vì đã già từ hồi trẻ rồi. Đó là một trong những điều tôi quý ở Linh. Về giọng hát thì có lẽ không cần phải bàn đến nữa đúng không?

-Lúc nào anh cũng là một quý ông thanh lịch và điềm tĩnh đến vậy?

Cái hay và cũng chính là cái dở của người nghệ sĩ: họ lúc nào cũng phải thư thái và yêu đời. Tôi không muốn khi xuất hiện với mọi người, lúc nào tôi cũng là một người chán chường. Người nghệ sĩ họ có sự ảnh hưởng và tỏa năng lượng cho những người quan tâm yêu mến mình. Thậm chí, khi tôi bay sang Mỹ 20 -30 tiếng, khán giả tại Mỹ không hề nhận tôi đã bay dài đến như vậy. Đó là kĩ năng của một người nghệ sĩ: dù có gì xảy ra, dù có stress thế nào, mệt thế nào, họ vẫn rất dễ dàng “tỏ ra” điềm tĩnh, thư thả, còn nội bộ bên trong thế nào thì là một câu chuyện khác. Đó vừa là cái hay cũng là cái dở, vì điều đó lại càng khiến cho họ dễ stress: khi đang không thoải mái tươi vui mà vẫn phải cố tỏ ra như thế. Ai cũng có những nỗi niềm stress riêng: mỗi lần tôi bị stress, tôi đều nghĩ đến việc: một trong những điều may mắn và hạnh phúc của mình chính là được là chính mình, được làm điều mình đam mê, không phải ai trên đời cũng làm được chuyện đó. Mình sống thoải mái và khá dư dả với cái mình thích và được mọi người yêu thương, đón nhận rất nhiều tình cảm từ những người xa lạ. Vì thế đó lại là món quà rất lớn mà ông trời ban cho - và tất nhiên, luôn đi kèm với những mặt trái mà mình phải đón nhận. Nhưng câu hỏi cuối cùng mình đặt ra là: sự đón nhận đó đáng hay không? Nó hoàn toàn đáng, tôi luôn nghĩ đến đến những gì mình có được nhiều hơn là phải trả giá!

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, mong anh luôn thành công và nhiều cảm hứng!

Bài viết

Minh Khôi

Thiết kế

Lâm Lê

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp