Lễ trao giải danh giá Grammy lần thứ 58 diễn ra vào ngày 15/2 vừa qua đã kết thúc với nhiều dư âm đọng lại. Người ta tiếc nuối về sự vắng mặt vào phút chót của Rihanna, hụt hẫng vì chiếc ghế trống của Beyoncé, thất vọng về màn trình diễn của Adele và trên hết: tranh cãi về giải thưởng Album của năm trao cho Taylor Swift.
Dư luận đang chia ra làm 2 luồng ý kiến trái chiều. Một bộ phận cho rằng Grammy đang dần trở nên mất chất, Taylor Swift không xứng đáng được vinh danh. Số còn lại thì hoàn toàn đồng ý với chiến thắng của cô ca sĩ. Đặc biệt, gây tranh cãi trong những ngày qua là ý kiến của ca sĩ Tùng Dương khi anh cho rằng Grammy năm nay có chất lượng đi xuống rõ rệt, ngày càng mang tính thị trường. Điều đó cũng có nghĩa nam ca sĩ đang gián tiếp chỉ ra sự thiên vị của BTC dành cho Taylor Swift.
Taylor chiến thắng - hợp lý trong “cái khuôn” của Grammy?
Trước hết, hãy cùng nhìn lại những cái tên góp mặt trong danh sách đề cử:
- Kendrick Lamar với album To Pimp a Butterfly (R&B/hip-hop)Taylor Swift với album 1989 (pop)Alabama Shakes với album Sound & Color (rock)The Weeknd với album Beauty Behind the Madness (R&B/pop)Chris Stapleton với album Traveler (country)
Cả 5 album này đều là những album xuất sắc và xứng đáng nhận giải. Beauty Behind the Madness - sản phẩm R&B đầy tham vọng, To Pimp a Butterfly - tiếng nói mê hoặc đầy trọng lượng về các vấn đề xã hội. 1989 - album pop gần như không có khuyết điểm. Traveler - xứng đáng được ghi nhận và một Sound & Color đầy ám ảnh, nhuốm màu nguyên sơ của rock. Tuy nhiên, ngay trước thềm lễ trao giải diễn ra, nhiều nhà bình luận, phân tích đã đưa ra nhận định Kendrick Lamar và The Weeknd khó có cơ hội giành chiến thắng. Mặc dù được đánh giá thấp hơn Kendrick nhưng Taylor sẽ là cái tên sẽ được xướng lên ở Los Angeles Center. Thực tế cho thấy những dự đoán đó đã trở thành sự thật.
Năm ngoái, cả thế giới bùng nổ vào đêm Grammy lần thứ 57 khi Morning Phase của Beck đã đánh bật album gây bão Beyoncé của Beyoncé. Sau một năm mà Beyoncé hoàn toàn “thống trị” nền giải trí và âm nhạc thì tất cả khán giả đều không thể tin được rằng album của một tên tuổi lạ lẫm có thể đánh bại được một sản phẩm gây tiếng vang và lan tỏa rộng rãi như album của Beyoncé. Nhiều người hâm mộ tỏ ra vô cùng tức giận trước kết quả này.
Vậy hạng mục quan trọng này được chấm như thế nào? Trước hết, các ứng viên được lựa chọn bởi 10.000 thành viên có quyền biểu quyết của Viện Hàn lâm. Sau đó, 4 giải thưởng quan trọng nhất gồm Album của năm, Ca khúc của năm, Bản ghi âm của năm và Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tiếp tục được xét duyệt qua vòng chọn lựa thứ hai. Toàn bộ thành viên vẫn có quyền bỏ phiếu cho các ứng cử viên, nhưng top 20 sự lựa chọn của họ sau đó được chuyển cho một Ủy ban bí mật. Danh tính các thành viên trong Ủy ban này được giữ bí mật hoàn toàn để tránh những cuộc vận động hành lang. Họ bắt đầu gặp nhau vào tháng 12 tại Los Angeles. Ủy ban bí mật sẽ tiến hành lựa chọn ra 5 gương mặt đề cử cuối cùng. Sau đó toàn bộ các thành viên trong Viện Hàn lâm bao gồm nghệ sĩ từ mọi thể loại âm nhạc, các kỹ sư âm thanh, nhà sản xuất và thành viên trong ngành sẽ bỏ phiếu bầu chọn cho gương mặt xuất sắc nhất.
Bất cứ giải thưởng nào liên quan đến yếu tố bình chọn đều ít nhiều mang tính cá nhân. Cho dù là các thành viên của Viện Hàn lâm thì khi đưa ra sự lựa chọn của mình, ý kiến của họ cũng chỉ là ý kiến cá nhân. Họ thích một album pop thì sẽ bỏ phiếu cho album pop, họ thích một album R&B thì nghiễm nhiêm sự lựa chọn sẽ không nằm ngoài album R&B. Khi nhìn vào danh sách đề cử của Grammy năm ngoái gồm Beyoncé, Beck, Ed Sheeran, Sam Smith, Pharrell tương đương với R&B/pop, rock, pop, pop, R&B, người ta có thể giải thích được chiến thắng bất ngờ của Beck. Dòng nhạc rock chỉ có duy nhất một đại diện là anh, trong khi có tới 2 đại diện cho mỗi dòng pop và R&B. Số phiếu bình chọn dành cho Beck không bị “chia nhỏ”. Những người thích R&B và pop phải phân chia lá phiếu của họ giữa Beyoncé và 3 đề cử khác, trong khi các fan nhạc rock chỉ có một nghệ sĩ duy nhất để nhất trí bỏ phiếu.
Kịch bản này không phải diễn ra chỉ một lần trong khuôn khổ Grammy. Năm 2000, Santana đánh bại Backstreet Boys, TLC, Dixie Chicks và Diana Krall. Arcade Fire “hất cẳng” Katy Perry, Lady Gaga, Eminem, Lady Antebellum năm 2011. Giai đoạn 1986-1988, một loạt các nghệ sĩ rock (U2, Phil Collins, Paul Simon) đã chiến thắng các siêu sao nhạc pop như Whitney Houston, Barbra Streisand, Michael Jackson, Prince và Sting để được xướng tên ở hạng mục này.
Lịch sử lại một lần nữa lặp lại ở Grammy năm nay. Kendrick Lamar, The Weeknd, Alabama Shakes, Taylor Swift, và Chris Stapleton, hãy cùng xem lá phiếu được phân chia ra sao: rap/R&B, rap/R&B, rock, pop, country. Một mình Taylor một ngựa đại diện cho dòng nhạc pop - vốn đang rất được Grammy ưu ái trong những năm gần đây. Nữ ca sĩ “bỗng dưng” có cơ hội chiến thắng nhiều hơn hẳn những ứng cử viên khác. Đó là chưa kể một yếu tố tế nhị khác, đối thủ nặng ký Kendrick Lamar là người da màu, tài năng của anh vẫn ít nhiều bị xem nhẹ - một điều quá rõ ràng ở các kỳ Grammy trước.
Sự lựa chọn của Viện Hàn lâm ở Grammy lần này dù vẫn vấp phải gạch đá nhưng được đánh giá là một nước đi khôn ngoan và “hợp lý” với chính những gì họ thể hiện trong vài năm gần đây. Như nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã nói, Grammy ngày càng “mở”, ít khắt khe và đến gần hơn với công chúng. Hơn nữa, lễ trao giải năm ngoái đã thu về hàng tấn gạch đá vì Beyoncé vuột mất giải thưởng lớn nên phải chăng năm nay họ không thể mạo hiểm mà lựa chọn một cái tên ít đại chúng hơn? Và Taylor Swift chính là quyết định “an toàn” nhất mà Viện Hàn lâm có thể chọn mặt gửi vàng.
Nói vậy không có nghĩa là đang phủ nhận hoàn toàn nỗ lực của Taylor trong năm qua. Grammy có chọn thế nào thì cũng đều dựa trên những tiêu chí rõ ràng. 1989 là một album dung hòa được cả yếu tố thành công thương mại lẫn đánh giá của giới phê bình. Liệu có nên nhìn nhận mọi thứ quá tiêu cực, phiến diện?
Nhạc đại chúng thì không nghệ thuật, không xứng đáng?
Như đã nói ở trên, album thứ năm của Taylor Swift ngay từ khi ra mắt đã nhận được rất nhiều phản hồi, đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Các trang Rolling Stone, Billboard, Time, Metacritic, Telegraph… đều đánh giá cao album này. Rolling Stone tặng Taylor hẳn 4/5 sao: “Khi Taylor Swift quyết định làm điều gì đó, cô ấy hoàn toàn biết rõ cách để đạt được những thứ hơn cả thế nữa. Vì vậy trong album thứ năm này, khi quyết định theo đuổi nhạc pop những năm 80, cô đã hoàn toàn bùng nổ, dốc sức để hóa thân thành Pet Shop Boys. 1989 là một sự khởi đầu quyết liệt - chỉ một vài bài hát còn sót lại tiếng guitar nhuốm nước mắt. Nhưng cô ấy vẫn là Taylor Swift, chỉ có điều giấc mơ của cô ngày càng lớn hơn, mang tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn bất cứ ai khác.”
Ngoài việc “gom góp” được một đội ngũ sản xuất gạo cội, mát tay và đầy kinh nghiệm bao gồm: Jack Antonoff, Max Martin, Shellback, Noel Zancanella, thủ lĩnh One Republic Ryan Tedder, phần lời của các ca khúc trong 1989 cũng được dành tặng nhiều lời khen có cánh. Trang Mashable có hẳn một bài viết khích lệ Taylor: “Những lời ca từ Taylor Swift mang đến cho chúng ta cảm giác như chỉ muốn ’lặn’ vào cuốn nhật ký bí mật của riêng mình. Nếu như màn ra mắt năm 2006 là cuốn nhật ký long lanh màu hồng đi kèm với chiếc chìa khóa nhỏ thì năm nay, với album pop 1989, cuốn nhật ký đó đã được khoác một lớp da bên ngoài, đi cùng với dải ruy băng lụa như mời gọi tất cả chúng ta cùng khám phá những cảm xúc trưởng thành từ tận sâu bên trong cô.” Thậm chí, Mashable còn trích dẫn một loạt phần lời bài hát ấn tượng từ 1989 và design thành từng tấm hình Polaroid giống như hình bìa album.
Có một tư tưởng bén rễ rất sâu trong lòng những người yêu nhạc: thứ gì quá phổ biến sẽ không mang tính nghệ thuật. “Không may” cho Taylor, năm vừa qua là một năm phủ sóng với tần suất cao của cô. Hàng loạt những kỷ lục cũ bị xô đổ, kỷ lục mới được xác lập. Doanh số bán album đạt ở mức ấn tượng. Liệu có phải vì đã quá quen mặt, bị dội bom dồn dập với hình ảnh mới của Taylor nên người ta thêm phần khắt khe với cô. Hay là đang tự đánh giá thấp gu âm nhạc của đại chúng - trong đó có chính họ? Cảm quan về âm nhạc của bất cứ ai, dù là chuyên gia hay người bình thường, dù cao siêu uyên bác hay vô thưởng vô phạt thì cũng chỉ là quan điểm cá nhân. Đã là cái gu của từng người thì không thể giống nhau hết 100%. Ngay cả những diva hàng đầu thế giới được người người ca ngợi ngoài kia, cũng vẫn còn có những người “vô cảm” trước tài năng và giọng hát của họ.
Trước ý kiến “Grammy đang ngày càng thiên vị độ nổi tiếng”, hãy cùng nhìn lại đề cử cũng như người được giải từ các năm trước. Năm 2014, Random Access Memories của Daft Punk - một cái tên ít đại chúng hơn đánh bại Red của Taylor Swift. Năm 2011, The Suburbs của Arcade Fire thắng Recovery của Eminem - album bán chạy nhất năm, đồng thời “thổi bay” The Fame Monster của Lady Gaga và Teenage Dream của Katy Perry. Tương tự cho các năm từ 2004 đến 2009, tên tuổi chiến thắng Album của năm đều không phải là những tên tuổi quá khủng. Vì vậy, ý kiến trên có phần không thỏa đáng bởi nếu không thì chính Fearless của Taylor cũng không thể thắng được The Fame của Lady Gaga đang nổi đình đám vào năm 2010.
Chúng ta không thể đánh giá toàn bộ album 1989 của Taylor “rẻ tiền” chỉ vì một binh đoàn sao góp mặt trong MV Bad Blood hay bởi công chúa nhạc đồng quê ngày nào nhảy nhót loạn xạ trong Shake It Off. Không thể phủi sạch mọi nỗ lực và sự cố gắng của người nghệ sĩ bởi album của họ… quá thành công hay phủ sóng quá nhiều. Vốn dĩ, cái chuẩn mực “rẻ tiền” hay “đắt tiền” cũng là do chính chúng ta tự tạo ra mà thôi.
MV Bad Blood
MV Blank Space
MV Style