Trước đêm chung kết, giới sành nhạc và khán giả đều dự đoán ca sĩ Nga Sergei Lazarev sẽ đăng quang nhờ màn biểu diễn quá đỗi ấn tượng với ca khúc You are the only one. Tiết mục của Lazarev là sự kết hợp giữa bài hát hấp dẫn và màn trình diễn ngoạn mục - tất cả những gì cần thiết cho người chiến thắng.
Chính vì vậy, ngay khi ban giám khảo tuyên bố ca sĩ opera 32 tuổi Jamala của Ukraine giành chiến thắng, làn sóng chỉ trích và phản đối dữ dội đã bùng phát và lan rộng.
Nước Nga giận dữ
Trên Twitter, vô số cư dân mạng lên án cuộc thi vì cho rằng nó đã bị chính trị hoá. Họ khẳng định màn trình diễn của Jamala là “chiến thắng tệ hại nhất trong lịch sử Eurovision” và trên thực tế Sergei Larazev mới là đại diện xuất sắc nhất.
Jamala còn bị phản đối dữ dội vì cố tình làm sai quy định của nhà tổ chức Eurovision vì nội dung bài hát đậm tính chính trị. Ca khúc 1944 mà cô biểu diễn trong đêm chung kết kể về sự kiện nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin ra lệnh trục xuất tộc người Tatar khỏi bán đảo Crimea.
“Không phải ca sĩ Ukraine Jamala và bài hát 1944 giành chiến thắng tại Eurovision 2016, mà chính trị đã chiến thắng nghệ thuật”, nghị sĩ Nga nổi tiếng Frants Klintsevich bức xúc. Ông kêu gọi Nga tẩy chay cuộc thi Eurovision sắp tới, sẽ được tổ chức tại Ukraine.
Nghị sĩ Nga Elena Drapeko lên án kết quả cuộc thi Eurovision là “hậu quả của cuộc chiến tuyên truyền chống Nga” và “Nước Nga đang bị bôi nhọ”. Nhiều quan chức chính phủ cũng cho rằng các ca sĩ nước này nên quên hẳn cuộc thi Eurovision.
Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin gợi ý mùa sau nước này nên cử ca sĩ nhạc rock Sergei Shnurov, nổi tiếng với các ca khúc chứa đầy từ ngữ tục tĩu, đi dự Eurovision. Các kênh truyền hình quốc gia Nga tung hô Lazarev là “người chiến thắng”, bất chấp việc anh bị rớt lại vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng chung cuộc.
Giới truyền thông quốc tế cũng không ủng hộ kết quả này. Báo Anh Telegraph trước đó dành những lời có cánh để ca ngợi Lazarev. Reuters mô tả đây là kết quả gây tranh cãi nhất trong lịch sử cuộc thi Eurovision.
Trước đó, phía Ukraine cũng từng có phản ứng tương tự trước dự đoán rằng Lazarev sẽ đăng quang. Ông Zurab Alasania, người đứng đầu cơ quan truyền thông quốc gia Ukraine, tuyên bố: “Nếu người có tên Lazarev giành chiến thắng, Ukraine sẽ từ chối tham gia vào cuộc thi năm tới.”
Từ sân khấu âm nhạc
Eurovision có tên đầy đủ là Eurovision Song Contest (Cuộc thi ca khúc truyền hình châu Âu), được tổ chức luân phiên hằng năm giữa các nước thành viên Liên hiệp Phát sóng châu Âu (European Broadcasting Union - EBU). Nước chiến thắng tại cuộc thi lần trước sẽ giành quyền đăng cai cuộc thi kế tiếp, thường diễn ra vào tháng 5.
Đây là một trong những chương trình truyền hình lâu đời nhất và cũng là một trong những sự kiện phi thể thao được theo dõi nhiều nhất trên thế giới. Lượng khán giả theo dõi trực tiếp Eurovision trong những năm gần đây dao động từ 100 - 600 triệu trên toàn cầu.
Người xem qua truyền hình có thể bình chọn cho bài hát yêu thích của họ thông qua tin nhắn điện thoại hay một ứng dụng riêng biệt. Tuy nhiên, có một quy định bất di bất dịch trong Eurovision chính là mỗi người không được bình chọn cho phần trình diễn của nước mình.
Là một cuộc thi âm nhạc lớn nhất hành tinh, Eurovision được CNN ví von như là sự kết hợp của cả Oscars, Grammys, Tony Awards, American Idol, The X Factor và America’s Got Talent. Sức hút lớn nhất là tính giải trí và nghệ thuật rất cao.
Gần như phá bỏ mọi giới hạn trong trình diễn, Eurovision còn là “thánh địa” của sáng tạo điều độc đáo, hiếm thấy. Năm 2012, Nga đã gửi đến một nhóm 6 cụ bà để tham gia thi đấu và gây ấn tượng mạnh đối với khán giả.
Phá vỡ truyền thống bá chủ của nhạc pop trong thị hiếu âm nhạc đương đại, năm 2006 Phần Lan gửi đến Lordi, nhóm nhạc rock có tạo hình ác quỷ và giành chiến thắng thuyết phục với màn trình diễn Hard Rock Hallelujah.
Và trong năm 2014, người chiến thắng là một trong những thí sinh gây tranh cãi nhất từ trước đến nay: Conchita Wurst - ca sĩ có vẻ ngoài nữ giới nhưng sở hữu bộ râu quai nón hết sức ấn tượng.
Bên cạnh đó, Eurovison còn là show truyền hình mang nặng tính nghệ thuật trình diễn, luôn đốt mắt người xem với những ca khúc đánh mạnh vào thị giác với những hiệu ứng ánh sáng, khói lửa, trang phục… được đầu tư kỳ công.
Người hâm mộ chắc chắn không thể quên được màn trình diễn bay bổng đến ma mị của trong ca khúc Heroes của Mans Zelmerlow (Thụy Điển) năm 2015, hay Emmelie de Forest (Đan Mạch) với ca khúc Only Teardrops năm 2013 với những hiệu ứng ánh sáng và pháo bông đầy ấn tượng.
Đến vũ đài chính trị
Xuất hiện lần đầu với tiêu chí thúc đẩy sự hợp tác và cảm thông giữa các quốc gia ở châu Âu, Eurovision mang dấu ấn chính trị rất đậm nét. Trong một vài thời điểm căng thẳng, Eurovision còn là địa điểm để các quốc gia đưa ra quan điểm chính trị.
Việc chặn cổng bầu chọn, cấm quốc gia thi đấu và dàn xếp kết quả là những bê bối từng xảy ra tại nhiều kỳ Eurovision trước đây.
Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine trong đấu trường Eurovision đã xuất hiện từ khi cuộc khủng hoảng Crimea bùng nổ. Báo Independent từng gọi Eurovision 2014 chính là trận chiến Ukraine - Nga trên sàn diễn.
Khi đó Nga muốn thể hiện một hình ảnh mềm mại hơn qua việc đưa cặp song sinh 17 tuổi Tolmachevy với gương mặt thánh thiện lên sàn thi đấu. Cặp đôi nhanh chóng trở thành đối tượng bị khán giả công kích kịch liệt vì gửi gắm thông điệp chống chiến tranh, bị châu Âu cho là những gì Nga đang làm.
Đại diện đến từ Ukraine là Mariya Yaremchuck thì bị khán giả Nga ghẻ lạnh vì ca từ bài hát “Em tin mình đã yêu từ lần đầu gặp anh”, mà họ cho là ám chỉ Ukraine khi nhận được “món quà Crimea từ nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev”.
Năm 2003, thái độ phản đối lập trường của Anh trong cuộc chiến Iraq cũng đổ dồn vào đại diện dự thi năm đó là Jemini. Trong năm nay, việc 2 đại diện của Anh thể hiện ca khúc You’re not alone cũng được cho là lời nhắn nhủ của nước này đến toàn bộ châu Âu về việc rút khỏi EU.
Sau năm 1989, các nước Trung Âu ưu tiên sân khấu Eurovision như là mặt trận để họ hội nhập với châu Âu trong kế hoạch “trở lại châu Âu”. Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy định cấm yếu tố chính trị trong các phần trình diễn, nhiều nước vẫn cố tình lách luật, khi đưa ra ca khúc với nội dung chống Tổng thống Vladimir Putin (Georgia năm 2009), cuộc diệt chủng của Đức (Armenia năm 2015)…
Chính vì thế, nhiều người nhận định rằng Eurovision ngày càng trở thành một vũ đài chính trị nhiều hơn là sân khấu nghệ thuật. Cách đây 15 năm, người dân Thuỵ Điển cho biết họ đã mất hết hứng thú với cuộc thi này và quyết định sẽ không tham gia nghiêm túc nữa.
Tuy nhiên, có một sự thật không thể phủ nhận rằng Eurovision vẫn là sự kiện âm nhạc lớn nhất hành tinh mà không ai có thể bỏ lỡ. Đây vừa là sân chơi, vừa là môi trường để học hỏi và trao đổi văn hoá giữa các quốc gia với nhau với tầm phủ sóng toàn cầu.
Đêm chung kết đại nhạc hội Châu Âu Eurovision 2016: