Có thể nói, Hà Trần là một trong số những ca sỹ hát hay nhất nhạc Trần Tiến. Cũng bởi là “máu mủ tình thân” nên có những giao cảm đặc biệt, bên cạnh đó, chính nhạc sỹ Trần Tiến là người có nhiều ảnh hưởng đến âm nhạc cũng như tính cách của cô cháu cưng Hà Trần. Vì thế, dù nhạc sỹ Trần Tiến là chú ruột, nhưng nữ diva vẫn gọi ông bằng cái tên thân thương: Bố, đủ để thấy tình cảm của cô dành cho nhạc sỹ thân thương và trang trọng đến mức nào.
“Những bài học quý giá nhất lại là những bài học ngoài âm nhạc”
- Chào chị Hà Trần! Đức tính nào của nhạc sỹ Trần Tiến khiến chị ngưỡng mộ và học tập nhất?
- Là ông luôn chăm chỉ, say mê học hỏi, lao động nghệ thuật trên nhiều phương diện. Không những sáng tác nhạc, mà cả văn chương. Đối với ông, lao động để tồn tại, để thử thách bản thân, vượt lên chính mình quan trọng hơn mọi sự đánh giá, tôn vinh của xã hội, của gia đình. Đó là điều tôi thực sự thấy ngưỡng mộ.
- Âm nhạc Trần Tiến đã nuôi dưỡng tâm hồn chị như thế nào lúc mới vào nghề?
- Thực ra lúc mới vào nghề tôi có nhiều ảnh hưởng, nhiều thần tượng khác trong âm nhạc. Không hẳn là “bụt chùa nhà không thiêng”, mà nói thẳng ra tôi cũng cần tìm con đường của tôi, và tôi chưa đủ kinh nghiệm sống để hát nhạc Trần Tiến. Nhưng rồi chú cháu tôi vẫn gặp nhau vì ADN, và chúng tôi sẽ còn luôn sống trong âm nhạc của mỗi người.
- Cho đến bây giờ, âm nhạc Trần Tiến đã cho chị những bài học gì trong cuộc sống?
- Nhiều lắm, kể sao hết nhỉ??? Những bài học quý giá nhất lại là những bài học ngoài âm nhạc. Khi chú cháu ngồi bên nhau, trong những dịp hàn huyên hiếm hoi giữa guồng quay công việc bộn bề, chúng tôi nói về mọi thứ trừ, âm nhạc. Tôi quý vốn sống bao la và tinh thần rộng lượng quân tử của chú.
Người đàn ông này, trong cách nhìn nhận cuộc sống không có sự phân định dân tộc, quốc gia, dù có thể trong những trả lời báo chí chúng ta luôn thấy ông là một người yêu nước, một người hiểu xã hội Việt Nam, một người đầy khí thế dân tộc….Với Trần Tiến, tôi thấy ông coi trọng con người, những con người tiến bộ, văn minh làm được nhiều điều hay ho, to lớn. Hay những người nhỏ bé lặng lẽ có lòng nhân.
Có một thế giới thẳm sâu trong ông mà người ngoài không biết. Họ chỉ nhìn thấy Trần Tiến giỏi, Trần Tiến nổi tiếng, Trần Tiến khó tính khó chịu và cũng có khi, cả Trần Tiến “diễn”. Nhưng tôi chỉ thấy một hình ảnh đồng nhất: Chú của tôi, là một trong những người hiếm hoi trên cõi đời này, đáng tin cậy.
- Khi tôi nghe chị hát Mẹ tôi (Trần Tiến), cảm giác chị giống như một cô gái nhỏ ngồi trong buồng, trước gương thủ thỉ với mẹ đã khuất của mình. Ở đó có cả sự hồn nhiên, trong trẻo của cô gái mới lớn, cả sự chững chạc, sâu sắc của người từng trải. Sự tĩnh tại và và nỗi khắc khoải là lời tự sự với bản thân nhưng cũng chính là tâm sự với mẹ mình. Có khi nào chị hát bài đó, mà cảm nhận được sự hiển linh của mẹ mình trong nỗi mơ hồ giữa thực tế và ảo giác không? Cảm giác ấy như thế nào thưa chị?
- Chắc chắn cảm nhận của anh chính xác 100%, nên tôi hay mang tâm lí dị ứng với những người thể hiện bài hát đó ồn ào, cuộn trào như vũ bão. Có nhiều thí sinh bây giờ đi thi hay hát như thế lắm. Nhưng tôi cũng tự nhủ rằng, tình cảm với mẹ của mỗi người khác nhau, tôi thích chiều sâu của ca khúc được bày ra từ tốn, lặn vào trong vì nó có nỗi đau của con và cả mẹ trong lời bài hát. Nhưng cũng có người buồn thương thì cứ đấm ngực thùm thụp gào lên thất thanh. Cảm nhận thuộc về tính cách mà.
- Cuộc đời mỗi con người luôn tồn tại sự hữu hạn và vô hạn. Âm nhạc cũng vậy, chị thấy nhạc Trần Tiến hữu hạn và vô hạn như thế nào?
- Cái vô hạn nên để người nghe tự tìm. Còn sự hữu hạn, có lẽ nằm ở cái thời của chú, thời của rất nhiều danh nhân, tài nhân của đất nước nhưng đã nửa đời đi qua chiến tranh và nửa còn lại đối đầu với những dư âm của cuộc chiến. Nó đầy kí ức cho sự sáng tạo, nhưng có những hạn chế trong cách nói, cách nhìn. Chú Tiến, cũng như nhiều người cùng thế hệ, là những chiến binh.
Chiến binh trong thời bình thì làm gì? Họ sẽ lại tiếp tục đấu tranh với những vấn đề khác của xã hội, của con người. Họ tìm tiếng nói trong một thời đại mà tiếng nói cá nhân trở nên lạc lõng giữa một đống thông điệp được nhắc lại, và những người trẻ đang lặp lại cứ tưởng mình mới phát minh ra. Tôi gọi đó là một sự đồng thoại, cả hai đều nói, và cả hai đều không hiểu gì nhau. Chú may mắn có một lớp khán giả trẻ nào đó lắng nghe mình, nên tiếng nói ấy vẫn còn giá trị sống.
- Nếu để kể về cả một hành trình âm nhạc của người chú đáng kính của mình, chị thích nhất giai đoạn âm nhạc nào của NS Trần Tiến? Chị có bao giờ nghĩ rằng, nếu không có Trần Tiến, thì Hà Trần của ngày hôm nay sẽ rất khác?
- Tôi thích nhiều giai đoạn quá, cả những giai đoạn mà tôi chỉ sống qua nhờ bài hát của ông. Như giai đoạn chiến tranh tôi chả biết gì, giai đoạn bao cấp, “mở cửa” đổi mới thì tôi chỉ lờ mờ nhớ. Tôi gọi chú là người cha tinh thần, đương nhiên không có ông tôi sẽ có những ảnh hưởng khác. Nhưng chả có gì tuyệt hơn sự ảnh hưởng lại gần gũi ngay trong nhà. Nó tạo nên sự phát triển thế hệ.
Mở cánh cửa khác cho âm nhạc của nhạc sỹ Trần Tiến
- In the spotlight 4 năm trước với chủ đề âm nhạc Trần Tiến, chị là một trong số các nghệ sỹ tham gia chương trình. Lần trở lại này, chị là nhân vật chính thỏa sức thăng hoa với âm nhạc của chú mình. Cảm xúc của chị như thế nào ạ?
- Tôi có thấy một áp lực không nhỏ cho mình và cả ê kíp thực hiện. Chúng tôi sẽ phải làm sao để tốt hơn, trọn vẹn hơn lần đầu??? Áp lực nhất là nhạc sĩ Hồng Kiên, anh phải vượt lên thành công trước, và “bóc lõi” Trần Tiến sát hơn những đêm nhạc đã được thực hiện tương đối đều đặn từ 2 năm trở lại đây. Chúng tôi không được chỉ xuề xoà du ca hay “gia đình trị”.
Chúng tôi cũng không được sang trọng hoá âm nhạc Trần Tiến. Nhưng anh Kiên là một người rất yêu và tâm huyết với chú Tiến. Tôi tin rằng anh ấy sẽ làm mọi người ngạc nhiên.
- Chị sẽ mang điều gì đến với khán giả qua những ca khúc của Trần Tiến: Sự gần gũi, mộc mạc, giản dị, hay những điều chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh quan, thế giới quan?
- Tôi sẽ chỉ hát bằng những gì tôi hiểu, tôi cảm được và đủ sức hát được những bài nào đó. Như đã nói, có nhiều ca khúc của chú dành cho người đàn ông, mà tôi thì là phụ nữ, chỉ có…tính đàn ông thôi. Cái thành công nhất là (nếu) tôi có thể mở ra những cánh cửa khác, để người nghe thấy được góc nhìn khác về Trần Tiến.
- Chị có muốn làm một điều gì khác biệt trong đêm nhạc Trần Tiến In the spotlight so với tất cả những đêm nhạc Trần Tiến khác?
- Tôi hiểu nhà tổ chức là những người yêu nhạc, thích làm cho ra tấm ra món và tổ chức rất quy mô, chi tiết. Đó có lẽ là điều sẽ khiến nhạc sĩ an tâm. Chú tôi đã lớn tuổi, hay lo lắng, và cũng không có nhu cầu xuất hiện rộng rãi trước đám đông. Mỗi lần làm show chú đều lo phát ốm. Tôi cần sự yên tâm của chú, trước khi tiến đến một sự khai thác nào mới mẻ hơn.
- Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!