Âm Nhạc

Dương Khắc Linh: 'Ở Việt Nam, bolero sẽ luôn và mãi mãi là dòng nhạc có lượng người nghe đông đảo nhất'

Tuấn Hà
Chia sẻ

Dương Khắc Linh đã có những chia sẻ rất chân thành về quan điểm của anh xoay quanh câu chuyện của Tùng Dương và dòng nhạc Bolero.

Những ngày qua, Tùng Dương cùng quan điểm về dòng nhạc Bolero không ngại đụng chạm đã gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Nhiều luồng ý kiến trái chiều đã được đưa ra không chỉ từ khán giả mà ngay cả những nghệ sĩ, nhân vật có tiếng nói trong showbiz Việt.

Cũng trong dòng sự kiện, SAOStar đã liên lạc với nhạc sĩ Dương Khắc Linh để nghe anh chia sẻ về vấn đề này. Là một trong những nhạc sĩ trẻ có tên tuổi và tư duy hiện đại, được học chính quy và có đến 2 bằng thạc sỹ âm nhạc, Dương Khắc Linh đã mang đến một cách nhìn mới mẻ và chuyên sâu hơn cho vấn đề này.

Xin chào anh. Những ngày qua, việc phát ngôn của Tùng Dương về nhạc Bolero tạo nên “làn sóng” gây tranh cãi rất lớn trong giới chuyên môn, quan điểm của bản thân anh sau khi quan sát vụ việc thế nào?

Linh hiểu vì sao Tùng Dương nói vậy vì những người làm nhạc hàn lâm luôn coi Bolero “không sang”. Họ đánh giá người nghe Bolero thấp hơn họ. Ngược lại, người nghe nhạc Bolero sẽ thấy nhạc Tùng Dương khó nghe, thậm chí còn nói anh ta hát như… “thằng khùng”. Linh tôn trọng tất cả những luồng quan điểm đó.

Riêng về Bolero, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều có nhạc Bolero của riêng họ. Giai điệu dễ nghe và lời ca thì dễ hiểu, gần gũi với đời sống thường nhật. Ví dụ điển hình như nước Mỹ có dòng nhạc Country, Hà Lan cũng có dòng bolero của riêng họ, … Và tôi khẳng định, ở Việt Nam thì nhạc Bolero sẽ luôn chiếm số lượng người nghe đông đảo nhất. Mãi là như thế và không bao giờ thay đổi.

Tuy nhiên, thể loại nhạc nào cũng có giá trị và cái hay của nó. Không có nhạc nào cao hơn hay thấp hơn. Một người biết sáng tác Jazz chưa chắc có khả năng viết được 1 bài nhạc sến và biến nó trở thành hit. Và ngược lại. Nói chung là nên tôn trọng sự lựa chọn sáng tạo và thưởng thức nhạc của nhau.

Ở Việt Nam thì nhạc Bolero sẽ luôn chiếm số lượng người nghe đông đảo nhất. Mãi là như thế và không bao giờ thay đổi“.

Việc phân biệt nhạc hàn lâm có nghĩa là anh cũng ngầm đánh giá Bolero “kém sang” hơn?

Tôi không đánh giá cái nào sang trọng hơn bởi với tôi thì tất cả đều là nghệ thuật. Đồng ý là để sáng tác được Jazz thì phải học còn viết ra được 1 bài Bolero nhiều khi chỉ cần bản năng. Nhưng không có nghĩa là nhạc Jazz có giá trị hơn Bolero. Bolero cũng có trình độ riêng và yêu cầu nghệ sĩ phải hiểu biết thì mới làm ra được 1 bài đúng chất.

Với kiến thức âm nhạc được học gần như hàng đầu Việt Nam hiện nay thì anh nhận định thế nào về sự sáng tạo trong âm nhạc?

Linh nghĩ mỗi đất nước sẽ là luôn có nhạc để phát triển. Ví dụ nhạc điện tử, Modern-academic (như dòng Tùng Dương đang làm), Pop, R&B,… là những dòng nhạc sẽ luôn thay đổi và nó thể hiện được cái hiện đại, sáng tạo của 1 đất nước. Việc thay đổi là điều rất tốt và cần thiết. Luôn phải tìm tòi cái mới, cái sáng tạo để nền văn hóa đa sắc hơn.

Nhưng, cũng sẽ có nhiều thể loại nhạc không bao giờ thay đổi vì nó gần gũi với dân tộc mình như: cải lương, chèo, dân ca,… Nó sẽ luôn như vậy vì đó là nhạc truyền thống. Bolero cũng thế, không bao giờ thay đổi. Có chăng là chỉ đổi về chất lượng hòa âm hay kỹ thuật thu, mixing thôi. Còn giai điệu, hợp âm chỉ có từng đó, vì nó buộc phải như vậy, không thể nào hiện đại hơn được. Và đó là lý do khiến người ta thích nghe nó. Tại sao phải thay đổi thứ mà mọi người đều đang thích?

“Bolero sẽ không bao giờ thay đổi”.

Vậy ở Việt Nam, những nghệ sĩ nào anh nghĩ xứng đáng với việc là những nhà sáng tạo và tiên phong trong âm nhạc?

Tùng Dương là 1 nghệ sĩ có âm nhạc sáng tạo. Thậm chí đã đưa nhạc dân gian đương đại Việt lên 1 tầm cao hơn. Touliver cũng là ví dụ về 1 nhà sản xuất sáng tạo. Phối lại bài nhạc xưa để có 1 “chiếc áo mới” gần gũi hơn với khán giả trẻ. Tôi đánh giá đó là những người sáng tạo.

Nhưng sự sáng tạo của Tùng Dương không nhận được sự yêu thích đại chúng. Ngược lại, Sơn Tùng lại được khán giả thích thú bởi những điều mới mẻ của mình?

Cái đó dễ hiểu thôi. Phải hiểu nhạc của Tùng Dương mới thấy được cái hay. Còn Sơn Tùng thì là nhạc nhẹ, dĩ nhiên dễ nghe hơn rồi. Sơn Tùng được đông đảo khán giả yêu thích thì Tùng Dương lại được người trong giới đánh giá cao. Được cái này thì mất cái kia thôi.

Về Tùng Dương và Sơn Tùng: “Được cái này thì mất cái kia thôi!“.

Sáng tạo trong sự nghiệp âm nhạc của Dương Khắc Linh là gì?

Linh luôn tìm kiếm, theo dõi và cập nhật những cái mới nhất của thế giới. Xin hãy thứ tha thời điểm ra mắt cũng là cái gì đó rất mới mẻ. Sau đó là nhạc tôi làm kết hợp cùng Thanh Bùi, rồi đến những single Thu Minh, Cocktail (Hà Anh Tuấn), hay những bản ballad gần đây của Soobin Hoàng Sơn,… Tôi nghĩ tất cả đều là làn gió mới theo xu hướng thế giới.

Và đỉnh cao của sáng tạo là mình lấy cái hay nhất từ quốc tế, đưa về và để người Việt có thể nghe được. Đó mới là điều khó. Mình phải lấy “gia vị” nước ngoài, nêm nếm với “gia vị” Việt Nam để làm ra được món mới. Cái đó, tôi gọi đó là sự sáng tạo.

Cụ thể, sự mới mẻ trong các ca khúc đó là gì?

Phần hoà âm và giai điệu không theo bất cứ “khuôn” nào của nhạc Việt xưa giờ. Nó tạo cảm giác lạ tai cho người nghe. Có thể sẽ chưa thích nhưng khi thích rồi thì ắt sẽ thành hit. Sáng tạo cũng là sự mạo hiểm. Phải có suy nghĩ: “Có thể bài này ra thời điểm này, khán giả sẽ chưa thích nhưng vẫn quyết làm và thoát khỏi sự an toàn”. Đó mới là lúc thị trường nhạc Việt phát triển nhanh.

Chỉ khoảng 3-4 năm trước thôi, đi đâu cũng chỉ nghe Vinahouse vậy mà trong thời gian ngắn toàn bộ được thay đổi bằng EDM, Trance, Future House, Trap, Future Trap, Tropical,… Những điều mà thế giới cần đến 10 năm để phát triển thì Việt Nam mình chỉ cần trong vòng 2-3 năm. Tôi đánh giá khán giả Việt Nam càng ngày càng có hiểu biết và mới mẻ hơn.

Mình phải lấy “gia vị” nước ngoài, nêm nếm với “gia vị” Việt Nam để làm ra được món mới. Cái đó, tôi gọi đó là sự sáng tạo“.

Không chỉ là 1 nhà sản xuất lớn, giờ đây người ta còn thấy Dương Khắc Linh cầm máy đi quay MV cho ca sĩ?

Linh mê nhiều thể loại nghệ thuật ngoài âm nhạc. Trong đó có chụp hình, quay phim nữa. Tôi có ước mơ sau này là có 1 bộ phim riêng, nên phải học từ những MV, Viral video,… Tuy không được học bài bản về nghề quay nhưng Linh thích nó và cũng đang tự trau dồi từ các anh em trong nghề. Mà không ngờ làm vì đam mê thôi mà cũng ra tiền đó (cười lớn).

Ôm đồm nhiều thứ anh có sợ bị nói là tham lam và có chắc chất lượng được như bài hát của anh?

Dĩ nhiên là chất lượng chưa thể được như những sản phẩm âm nhạc. Cho nên tôi mới tạm gọi đó là làm vì đam mê. Một góc cạnh khác về nghệ thuật mà Linh muốn làm. Nó còn rất gần gũi với âm nhạc nữa. Vì thời buổi này, 1 MV đẹp và hay quyết định lớn cho việc thành công của bài hát. Linh làm MV cũng là để hỗ trợ đứa con tinh thần âm nhạc của mình.

Ví dụ gần nhất là Xin đừng lặng im?

Đúng thế. Bài đó đang được rất nhiều khán giả yêu thích. Tôi hy vọng có MV thì nó càng được phủ sóng nhiều hơn.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ cùng độc giả Saostar.

Chia sẻ

Bài viết

Tuấn Hà

Thiết kế

Nghiêm Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất